Tiêu dùng
Ngành gỗ và nội thất đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa
Hoài Sương - 20/12/2024 08:20
Mỗi năm có tới 70-80 triệu m2 nhà mới được xây dựng, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nội thất tại thị trường nội địa ở mức tăng trưởng tốt nhưng vẫn còn bỏ ngỏ cho sản phẩm ngoại nhập.

Số liệu từ Tổng cục thống kê cho thấy, tháng 11/2024, Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,46 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng của tháng 11 góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 14,7 tỷ USD trong 11 tháng năm 2024, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) nhận định, bước sang năm 2025, dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump, Hoa Kỳ dự kiến áp dụng chính sách bảo hộ kinh tế mạnh mẽ, bao gồm việc tăng thuế nhập khẩu lên 15-20% đối với nhiều quốc gia và 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Với vai trò là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, những thay đổi này sẽ đặt ra nhiều thách thức lớn cho ngành gỗ.

Vì vậy, để hạn chế thách thức, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, ngành gỗ cần đẩy mạnh mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm. Trong đó tập trung sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như nội thất nhà bếp, ghế ngồi, đồ gỗ nội thất khác để đáp ứng xu hướng thị trường. Đồng thời tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế về môi trường để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu…

Doanh nghiệp ngành gỗ và nội thất đẩy mạnh quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong nước.

Song song đó, với quy mô dân số hơn 100 triệu dân, tốc độ đô thị hóa nhanh, mỗi năm có tới 70-80 triệu m2 nhà mới được xây dựng, nhu cầu về tiêu dùng các sản phẩm nội thất tại thị trường nội địa được ghi nhận có mức tăng trưởng tốt. 

Tuy nhiên, theo ông Trần Phan Thế, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Tacasa, thị trường nội địa dù đang rất tiềm năng nhưng vẫn còn bỏ ngõ cho các sản phẩm ngoại nhập. Hiện các sản phẩm nội thất cao cấp nhập khẩu từ các nước châu Âu đang chiếm lĩnh thị trường của Việt Nam. 

“Đây vừa là điều đáng tiếc vì Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu đồ gỗ lớn trên thế giới nhưng vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt mở rộng và chinh phục thị trường trong nước, giảm rủi ro vào thị trường xuất khẩu, dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng…”, ông Thế chia sẻ.

Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ thị trường nội địa, ngành gỗ đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, tổ chức hội chợ hướng đến người tiêu dùng Việt. Mới đây nhất là Hội chợ đồ gỗ xuất khẩu phục vụ thị trường nội địa - TavicoHome Viefurn 365 nhằm tạo đầu ra cho ngành sản xuất, chế biến gỗ Việt Nam trong thời điểm hiện nay.

Theo đó, hội chợ quy tụ hơn 100 doanh nghiệp tham gia với 10.000 sản phẩm gỗ, nội thất đa dạng từ truyền thống đến hiện đại. Hoạt động kéo dài từ ngày 19/12/2024 đến ngày 19/1/2025. Tại đây người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội tham quan, mua sắm những mặt hàng gỗ, nội thất chất lượng cao giá thành hợp lý kèm các chương trình ưu đãi. 

Bà Trịnh Kim Thanh, Phó giám đốc Công ty Kiến Phúc chia sẻ: “Trước những tác động từ thị trường xuất khẩu cũng như nhiều thách thức khó đoán định hơn trong năm 2025, doanh nghiệp quyết định đẩy mạnh quảng bá và tiêu thụ ở thị trường nội địa. Dịp này chúng tôi giảm từ 50-70% cho sản phẩm bàn ghế để phục vụ cho tiêu dùng trong nước. Tức là người tiêu dùng Việt sẽ được sử dụng hàng chất lượng xuất khẩu nhưng giá thành nội địa rất tốt.”

Đồng tình với ý kiến, ông Abe Masayuki, Giám đốc Công ty TNHH Kurashico thông tin, doanh nghiệp mang đến các sản phẩm outlet để thúc đẩy thị trường trong nước. Những mẫu này được Kurashico giảm giá đến 50% để kích cầu tiêu dùng vào dịp Tết Ất tỵ 2025 này. 

Có thể thấy, việc tập trung quá nhiều vào một thị trường chính đang là điểm yếu của Việt Nam. Minh chứng là khi nhu cầu tiêu thụ của thị trường Hoa Kỳ giảm, giá trị xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm theo rất nhiều. Do đó, nhiều doanh nghiệp Việt đang cân đối lại, đa dạng hoá và nâng dần tỷ trọng sang các thị trường tiềm năng khác để giảm thiểu rủi ro.

Tin liên quan
Tin khác