Ứng phó chậm
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, một nhà máy có 3 vạn cọc sợi trước đây phải cần tới 450 lao động, thì bây giờ chỉ cần tối đa 30 người. Đối với lĩnh vực dệt, trước đây một công nhân có thể chỉ đứng 2 máy, thì hiện có thể đứng 8 - 10 máy, thậm chí 12 máy… Do đó, khi cách mạng 4.0 diễn ra, sẽ có một lượng lớn công nhân trong ngành dệt, sợi bị dư thừa.
Trong khi đó, các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành may mặc cho rằng, cách mạng 4.0 chỉ ảnh hưởng đến một số khâu chuyên biệt, còn nhiều phần khác thì gần như không thể, nhất là khâu thiết kế. Đó cũng là một phần lý do khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành này vẫn “bình chân như vại” trước cách mạng 4.0.
Theo ILO, dự báo máy móc công nghệ 4.0 có thể thay thế 65% lao động dệt may, da giày của Indonesia, 86% của Việt Nam, 88% của Campuchia trong một thập niên tới |
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM thừa nhận, một số doanh nghiệp tại TP.HCM đã đầu tư cho thiết bị, công nghệ thế hệ mới, nhưng mức đầu tư chưa lớn, mới đầu tư cho một bộ phận sản xuất.
Ví như Tổng công ty may Việt Tiến đầu tư thiết bị tự động hóa cho một số công đoạn làm áo sơ mi như ghép cổ, vào tay, măng séc… Tổng công ty Dệt may Hòa Thọ đầu tư khá lớn cho thiết bị tự động hóa ở bộ phận chuyên làm áo veston.
Theo ông Hồng, một sản phẩm may mặc thường có khoảng 50 - 100 chi tiết, nên việc tự động hóa sẽ được các doanh nghiệp làm dần dần, giải quyết từng nhóm chi tiết, sau đó mới nâng dần tỷ lệ tự động hóa. “Mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp ngành may mặc hiện nay là ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động”, ông Hồng nói.
Có chung quan điểm, đại diện Công ty cổ phần Scavi cho biết, khâu thiết kế trong ngành may mặc rất khó tự động hóa, bởi lĩnh vực này liên quan tới thời trang, thẩm mỹ của từng người, rồi còn size, cỡ, chất liệu vải khác nhau. Từ nhiều năm nay, Công ty hoạt động theo phương thức OBM (tự thiết kế, sản xuất, phân phối) và đã đầu tư khá lớn cho thiết bị, công nghệ mới, nhưng chủ yếu là ở các khâu chuyên biệt.
Chọn hướng đi phù hợp
Theo một báo cáo gần đây của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), dự báo máy móc công nghệ 4.0 có thể thay thế 65% lao động dệt may, da giày của Indonesia, 86% của Việt Nam, 88% của Campuchia trong một thập niên tới. Tuy nhiên, TS. Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, nguy cơ mất việc làm của người lao động trong ngành dệt may, da giày Việt Nam có thể không cao như dự báo trên và mức độ tác động đối với mỗi công đoạn sản xuất khác nhau cũng khác nhau.
Các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp dệt may cần lựa chọn cho mình hướng đi phù hợp. Trước mắt, tìm hiểu kỹ về cách mạng 4.0 và khả năng tác động của nó đến ngành dệt may; xác định các công việc trong dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp có thể tự động hóa theo phương châm “không tự động hóa bằng mọi giá” để vừa áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động vừa quan tâm sử dụng nguồn lao động dồi dào. Ngoài ra, cần chuẩn bị nguồn lực (con người, vốn, công nghệ) để có thể từng bước hiện đại hóa các khâu đã lựa chọn. Có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực có khả năng từng bước nắm vững công nghệ thông tin, an ninh mạng và những công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo, robot, Internet kết nối (IoT), công nghệ in 3D...
Theo ông Hồng, các doanh nghiệp ngành may đang trong giai đoạn “vừa làm, vừa chờ”, nên cách tốt nhất là tập trung khai thác hiệu quả năng lực sản xuất hiện có để tăng tích lũy, chuẩn bị nguồn lực cho đổi mới công nghệ. “Hai yếu tố quyết định thành bại của doanh nghiệp ngành may mặc là vốn đầu tư cho sản xuất và tay nghề của người lao động”, ông Hồng nói và cho biết, phần lớn các doanh nghiệp ngành may mặc đang tập trung cho việc thay đổi phương thức kinh doanh, đổi mới cách quản lý và chuyển dần sang xu hướng khai thác thị trường nội địa.