Y tế - Sức khỏe
Ngành đường sắt xin tiêm gấp vaccine Covid-19 cho 280 nhân viên tuyến đầu
Anh Minh - 16/05/2021 12:34
Đây là những nhân viên tuyến đầu, có vai trò quan trọng trong chuỗi dây chuyền vận tải đường sắt cần ưu tiên tiêm trước vaccine Covid-19.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua, tạo điều kiện hỗ trợ đảm bảo công tác an ninh trật tự, tăng cường công tác phòng, chống dịch tại các nhà ga, các cơ sở sản xuất...như: phun thuốc khử khuẩn, trang bị máy đo thân nhiệt bằng hồng ngoại tại một số ga: Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 - Bộ GTVT ưu tiên tiêm vaccine trước cho khoảng 280 nhân viên trên tuyến đầu để phòng, chống dịch bệnh gồm: 210 nhân viên điều độ chạy tàu tại 3 khu vực là Hà Nội - Đà Nẵng - Sài Gòn (các đối tượng này nếu bị cách ly sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng làm gián đoạn đến công tác vận tải của Tổng công ty); 40 thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; 30 cán bộ Trung tâm Y tế Đường sắt.

Tính đến ngày 13/5/2021, toàn Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã ghi nhận 1 trường hợp được xác nhận dương tính với Covid-19 (F0, bệnh nhân được xác định đã nhiễm bệnh dịch và điều trị tại bệnh viện) là công nhân gác chắn tại chắn km26+650 Cung đường Lim (Bắc Ninh) do tiếp xúc gần với anh trai chăm sóc mẹ tại Bệnh viện Lâm sàng các bệnh Nhiệt đới Trung ương 2 về.

Ngoài trường hợp bệnh nhân đã nêu, toàn Tổng công ty cũng ghi nhận đã có 14 trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh (F1, đã được cách ly tập trung) và 95 trường hợp tiếp xúc gián tiếp với người bệnh (F2, là các đối tượng phải cách ly tại nhà 3 hoặc nơi làm việc) thuộc các đơn vị tại 7 tỉnh thành: Hà Nội, Yên Bái, Bắc Ninh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Các địa điểm liên quan đến các trường hợp F0, F1, F2… trên hiện đã được kiểm soát tốt, được khoanh vùng, xử lý môi trường, phun hóa chất tiêu độc khử trùng phòng dịch.

Do đặc thù của hoạt động vận tải đường sắt, nhiều tổ chức bộ phận nối tiếp trong các khâu sản xuất, nếu một bộ phận bị ảnh hưởng của dịch bệnh như: Điều hành giao thông đường sắt, tài xế lái tàu, khai thác chạy tàu, tiếp viên trên tàu ..vv., sẽ gây nguy cơ đình trệ toàn bộ hoạt động đường sắt.

Tuy đến thời điểm hiện tại trong địa bàn các đơn vị thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chưa có dấu hiệu bất thường liên quan đến việc bùng phát dịch bệnh, song địa bàn hoạt động của Tổng công ty trải dài khắp Bắc Trung Nam qua 34 tỉnh thành đan xen phức tạp với các hoạt động, sinh hoạt của dân cư xung quanh và thường xuyên tiếp xúc với khách hàng đến từ nhiều địa phương nên luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây lan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác tổ chức chạy tàu hoặc có nguy cơ làm dịch bệnh lây lan ra cộng đồng rất nhanh.

Được biết, do dịch Covid-19 bùng phát trở lại trên cả nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động vận tải đường sắt, thời điểm hiện tại tuy chưa đánh giá được việc ảnh hưởng chung đến SXKD của Tổng công ty nhưng sơ bộ từ đầu tháng 5/2021 đến nay, Tổng công ty đã phải thực hiện bãi bỏ 1 đôi tàu khách Thống Nhất chạy thường ngày và 21 mác tàu khách khu đoạn chạy thường ngày và chạy cách nhật theo kế hoạch.

Bên cạnh đó, riêng đối với vận tải hành khách, tính từ ngày 29/4 đến 12/5/2021 (chỉ trong hơn 10 ngày), hành khách đi tàu đã trả tổng cộng 18.341 vé, tương ứng với 5,854 tỷ đồng và dự kiến sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.

Tin liên quan
Tin khác