Ảnh minh họa. |
Nhận định thách thức
Trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 44 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2021. Mục tiêu của ngành dệt may năm 2023 là xuất khẩu 47-48 tỷ USD.
Tuy nhiên, tình hình năm nay đã khác. Các doanh nghiệp dệt may nhận định thị trường xuất khẩu và nội địa đều trầm lắng, đơn hàng cho 6 tháng đầu năm 2023 không mấy khả quan do lo ngại lạm phát và lượng hàng tồn kho ở mức cao.
Tác động nghiêm trọng hơn đối với những doanh nghiệp có khách hàng chủ yếu ở Hoa Kỳ và EU. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (Vitajean) dự báo, mùa xuân hè năm 2023, đơn hàng thiếu khoảng 20% trong quý I và giá thành sản phẩm có xu hướng giảm.
Ông Trần Văn Quy, Tổng giám đốc Công ty Dệt may Trung Quy chia sẻ: “Các đơn đặt hàng trong tháng 1 và tháng 2 đang chậm, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng để nhà máy có thể hoạt động khoảng 70% công suất và xuất khẩu đến các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, châu Âu, Mỹ...”.
Phó giám đốc Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Tim Đỏ, ông Diệp Thành Phát nêu khó khăn, về thị trường xuất khẩu, các quốc gia có những đòi hỏi khắt khe hơn từ các nhãn hàng so với trước. Đơn giá sản xuất giảm, nhưng đòi hỏi chất lượng cao hơn, chuyển đổi sang các phụ liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thân thiện môi trường.
Về thị trường nội địa, có sự sụt giảm mạnh về đơn hàng thời trang, đặc biệt là trong quý I và quý II vì đây không phải là mùa cao điểm của thời trang trong năm.
Phát triển thị trường ngách
Nhiều kịch bản tăng trưởng xuất khẩu được các doanh nghiệp đưa ra để “vượt sóng” trong nửa đầu năm 2023.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty May mặc Dony cho hay, gần đây Dony tìm ra một ngách khách hàng mới, đồng thời phát triển thêm sản phẩm mới cho khách hàng cũ. Theo đó, dòng khách hàng này là các doanh nghiệp truyền thống tại Mỹ và châu Âu đặt hàng tại Trung Quốc trong nhiều năm.
“Cuối năm 2022, tôi đã có chuyến đi công tác nước ngoài, gặp gỡ các khách hàng ở châu Âu và Trung Đông, cũng như liên lạc nhiều khách hàng ở Mỹ… nên đã ký kết được nhiều đơn hàng để có thể sản xuất trong nửa đầu năm 2023. Khách hàng mới này đã bù đắp toàn bộ phần sụt giảm và hiện lượng đơn đặt hàng đã bằng so với cùng kỳ năm 2022”, ông Quang Anh nói.
Về phía Công ty Dệt may Trung Quy, ông Trần Văn Quy cho hay, tại thị trường Mỹ, doanh nghiệp đã chuyển hướng hoạt động bằng cách thay đổi các sản phẩm truyền thống sang sản phẩm xanh, thân thiện môi trường như organic, tái chế…
Ngoài ra, để tìm kiếm được thị trường ngách và sản phẩm mới, Trung Quy đã xây dựng lại hệ thống nhà máy, đào tạo lao động, kiểm tra chất lượng máy móc, thiết bị, đầu vào, đầu ra… để đạt được các chứng nhận chuẩn quốc tế.
Ngoài phát triển thị trường ngách, doanh nghiệp cũng tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa. “Trước đây, doanh nghiệp đầu tư vào thị trường xuất khẩu khoảng 70% và nội địa 30%. Hiện tại cũng với công suất đó, nhưng chúng tôi tăng chỉ tiêu lên 50% cho thị trường nội địa và giảm còn 50% cho thị trường xuất khẩu”, ông Quy thông tin.
Tại Việt Thắng Jean, doanh nghiệp đang nhận được các đơn hàng online trong nước như bán hàng qua sàn thương mại điện tử, mạng xã hội…
Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp không mấy mặn mà với việc phát triển thị trường nội địa. Nguyên nhân là do sản phẩm xuất khẩu có giá thành cao, khi sản xuất cho thị trường nội địa phải chấp nhận giá thấp hơn 5-7%.
“Khi đầu tư nhiều hơn vào thị trường nội địa, tuy doanh số vẫn tiếp tục duy trì và tăng trưởng nhanh, nhưng lợi nhuận thực tế sẽ thấp hơn khoảng 3%, đây là hoạt động chỉ đủ để duy trì sản xuất tại nhà máy. Nhưng với nửa đầu năm 2023 nhiều thách thức thì việc doanh nghiệp ổn định cũng là đều may mắn”, Chủ tịch Việt Thắng Jean nhận định.