Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu 698 triệu USD gỗ nguyên liệu, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2017. Giá trị nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ so với cùng kỳ năm 2017 của hầu hết các thị trường nhập khẩu chính đều tăng.
Nhu cầu gỗ nguyên liệu ngày một tăng cho chế biến đồ gỗ xuất khẩu. (Ảnh minh họa: KT) |
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), mặc dù tỷ trọng xuất khẩu gỗ tăng trưởng khá tốt, nhưng cũng vì thế nên nhu cầu gỗ nguyên liệu nhập khẩu cũng ngày một tăng lên. Từ nay tới hết năm và cả giai đoạn tiếp theo, khó khăn nhất của ngành gỗ vẫn là vấn đề nguyên liệu.
“Theo tính toán, xuất khẩu sản phẩm gỗ tăng thêm 1 tỷ USD thì nhu cầu gỗ nguyên liệu tăng thêm khoảng 3,5 triệu m3. Trong khi đó, gỗ trong nước, gỗ rừng trồng chỉ khoảng 10-15% đạt yêu cầu. Mỗi năm, trong nước khai thác khoảng 18-19 triệu m3 gỗ, nhưng chỉ có 2 đến 3 triệu m3 làm đồ gỗ, còn lại là dăm, các loại ván nhân tạo…", ông Quyền cho biết.
Để giải bài toán nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến xuất khẩu, theo đề xuất của Vifores, Nhà nước nên hạn chế tối đa xuất khẩu nguyên liệu thô, điển hình là dăm mảnh để lấy gỗ đó làm việc khác. Đồng thời, phải tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước như gỗ cao su, gỗ vườn nhà, gỗ trái cây,…
“Muốn thực hiện được điều này cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào vấn đề vận chuyển, nguồn gốc gỗ…”, ông Quyền đề xuất.