Công nghiệp CNTT có doanh thu cao nhất ngành thông tin và truyền thông. |
Theo Báo cáo, năm 2016, tổng doanh thu phát sinh toàn ngành viễn thông - CNTT năm 2016 ước đạt hơn1, 337 triệu tỷ đồng (ước tốc độ tăng trưởng đạt 9,36% so với năm 2015, cao hơn so với mục tiêu tăng GDP cả nước năm 2016 là 6,7%), trong đó: Tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực báo chí ước đạt 13.912 tỷ đồng; Tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực xuất bản, in và phát hành ước đạt 2.245 tỷ đồng; Tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực bưu chính ước đạt 16.800 tỷ đồng; Tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực viễn thông ước đạt 365.500 tỷ đồng; Tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực CNTT ước đạt 939.400 tỷ đồng.
"Điểm sáng " nhất của ngành là lĩnh vực Công nghiệp CNTT. Năm 2016, tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực Công nghiệp CNTT ước đạt 939.400 tỷ đồng (ước tăng khoảng 10% so với năm 2015) và đóng góp khoảng 70,22% vào tổng doanh thu toàn Ngành năm 2016; nộp NSNN ước đạt 93.940 tỷ đồng (ước tăng khoảng 10% so với năm 2015) và đóng góp khoảng 64,38% vào tổng nộp NSNN của Ngành năm 2016.
Đến nay, tổng số nhân lực trong ngành Công nghiệp CNTT trên 600.000 người, trong đó số lao động đang làm việc trong các ngành công nghiệp phần cứng - điện tử khoảng trên 300.000 người, còn lại thuộc về lĩnh vực công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung số.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, hạ tầng kỹ thuật ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Số lượng cán bộ, công chức được trang bị máy tính phục vụ công việc ngày càng tăng, góp phần tạo môi trường làm việc điện tử rộng khắp, tăng năng suất, hiệu quả công việc. Đến nay, khoảng 95% cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước tại các bộ, cơ quan ngang Bộ và trên 90% cán bộ công chức tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được trang bị máy tính phục vụ công tác.
Hệ thống mạng nội bộ LAN được triển khai tại các bộ, ngành, địa phương (đến cấp đơn vị trực thuộc đối với các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đến cấp sở, ban, ngành, quận, huyện đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Cụ thể: 100% cơ quan nhà nước có mạng nội bộ phục vụ công việc ngày càng tốt hơn; 100% số máy tính trang bị cho cán bộ, công chức cấp bộ, cấp tỉnh được kết nối Internet băng thông rộng; theo báo cáo, có 19/22 bộ, cơ quan ngang Bộ đã triển khai mạng WAN, trong đó đã kết nối tới 84% số đơn vị thuộc, trực thuộc; 51/63 tỉnh, thành phố báo cáo đã triển khai mạng WAN, trong đó 79% số đơn vị thuộc, trực thuộc đã kết nối với mạng diện rộng WAN.
Đối với đào tạo nguồn nhân lực CNTT, trong những năm gần đây, số lượng các trường đại học, cao đẳng đào tạo về CNTT, Ðiện tử-Viễn thông giữ ổn định ở con số khoảng 290 trường. Mặc dù số chỉ tiêu tuyển sinh năm sau cao hơn năm trước nhưng tỷ lệ tuyển sinh lại giảm. Có một thực tế, mặc dù chiếm đến 2/3 số trường đại học, cao đẳng trong cả nước có đào tạo CNTT, Ðiện tử-Viễn thông nhưng nhiều sinh viên ra trường vẫn không có việc làm, bên cạnh đó các doanh nghiệp vẫn thiếu nhân lực trầm trọng. Một trong các lý do là chất lượng nhân lực đào tạo ra chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là thiếu kỹ năng làm việc thực tế, kỹ năng mềm và ngoại ngữ.
- Tỷ lệ đường dây thuê bao cố định đạt 18,00 thuê bao/100 dân.
- Tỷ lệ thuê bao di động đạt khoảng 131 thuê bao/100 dân.
- Tỷ lệ thuê bao Internet băng rộng cố định đạt 10,11 thuê bao/100 dân.
- Tỷ lệ thuê bao băng rộng di động đạt 50 thuê bao/100 dân.
- Tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại cố định đạt 11,85%.
- Tỷ lệ hộ gia đình có truy cập Internet đạt 24,38%.
- Tỷ lệ người sử dụng Internet là 62,76% dân số.
- Tỷ lệ phủ sóng di động đạt 94%.
- Tỷ lệ số xã có máy điện thoại đạt 100%.
- Tỷ lệ xã có điểm phục vụ bưu chính đạt 100%.
- Sản lượng báo xuất bản đạt 1.000 triệu bản.
- Mức hưởng thụ báo chí bình quân đạt trên 11 bản báo/người/năm.
- Tỷ lệ phủ sóng phát thanh duy trì ở mức khoảng 98% trên diện tích cả nước và 99,5% trong dân cư.
- Tỷ lệ phủ sóng truyền hình đạt khoảng 95% diện tích cả nước.