Thời sự
Ngành điện cần 133 tỷ USD vốn đầu tư trong 10 năm tới
Thế Hải - 24/11/2020 11:46
Theo tính toán sơ bộ của Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2021 - 2030, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện là 133,3 tỷ USD và tăng lên 184 tỷ USD trong giai đoạn 2031 - 2045.
Theo TS Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, huy động vốn quốc tế đầu tư vào ngành điện hiện còn nhiều rào cản.

Những khó khăn, trở ngại về huy động nguồn vốn quốc tế vào các dự án điện đã được đề cập tại Hội thảo quốc tế “Huy động vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức sáng 23/11.

Theo tính toán sơ bộ của Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2021 - 2030, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện là 133,3 tỷ USD, trong đó cơ cấu giữa nguồn điện và lưới điện là 72/28; giai đoạn 2031 - 2045 là 184,1 tỷ USD và cơ cấu tương ứng là 74/26.

TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào các dự án điện ngày càng khó khăn, việc thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân có vai trò và ý nghĩa quan trọng.

Tuy nhiên, theo ông Hiển, việc thu hút đầu tư tư nhân vào ngành điện nói chung và vào các dự án điện độc lập (IPP) hiện nay còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng trong nước gặp khó khăn do các dự án năng lượng đòi hỏi nguồn vốn lớn song theo Luật các tổ chức tín dụng, tổng mức dư nợ cấp tín dụng của một khách hàng không vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại; lãi suất vay vốn các ngân hàng trong nước để thực hiện các dự án điện IPP còn khá cao, chưa có các chính sách khuyến khích và hỗ trợ của Nhà nước đối với các dự án năng lượng tái tạo, dẫn đến giá điện bán cao khiến các dự án khó thu xếp vốn trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh đó, đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành điện cũng còn một số vướng mắc trong lĩnh vực quản lý ngoại hối như vấn đề chuyển đổi ngoại tệ, chuyển tiền thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư; chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài; chuyển nhượng vốn đầu tư, chuyển nhượng dự án đầu tư, rủi ro tỷ giá…

Cho đến tháng 8/2020, các Dự án nguồn điện độc lập (IPP) đã được đầu tư và vận hành có công suất khoảng 16.400 MW (chiếm 28,3% công suất đặt của toàn hệ thống)

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, với tổng mức đầu tư gần 13-15 tỷ USD/năm, quy mô thị trường Việt Nam là đủ sức hấp dẫn. Để tăng khả năng sinh lời và giảm rủi ro nhằm thu hút được dòng vốn quốc tế, trên bình diện quốc gia, Việt Nam cần coi trọng vai trò của xếp hạng tín nhiệm quốc gia vì thông qua đó sẽ giúp Chính phủ, định chế tài chínhdoanh nghiệp khi huy động vốn vay hoặc phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế có thể giảm được chi phí huy động vốn.

Từ đầu cầu Paris (Pháp), ông Hugo Virag, đại diện Tập đoàn Astris Finance cho biết, mục tiêu huy động trên 10 tỷ USD/năm cho phát triển các dự án điện sẽ không dễ dàng đạt được trừ khi thiết lập được cơ chế gọi vốn cho các dự án điện IPP.  Là doanh nghiệp chuyên tư vấn về năng lượng, cơ sở hạ tầng, có mặt tại Việt Nam 15 năm, Astris Finance nhận thấy, nhiều nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội đầu tư vào Việt Nam, song họ còn nhiều lo ngại về rủi ro pháp lý, về xây dựng, chậm vận hành dự án, rủi ro về khả năng hạn chế mua điện của EVN, rủi ro gián đoạn kinh doanh, hay bên bao tiêu mất khả năng thanh toán...

"Tuy dòng vốn quốc tế cho dù rất lớn nhưng sẽ chỉ dịch chuyển về các quốc gia đáp ứng được các tiêu chí: có quy mô thị trường đủ lớn; khả năng sinh lời ở mức hấp dẫn; và rủi ro thấp", ông Hugo Virag cho hay.

Nêu ra những cách thức cải thiện chỉ số tín dụng quốc gia cho Việt Nam, ông Ray Tay, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s cho rằng, điểm mạnh của kinh tế Việt Nam những năm gần đây có sự tăng trưởng rất đáng kể và việc thu hút thêm dòng vốn đầu tư các dự án điện sẽ thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh, nhưng xếp hạng tín dụng của Việt Nam sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xếp hạng tín dụng của dự án điện.

Theo ông Ray Tay, để tăng khả năng sinh lời và giảm rủi ro nhằm thu hút được dòng vốn quốc tế, trên bình diện quốc gia, Việt Nam cần coi trọng vai trò của xếp hạng tín nhiệm quốc gia vì thông qua đó sẽ giúp Chính phủ, định chế tài chính và doanh nghiệp khi huy động vốn vay hoặc phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế có thể giảm được chi phí huy động vốn.

Thực tế, khả năng được ngân hàng cho vay qua các hợp đồng mua bán điện thực sự là thách thức lớn với các nước thuộc nhóm các thị trường mới nổi do có mức độ tín nhiệm tín dụng còn thấp.

Bên cạnh đó, cơ chế về giá điện cũng cần đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư, từ đó bảo đảm khả năng sinh lời cần thiết để thu hút các dòng vốn quốc tế. Theo TS Nguyễn Đức Hiển, cần thực thi sớm yêu cầu đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ, cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp, đặc biệt trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới; minh bạch giá mua bán điện.

Đồng thời, cần sớm triển khai nhân rộng và có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Tin liên quan
Tin khác