Doanh nghiệp
Ngành dệt may thiếu cả đơn hàng lẫn nhân công
Hồng Phúc - 01/08/2019 13:12
Cùng với tình trạng thiếu đơn hàng, thách thức cạnh tranh lao động và chi phí sản xuất gia tăng bắt đầu dần hiện rõ với các doanh nghiệp ngành dệt may.
Các doanh nghiệp dệt may đang gặp khó khăn từ cạnh tranh lao động và chi phí sản xuất tăng.

Doanh nghiệp miền Bắc thiếu đơn hàng

Trong khi Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, tình trạng khan hiếm đơn hàng đang diễn ra trong ngành dệt may, thậm chí cả những doanh nghiệp lớn, thì theo ghi nhận của Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (Agtex), vấn đề trên chỉ xảy ra với một số doanh nghiệp phía Bắc.

Cụ thể, ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Vitas cho biết, lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp mới bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2018 và Hiệp hội cũng “ngỡ ngàng”, bởi thời điểm đầu năm nay, có nhiều tín hiệu tăng trưởng từ thị trường.

Còn theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Agtex, tình trạng thiếu đơn hàng đã xảy ra, nhưng không phải toàn ngành, mà chỉ xuất hiện tại một số doanh nghiệp, đặc biệt tại khu vực miền Bắc.

“Doanh nghiệp dệt may thành viên của Hội hay khu vực phía Nam đều có đơn hàng bình thường. Dù xảy ra việc thiếu đơn hàng tại một số doanh nghiệp, nhưng tốc độ tăng trưởng chung của ngành vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước.

Trong những tháng đầu năm, cả lãnh đạo doanh nghiệp lẫn các chuyên gia trong ngành đều cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và việc ký kết các hiệp định thương mại tự do sẽ góp phần gia tăng đơn hàng từ Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, có 2 lý do khiến kỳ vọng này chưa đạt được. Đó là tình hình kinh tế thế giới khó khăn, khiến sức mua giảm; các hiệp định thương mại có hiệu lực, nhưng doanh nghiệp chưa thể vượt qua yêu cầu về quy tắc xuất xứ.

Trước diễn biến trên, cả Vitas và Agtex đều cho rằng, doanh nghiệp trong ngành sẽ phải “rất cố gắng” để đạt kim ngạch xuất khẩu trong năm nay ở mức 40 tỷ USD như kế hoạch đề ra.

“Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may cả năm vẫn có thể đạt 40 tỷ USD, bởi dù doanh nghiệp Việt Nam không thể gia tăng xuất khẩu, thì khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn có năng lực để gia tăng và bù cho toàn ngành”, ông Phạm Xuân Hồng lạc quan nhận định.

Sốt ruột khi thiếu nhân công

“Cái khó nhất hiện nay của doanh nghiệp dệt may không phải do thiếu đơn hàng, mà là khó khăn từ cạnh tranh lao động và chi phí sản xuất tăng, nên nhiều doanh nghiệp đang đuối”, ông Phạm Xuân Hồng nói.

Cũng theo ông Hồng, áp lực trên đang dần diện rõ, bởi doanh nghiệp nội địa phải cạnh trạnh với doanh nghiệp FDI, đặc biệt là việc mở rộng đầu tư sản xuất của doanh nghiệp đến từ Trung Quốc.

Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Tổng công ty 28 (Agtex 28) cũng cho biết: “Đơn hàng không thiếu, mà chỉ thiếu nhân công”.

Ông Hùng tỏ ra lo ngại, khi tỷ lệ nghỉ việc của Công ty trong 6 tháng đầu năm khoảng 5% và tình trạng này dự báo tiếp diễn trong những tháng cuối năm.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo ông Hùng, là xu hướng chuyển dịch lao động từ ngành dệt may sang nhóm ngành dịch vụ hay điện tử với mức lương bình quân cao hơn. Không chỉ khó tuyển dụng tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, mà tại tỉnh Quảng Ngãi, Agtex 28 cũng gặp khó khăn trong vấn đề này.

“Kế hoạch doanh thu, lợi nhuận cả năm thì vẫn phải đạt. Nhưng kiểm soát chi phí đầu vào là vấn đề khó, bởi giá nhân công, lương cơ bản… đều tăng, trong khi giá bán không thay đổi”, ông Hùng chia sẻ.

Còn ngành sợi, bà Nguyễn Phương Chi, Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ cho biết, một số nhà máy dệt nhuộm của Trung Quốc đóng cửa do tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và để giải quyết hàng tồn kho, từ tháng 4/2019, một số doanh nghiệp này đã đẩy mạnh bán phá giá sang Việt Nam.

Hành động trên ảnh hưởng đến việc kinh doanh của Công ty cả ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

Cụ thể, mức giá bán ra của các doanh nghiệp này thấp hơn bình quân 20 UScent/kg so với mức mà doanh nghiệp Việt Nam như Sợi Thế Kỷ bán ra.

Bà Chi cũng đánh giá, việc bán phá giá thường xuyên được doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện, nên diễn biến này có thể tiếp tục diễn ra từ nay đến cuối năm.

“Năm 2016, họ bán phá giá trong 1 năm để lọc xem công ty nào đủ khả năng để tồn tại. Được biết, Chính phủ Mỹ cũng đang điều tra hàng chống bán phá giá của Trung Quốc”, bà Nguyễn Phương Chi cho biết.

Thông tin từ Sợi Thế Kỷ cũng là thực tế đang xảy ra với toàn ngành sợi Việt Nam khi Hiệp hội Dệt may Việt Nam thừa nhận, chịu tác động từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, ngành dệt sợi Việt Nam gần như không xuất khẩu được sang Trung Quốc và sợi của Việt Nam không thể cạnh tranh về giá với sản phẩm từ Trung Quốc xuất khẩu sang.

“Doanh nghiệp dệt may thì đỡ hơn, còn doanh nghiệp sợi rất mệt trước cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung”, một chuyên gia trong ngành cho biết.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 6 tháng đạt xấp xỉ 18 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, hàng may mặc đạt 14,02 tỷ USD.
Tin liên quan
Tin khác