Doanh nghiệp
Ngành điện loay hoay lo cung ứng
Thế Hoàng - 23/08/2019 15:31
Nhiều dự án điện chậm tiến độ, hiệu quả tiết kiệm năng lượng thấp, tác động của thời tiết khô hạn… đang đẩy ngành điện vào cảnh loay hoay lo đáp ứng nguồn cung.
Để đáp ứng việc sử dụng điện ngày càng gia tăng, hệ thống điện liên tục được đầu tư lớn, nhưng vẫn chưa theo kịp nhu cầu.

Cân nhắc khởi động lại điện hạt nhân

Sản lượng của hệ thống điện Việt Nam dù liên tục tăng trưởng cao trong thời gian dài (năm 2000, sản lượng điện đạt 22 tỷ kWh, đến năm 2018 đã tăng lên 220,31 tỷ kWh và dự kiến năm 2019 là 242 tỷ kWh), nhưng thiếu điện vẫn là nỗi lo cận kề.

Để đáp ứng việc sử dụng điện ngày càng gia tăng, hệ thống điện liên tục được đầu tư lớn, nhưng vẫn chưa theo kịp nhu cầu.

“Với tốc độ tăng trưởng phụ tải khoảng 10%/năm như hiện nay, mỗi năm cần sản xuất bổ sung 20 - 25 tỷ kWh, tương đương 3.000 - 4.000 MW công suất đặt từ các dự án nguồn điện đưa vào vận hành thương mại, trong khi nhiều dự án nguồn điện đang chậm tiến độ, gây khó khăn cho cung cấp điện”, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nêu thực tế tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam, sử dụng năng lượng điện hiệu quả, tổ chức giữa tuần này tại Hà Nội.

Báo cáo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho thấy, trong 62 dự án có công suất lớn trên 200 MW, thì có tới 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được giao làm chủ đầu tư 8 dự án trọng điểm nguồn điện với tổng công suất 11.400 MW. Giai đoạn 2016 - 2020 có 3 dự án và giai đoạn 2021 - 2025 có 5 dự án, thì hiện cả 8 dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc và không thể hoàn thành theo tiến độ trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Bộ Công thương dự báo, việc cung cấp điện năm 2020 về cơ bản sẽ được đáp ứng, nhưng tiếp tục tiềm ẩn rủi ro và đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong các tình huống cực đoan nếu nhu cầu phụ tải cao hơn dự báo, lưu lượng nước về các hồ thủy điện kém, phải huy động nguồn điện chạy dầu, gây áp lực về tài chính cho doanh nghiệp.

Đơn cử, ngay tại thời điểm tháng 7/2019, hầu hết mực nước các hồ thủy điện xấp xỉ mức nước chết so với cùng kỳ năm 2018, tổng thể tích nước ở các hồ thủy điện thấp hơn 7,46 tỷ m3, khiến sản lượng phát từ thủy điện thấp hơn cùng kỳ 3,38 tỷ kWh.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, các nguồn năng lượng truyền thống đã cạn kiệt, cần nghĩ tới một loại hình năng lượng khác thay thế, đó là điện hạt nhân. Ông Nguyễn Quân phân tích, Việt Nam đang phải nhập khẩu than, tới đây là khí hoá lỏng phục vụ sản xuất điện của các nhà máy nhiệt điện than, nhiệt điện khí. Thủy điện đã hết nguồn công suất, còn năng lượng tái tạo giàu tiềm năng nhưng hiệu quả thấp, không ổn định.

"Vì một số lý do, trước mắt chúng ta phải dừng dự án điện hạt nhân, nhưng về lâu dài, tôi cho rằng, một ngày nào đó phải quay trở lại", ông Nguyễn Quân nói.

Mấu chốt là giá điện

PSG-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, có vẻ như Việt Nam chỉ tìm mọi cách tăng trưởng sản lượng mà chưa tập trung vào khâu tiết kiệm năng lượng, trong khi cơ chế giá theo thị trường cạnh tranh chưa có thì nói tiết kiệm năng lượng làm sao được.

“Vấn đề mấu chốt là phải tiếp cận đúng về cơ chế thị trường, cụ thể ở đây là câu chuyện giá. Giá điện còn thấp thì khó kêu gọi tiết kiệm điện, càng khó mời gọi nhà đầu tư vào sản xuất nguồn điện, lưới điện, đặc biệt là các dự án năng lượng tái tạo”, ông Thiên nêu quan điểm.

Giá điện bình quân trên thế giới là 14 UScent/kWh, nhưng ở Việt Nam chỉ có 7 UScent/kWh, vì liên quan đến giá, nên khi giá tốt người ra sẽ sản xuất nhiều, không thì sẽ sản xuất ít.

Ông Thiên cũng cho hay, sau 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ngành điện ít thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, nếu có cũng chỉ là các dự án có công nghệ thấp. Nguyên nhân là vì giá điện chưa hấp dẫn, nên cần phải xem xét lại giá năng lượng cho phù hợp, phải chuyển sang tính toán giá điện theo cách tính mới để thu hút FDI vào làm điện. Phải tính đến kịch bản đáp ứng nhu cầu năng lượng, nhưng mấu chốt vẫn là giá như thế nào.

Không chỉ có giá năng lượng, quan trọng nhất là cách tiếp cận tất cả các loại giá đầu vào của Việt Nam, trong đó một trong những giá đầu vào quan trọng bậc nhất là đầu vào năng lượng, khi bị méo mó, thì nền kinh tế không thể vận hành hiệu quả được.

Đề xuất về việc khởi động lại dự án điện hạt nhân, nhưng ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng lưu ý, phát triển điện hạt nhân không nên để nước ngoài làm theo phương thức "chìa khoá trao tay" vì liên quan tới an ninh năng lượng, an ninh quốc gia. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, người ta có thể điều khiển một nhà máy điện hạt nhân từ cách xa hàng ngàn km, nên nếu trao cả cho nước ngoài làm, chúng ta sẽ không kiểm soát được nhà máy.
Tin liên quan
Tin khác