Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hiện đang tập trung nâng cấp, cải tạo 279 đường ngang phòng vệ biển báo thành đường ngang phòng vệ cảnh báo tự động, đồng thời lắp cần chắn tự động nhằm tăng cường thiết bị cảnh báo, ngăn ngừa tai nạn. Trong số này, khu vực miền Nam có 73 đường ngang, khu vực miền Trung có 123 đường ngang và khu vực miền Bắc có 83 đường ngang.
Cả nước có 1.574 vị trí giao cắt đường sắt với đường bộ (ảnh minh họa) |
Trước đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tích cực phối hợp các địa phương thực hiện nhiều giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt.
Cụ thể, đã xây dựng gồ giảm tốc tại 639/1574 (đạt 40,6%) vị trí giao cắt đường sắt với đường bộ; Rào thu hẹp 1.486/2.017 vị trí (đạt 73,67%) lối đi tự mở. Tổ chức cảnh giới đảm bảo an toàn giao thông tại 251/430 vị trí lối đi tự mở (đạt 58,37%). Xóa bỏ 53 vị trí lối đi tự mở, đặc biệt, không phát sinh lối đi tự mở trên các tuyến đường sắt.
Đáng chú ý, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tiến hành lắp đặt hệ thống camera giám sát trong nhà gác chắn, khu vực ngoài đường ngang và tổ chức giám sát tập trung tại 100% đường ngang có gác, phục vụ công tác kiểm tra, giám sát thực thi nhiệm vụ của nhân viên gác chắn, đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, hiện trên toàn mạng lưới đường sắt quốc gia vẫn tồn tại 4.038 lối đi tự mở, chiếm 72,67% tổng số giao cắt cùng mức; 17.912 vị trí vi phạm kết cấu hạ tầng đường sắt. Trong đó: 11.563 vị trí vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt; 6.349 vị trí vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thông tin tín hiệu đường sắt. Đây là những vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, xảy ra tai nạn đường sắt cao.
Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tai nạn giao thông đường sắt trong 11 tháng năm 2019 (tính từ 16/12/2018 đến 15/11/2019) tuy giảm về số người chết nhưng lại tăng về số vụ, số người bị thương so với cùng kỳ 2018.
Về số vụ, xảy ra 230 vụ, tăng 2 vụ, tương đương tăng 0,9%; số người chết 102 người, giảm 9 người, tương đương giảm 8,1%; bị thương 172 người, tăng 18 người, tương đương tăng 11,7%. Trong đó, vị trí xảy ra tai nạn tại lối đi tự mở chiếm tỷ lệ cao nhất là 91 vụ, chiếm tỷ lệ 39,56%; tại đường ngang là 52 vụ (22,61%); dọc đường, do vi phạm khổ giới hạn đầu máy - toa xe là 87 vụ (37,83%). Phân loại theo pháp luật đường sắt, có một vụ đặc biệt nghiêm trọng; 4 vụ rất nghiêm trọng; 92 vụ nghiêm trọng; 133 vụ ít nghiêm trọng.