Thực hiện ý tưởng thành lập chứng chỉ Carbon
Phát biểu tại buổi hội thảo "Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon" do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức ngày 6/9, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP.HCM đang đứng trước các thách thức to lớn về biến đổi khí hậu.
Chính vì vậy, Thành phố cần nắm bắt xu hướng chuyển đổi xanh và thúc đẩy chuyển đổi xanh để tạo không gian mới, năng lực cạnh tranh mới, đóng góp vào kinh tế cả nước. Bởi đây là những vấn đề nội tại nếu không chuyển đổi xanh, nếu không có chính sách cụ thể, lâu dài thì nền kinh tế TP. HCM mất đi năng lực cạnh tranh.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội thảo
Cùng với nhận thức trên, Chủ tịch Phan Văn Mãi khẳng định, TP. HCM xác định sứ mệnh là địa phương đi đầu, nhận những nhiệm vụ lớn nhất trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, góp phần để thực hiện các cam kết quốc gia trong hợp tác quốc tế.
"Thời gian qua, Thành phố đánh giá trong định hướng chung, khung pháp lý chung của cả nước về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững chưa nhiều. Do đó, TP.HCM đã nghiên cứu khung chiến lược chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Khung chiến lược này sẽ chính thức công bố vào Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2023 diễn ra trong tháng 9 này", ông Mãi cho biết thêm.
Ông Hoàng Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài chính cũng cho biết, Bộ Tài chính được giao xây dựng thị trường carbon. Để đến năm 2025 có thể thí điểm thị trường giao dịch tín chỉ carbon thì các chính sách phải hoàn thành trước tháng 7/2024.
Tất cả hàng hóa sẽ được mã hóa trước khi đưa lên thị trường, gắn kết vào sở giao dịch và lưu ký, thanh toán qua hệ thống thanh toán hiện đại.
"Tham vọng của Bộ Tài chính, bằng hạ tầng chứng khoán Việt Nam, chúng ta sẽ tiến thẳng lên thị trường hiện đại, trao đổi tự động, hiện việc này chỉ một số nước làm được. Chúng tôi cố gắng tạo môi trường công khai minh bạch rõ ràng nhất để trao đổi trên đó”, ông Sơn nói.
Riêng đối với TP.HCM, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, với Nghị quyết 98, mong rằng TP.HCM sẽ đi đầu. Tuy chưa có thị trường nhưng bước đầu có thể tạo ra hàng hóa để thí điểm các chính sách. Ông Sơn cũng khẳng định, nếu TP.HCM có lập một tổ công tác để triển khai việc này thì Bộ Tài chính và Bộ Tài Nguyên và Môi trường sẽ tích cực phối hợp.
... đến thiết lập thị trường tài chính xanh
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, với Nghị quyết 98, TP. HCM nên nhanh chóng triển khai để thiết lập thị trường tài chính xanh, tín chỉ carbon. Theo ông Hiếu, việc đầu tiên là phải có sản phẩm, ưu tiên sản phẩm đặc thù của TP.HCM chứ không dàn trải.
"TP.HCM nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra sản phẩm, khuyến khích nhu cầu cũng như cơ hội để mua bán. Ngoài thị trường tuân thủ, thì thị trường trao đổi tự nguyện cũng nên tận dụng các sở giao dịch có sẵn. Về phía cơ quan nhà nước, phải cố gắng hết sức để có được khung chính sách", ông Hiếu nêu quan điểm.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện chiến lược Chính sách Bộ Tài Nguyên và Môi trường, từ ngày 1/10/2023, châu Âu bắt đầu sử dụng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) để tránh rò rỉ carbon và yêu cầu các doanh nghiệp phải đẩy mạnh kiểm soát khí thải trong quá trình sản xuất. Đây là một thách thức vô cùng lớn đối với các doanh nghiệp.
Theo ông Thọ, đã là yêu cầu bắt buộc thì các doanh nghiệp phải tuân theo. Do đó, các doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh công tác đầu tư cho phát triển xanh. Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng đã trình Chính phủ các quy định, hướng dẫn hỗ trợ cho các doanh nghiệp và các doanh nghiệp chủ động tìm hiểu để thích ứng.
Ngoài ra, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng đã phân công trách nhiệm cho các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đảm bảo thực hiện tiến độ của kế hoạch.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) - ông Nguyễn Ngọc Hòa cũng cho hay, các doanh nghiệp cũng mong muốn sớm trong việc triển khai tài chính xanh và thị trường carbon. Nhưng theo ông Hòa, điều doanh nghiệp quan tâm nhất là doanh nghiệp bắt đầu như thế nào và ai cấp cho doanh nghiệp chứng chỉ này, giao dịch với ai, như thế nào, theo khuôn khổ pháp lý nào...?
Cũng theo ông Hòa, với các tiêu chuẩn trong quá trình chuyển đổi xanh, hiện cộng đồng doanh nghiệp rất bức xúc, vì nước tới chân rồi, nếu giờ không “xanh” thì doanh nghiệp không thể xuất hàng sang các thị trường trên thế giới.
Vì thế, HUBA và cộng đồng doanh nghiệp nhận thức của doanh nghiệp về chuyển đổi xanh đã có bước chuyển lớn và mong được hướng dẫn, sớm có định chế để doanh nghiệp sớm thực hiện.
Ông Hòa đề xuất các định chế tài chính, cơ quan chức năng nên có cơ chế, giải pháp để các định chế tài chính có thể đứng ra phát hành trái phiếu xanh cho doanh nghiệp vay lại theo quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp.
Đối với TP.HCM, quá trình thực hiện Nghị quyết 98, kỳ họp HĐND TP.HCM tháng 9 tới đây sẽ kích hoạt lại chương trình kích cầu đầu tư, dự thảo đã đưa nội dung có hỗ trợ về mặt vốn vay và lãi suất cho các dự án thực hiện quá trình chuyển đổi xanh.
Tuy nhiên, ông Hòa cũng kiến nghị cần sớm có quy định, hướng dẫn thống nhất về thực hiện năng lượng áp mái; hiện nay chỉ tự sản tự tiêu, thừa cũng không biết làm gì rất lãng phí.
Ngân hàng thế giới (WB) ước tính Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm, trong đó đầu tư vào khả năng phục hồi khoảng 254 tỷ USD và thêm 114 tỷ USD cho hành trình khử carbon theo cam kết với cộng đồng quốc tế.
Điều này đồng nghĩa Việt Nam sẽ cần những khoản đầu tư khổng lồ trong gần 30 năm tới, trong khi nguồn lực của nhà nước chỉ đáp ứng một phần nhu cầu tài chính.