Toàn bộ phần lỗ chênh lệch tỷ giá của EVN, hơn 9.600 tỷ đồng được phân bổ dần vào giá thành bán điện đến năm 2020 |
Ám ảnh tỷ giá
Theo báo cáo giám sát giá thành sản xuất, kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2016, với doanh thu bán điện là 265.510,79 tỷ đồng (tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.661,57 đồng/kWh), hoạt động sản xuất, kinh doanh điện vẫn lỗ 593,46 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho hay, xét về tổng thể, mặc dù lỗ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh điện, nhưng tính chung hoạt động của EVN vẫn có lãi hơn 2.600 tỷ đồng. Dẫu vậy, EVN vẫn đang bị “treo” khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lên tới hơn 9.600 tỷ đồng.
Theo đại diện của Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, trong quá trình sản xuất, kinh doanh của EVN, do nhu cầu đầu tư xây dựng các dự án điện lớn, nên Tập đoàn phải huy động vốn từ trong và ngoài nước. Việc vay vốn trong nước bị khống chế tỷ lệ, vốn có hạn, lãi suất cao, do đó, EVN phải vay vốn nước ngoài. Dù Ngân hàng Nhà nước đã có chính sách điều hành tỷ giá ổn định, nhưng trên thực tế, biến động của các đồng ngoại tệ, đặc biệt USD vẫn lớn khiến lỗ tỷ giá của EVN hiện vẫn ở mức cao, tới hơn 9.600 tỷ đồng.
“Nếu toàn bộ phần lỗ chênh lệch tỷ giá này đưa ngay vào giá sẽ gây áp lực lớn đến giá điện. Cho nên những năm trước, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, EVN hạch toán một phần hoặc giãn việc đưa vào giá thành số chênh lệch tỷ giá này”, ông Tuấn cho hay.
Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực cũng cho biết, toàn bộ phần lỗ chênh lệch tỷ giá còn treo được phân bổ dần với mục tiêu đến năm 2020 sẽ phân bổ xong.
Trước đó, tại lần điều chỉnh giá điện gần nhất vào tháng 3/2015, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN cũng thẳng thắn cho hay, từ lần điều chỉnh giá điện ngày 1/8/2013 đến 31/1/2015, nếu tính nguyên các chi phí đầu vào thì mức tăng giá điện phải trên 12,8% và cuối cùng Chính phủ đã quyết định tăng ở mức 7,5%.
Tính đến ngày 31/12/2013 theo báo cáo đã kiểm toán của Deloitte, chênh lệch tỷ giá chưa phân bổ còn 8.811 tỷ đồng. Năm 2015, nhờ có thêm nguồn từ tăng giá điện nên EVN lên kế hoạch phân bổ khoảng 926 tỷ đồng. Phần còn lại hơn 7.000 tỷ đồng được EVN tiếp tục đề nghị Thủ tướng cho kéo dài phân bổ sau năm 2015.
Vẫn theo EVN, trong các phương án giá điện từ năm 2011 đến nay, Bộ Công thương và EVN chưa lần nào tính chênh lệch tỷ giá vào phương án giá điện, nhưng thực tế, EVN đã phải dùng lợi nhuận để bù đắp khoảng 18.000 tỷ đồng.
Năm 2012, 2013 và một phần năm 2014, do nguồn thủy điện tăng khá so với kế hoạch, nên EVN có nguồn để yêu cầu các đơn vị bên dưới trích bù phần chênh lệch tỷ giá còn đang “treo” từ 31/12/2011. Phần chênh lệch còn lại khoảng 8.000 tỷ đồng tiếp tục được xử lý trong năm 2015, 2016.
Đáng nói là, với thực tế vẫn tiếp tục phải đầu tư các công trình điện và hiện trạng không dư dả của EVN để giảm vốn vay đầu tư xuống, câu chuyện tỷ giá vẫn sẽ là nỗi ám ảnh ngành điện khi giá điện chưa theo đúng quy luật thị trường.
Ì ạch hút vốn
PGS-TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, hiện nay, giá năng lượng nói chung và giá điện nói riêng chưa thực sự phản ánh đúng bản chất giá cả thị trường, dẫn đến quan hệ cung - cầu méo mó và là nguyên nhân khiến ngành năng lượng rất khó cạnh tranh.
“Điều này cũng lý giải vì sao, các doanh nghiệp trong và ngoài nước chưa “mặn mà” đầu tư vào ngành năng lượng. Như vậy, áp lực càng lớn với nguồn cung năng lượng khi nhu cầu sử dụng vẫn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới”, ông Thiên nói.
Thực trạng hiệu quả sản xuất, kinh doanh điện của EVN nhiều năm qua cũng chính là minh chứng rõ nhất cho thu hút đầu tư vào sản xuất điện, khi cuối cùng, EVN vẫn phải gánh vác trọng trách chủ yếu trong đầu tư và phát triển ngành điện.
Đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2015 cũng đã chỉ ra rằng, các nhà đầu tư tư nhân chỉ đầu tư vào các dự án phát điện nếu giá điện phản ánh chi phí và bao gồm cả các yếu tố như chênh lệch tỷ giá, giá nhiên liệu, điều kiện thủy văn.
Cùng với khuyến nghị, giá điện của Việt Nam sẽ phải tăng tới 40% trong vòng 3 năm tới, tính từ năm 2015 mới có thể “cứu” nổi ngành điện, Ngân hàng Thế giới soi xét kỹ giá thành điện cũng như giá bán ra của ngành điện để quyết định việc cho các dự án điện của EVN vay vốn hay không.
Năm 2017, EVN lên kế hoạch đầu tư 137.000 tỷ đồng, nhưng các năm trước đó mức đầu tư cũng đều quanh con số 100.000 tỷ đồng. Với hiệu quả sản xuất, kinh doanh của EVN hiện nay, câu chuyện vay vốn với sự bảo lãnh của Chính phủ luôn được đặt ra khi muốn đầu tư các công trình điện.
Mặc dù chưa bao giờ con số nợ vay của ngành điện được công khai, nhưng một vài số liệu hiếm hoi từ Bộ Tài chính cũng cho hay, mức bảo lãnh nợ vay của Chính phủ đối với EVN hiện là 9,7 tỷ USD.
Bởi vậy, kể cả khi giá điện được tăng thêm 6,08% từ ngày 1/12/2017, thì câu chuyện “giá điện không thị trường - thu hút đầu tư - vay nợ lớn của EVN - lỗ tỷ giá” vẫn tiếp tục luẩn quẩn.