Quyết định tăng giá điện được thông báo công khai trước khi áp dụng chính thức trước chưa đầy 12 tiếng. Như vậy, sau gần 3 năm đứng yên, giá điện cuối cùng đã được phép tăng thêm 6,08%.
Tuy nhiên, đến cuối ngày 30/11, vẫn chưa có biểu giá bán lẻ điện cho các hộ tiêu thụ được công bố, để người dùng điện biết chính xác các mức giá bán lẻ điện sẽ áp dụng cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày với từng cấp điện áp.
Cũng trong ngày áp dụng mức giá điện mới, Bộ Công thương vào chiều nay dự kiến sẽ có cuộc họp báo liên quan tới vấn đề này.
Trong thông cáo của Bộ Công thương cũng cho hay, việc điều chỉnh giá bán điện lần này được thực hiện trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra bởi Tổ công tác liên Bộ, trong đó có xem xét đến các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào và các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 và chi phí ước thực hiện năm 2017 theo quy định tại Quyết định số Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán điện lẻ bình quân.
Mức giá cho từng nhóm khách hàng được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Cùng với thông tin về tăng giá điện, Bộ Công thương cũng đã công bố chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2016.
- Chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phân bổ lũy kế đến ngày 31/12/2016 của các công ty sản xuất, kinh doanh điện do công ty mẹ EVN sở hữu 100% vốn: Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia là 2.352,25 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty phát điện 1 là 2.782,52 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty phát điện 3 là 3.374,22 tỷ đồng.
- Chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phân bổ lũy kế đến ngày 31/12/2016 của khối các công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng là 714,26 tỷ đồng, Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh là 386,70 tỷ đồng và Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại là 185,48 tỷ đồng.
Theo đó, sản lượng điện thương phẩm thực hiện của năm 2016 là 159,79 tỷ kWh; tỷ lệ tổn thất điện năng toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 7,57%, thấp hơn 0,13% so với kế hoạch và thấp hơn 0,37% tỷ lệ tổn thất điện năng thực tế của EVN năm 2015 (7,94%).
Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2016 là 266.104,25 tỷ đồng (thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được tính giảm trừ trong chi phí sản xuất kinh doanh điện); giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016 là 1.665,29 đ/kWh.
Trong số này, tổng chi phí khâu phát điện là 203.000,73 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.270,38 đ/kWh.
Tổng chi phí khâu truyền tải điện là 16.167,27 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 101,18 đ/kWh.
Tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 45.859,32 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối - bán lẻ điện theo điện thương phẩm là 286,99 đ/kWh.
Tổng chi phí khâu phụ trợ - quản lý ngành là 1.076,93 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phụ trợ - quản lý ngành theo điện thương phẩm là 6,74 đ/kWh.
Chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các huyện, xã đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016.
Đáng nói là nếu so với giá thành sản xuất kinh doanh điện thì giá bán điện bình quân tại các huyện đảo Phú Quý, Côn Đảo, Bạch Long Vĩ, Cù Lao Chàm và Đảo bé, Đảo Lý Sơn và các xã, đảo Khánh Hòa tương ứng chỉ bằng 27,75% - 28,60% - 19,07% - 18,57% - 14,15% và 9,50% giá thành điện thực tế ở các đảo.
Với thực tế này, doanh thu bán điện năm 2016 đạt 265.510,79 tỷ đồng (tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.661,57 đ/kWh).
Riêng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 lỗ 593,46 tỷ đồng.
Tuy nhiên thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2016 là 3.251,66 tỷ đồng đã giúp cho EVN lãi 2.658,20 tỷ đồng.
- Thu nhập từ tiền bán công suất phản kháng: 729,49 tỷ đồng.
- Thu nhập hoạt động tài chính của Công ty mẹ - EVN (từ lãi tiền gửi, thu nhập từ phí cho vay lại, lãi cho Tổng công ty phát điện, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia vay lại; số liệu do EVN báo cáo): 1.442,71 tỷ đồng (trong đó lãi tiền gửi là 618,06 tỷ đồng; phí cho vay lại là 299,87 tỷ đồng; lãi cho Genco, NPT vay lại là 524,78 tỷ đồng).
- Thu nhập hoạt động tài chính của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (từ lãi tiền gửi): 268,03 tỷ đồng.
- Thu nhập hoạt động tài chính của các Tổng công ty Điện lực (từ lãi tiền gửi, tiền cho vay): 443,00 tỷ đồng.
- Thu nhập từ cổ tức và lợi nhuận được chia của Công ty mẹ EVN (số liệu EVN báo cáo): 75,00 tỷ đồng.
- Thu nhập từ cổ tức và lợi nhuận được chia, lãi chuyển nhượng vốn của các Tổng công ty Điện lực (số liệu EVN báo cáo): 293,43 tỷ đồng.