Việt Nam sở hữu khí hậu đa dạng (nhiệt đới, cận nhiệt đới, ôn đới) với các đồng bằng phì nhiêu đến các vùng cao nguyên, núi cao... phù hợp cho việc sản xuất nhiều loại rau, hoa, quả quanh năm. Chính vì vậy, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về sản xuất và xuất khẩu rau, hoa, quả nhiệt đới trên thị trường khu vực và quốc tế.
Từ tháng 10 đến tháng 5, nhu cầu nhập khẩu rau quả từ các quốc gia có khí hậu ôn đới và nhiệt đới tăng cao. Đây là thời điểm lý tưởng để các loại rau quả tươi của Việt Nam thâm nhập vào thị trường, đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn "trống mùa" này.
Tại hội thảo "Hiểu rõ thị trường rau quả tươi Thụy Điển" mới đây do Ủy ban Thương mại Quốc gia Thụy Điển tổ chức, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý, Vụ trưởng kiêm Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, Thụy Điển thuộc khu vực Bắc Âu - là quốc gia nhỏ nhưng có mức thu nhập cao với nền kinh tế mở và hiện đại.
“Thị trường này phụ thuộc nhiều vào nguồn cung nhập khẩu, với lượng rau quả nhập khẩu trung bình trước năm 2021 đạt 1 triệu tấn/năm. Năm 2023, con số này giảm xuống 887.000 tấn do lạm phát và nhu cầu tiêu dùng suy giảm. Tuy nhiên, thị phần nhập khẩu từ các nước đang phát triển đã tăng lên 24%, đồng thời mở ra cơ hội cho Việt Nam”, bà Thúy nói.
Thụy Điển sẵn sàng chi trả mức giá cao cho sản phẩm, tạo cơ hội lớn để rau quả Việt Nam mở rộng xuất khẩu. |
Hiện nay, thị trường Thụy Điển ghi nhận sự thống trị của các chuỗi siêu thị lớn như ICA, Coop và Axfood, chiếm gần 20% tổng doanh thu bán lẻ thực phẩm, tương đương 5,2 tỷ EUR trong năm 2023.
Ngoài kênh bán lẻ, các nhà cung cấp dịch vụ thực phẩm (nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống) và chế biến công nghiệp như Brämhults và Råsaft cũng đóng vai trò quan trọng. Helsingborg hiện là trung tâm phân phối lớn nhất cho hàng hóa nhập khẩu, giúp luân chuyển sản phẩm đến khắp thị trường Thụy Điển.
Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng bền vững đang ngày càng chiếm ưu thế. Thụy Điển là nhà nhập khẩu lớn thứ 6 của các sản phẩm hữu cơ tại châu Âu. Hiện nay, hơn 50% rau quả hữu cơ phải nhập khẩu, với chuối là sản phẩm tiêu biểu khi hơn 60% tổng lượng chuối nhập khẩu là hàng có chứng nhận hữu cơ.
Đây là một thị trường tiềm năng nhưng cũng đòi hỏi các nhà xuất khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế như GLOBALG.A.P, Fairtrade và các yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm.
Dù là một trong những quốc gia xuất khẩu rau quả hàng đầu thế giới song hiện nay, rau quả Việt Nam còn chiếm tỷ lệ chưa cao tại Thuỵ Điển. Bên cạnh những yêu cầu khắt khe, thị trường Thuỵ Điển ở xa, sẽ ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển, làm giảm sức cạnh tranh.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý tin tưởng rằng, Thụy Điển và EU vẫn là thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả Việt Nam. Với việc đáp ứng tốt các tiêu chuẩn quốc tế và xây dựng chiến lược tiếp cận phù hợp, doanh nghiệp Việt Nam có thể gia tăng thị phần, khẳng định vị thế tại thị trường này.
“Đặc biệt, Thụy Điển sẵn sàng chi trả mức giá cao cho sản phẩm, tạo cơ hội lớn để rau quả Việt Nam mở rộng xuất khẩu, nhất là ở những thị trường ngách với sản phẩm đặc thù”, bà Thúy nhấn mạnh.
Bà Thuý cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần tập trung nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm, đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm, chứng nhận bền vững, và nhãn mác rõ ràng bằng tiếng Thụy Điển. Việc phát triển sản phẩm hữu cơ cũng là yếu tố then chốt, đáp ứng xu hướng tiêu dùng bền vững và các chứng nhận quốc tế như GLOBALGAP và Fairtrade.
Đồng thời, doanh nghiệp cần nghiên cứu chu kỳ mùa vụ để xuất khẩu vào mùa thấp điểm tại Thụy Điển, tối ưu hóa cơ hội tiếp cận thị trường. Việc xây dựng quan hệ với các nhà nhập khẩu lớn như Dole/Everfresh, ICA và Ewerman thông qua các triển lãm thương mại uy tín như Fruit Logistica và Fruit Attraction cũng rất quan trọng.
Ngoài ra, phát triển sản phẩm từ nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu để cạnh tranh tại thị trường khó tính như Bắc Âu. Ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa sản xuất, giảm chi phí và tăng năng suất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường quốc tế.