Khi nền kinh tế chính thức đón nhiều tin vui của năm 2020, với tốc độ tăng trưởng dương, với hàng loạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt, thêm một lần nữa, ngành Kế hoạch và Đầu tư có thể tự hào về những đóng góp của mình vào thành tựu chung.
Ngành Kế hoạch và Đầu tư đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc kiến thiết đất nước. |
Niềm vui và niềm tự hào đó càng lớn hơn gấp bội khi trong những ngày cuối năm này, toàn ngành kỷ niệm 75 năm ngày thành lập (31/12/1945 - 31/12/2020).
75 năm qua, có thể nói, đúng như vai trò ban đầu được đặt ra với Ủy ban Nghiên cứu Kế hoạch kiến thiết, là “nghiên cứu một kế hoạch thiết thực để kiến thiết quốc gia về các ngành kinh tế - tài chính - xã hội - văn hóa”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng, toàn ngành Kế hoạch và Đầu tư nói chung đã thực hiện tốt vai trò “kiến thiết” của mình.
Kiến thiết tốt là khi trong thời điểm đất nước còn nghèo đói, các chương trình “Diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”, rồi huy động sức người, sức của cho cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”…đã được xây dựng.
Kiến thiết tốt là khi đất nước còn chia hai miền Nam - Bắc, vừa phải lo quân lương, khí tài cho miền Nam đánh giặc, vừa lo xây dựng, phát triển kinh tế cho miền Bắc XHCN, nhưng bằng mọi cách, vừa làm vừa học hỏi, vẫn xây dựng thành công Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đầu tiên (1961-1965) ở miền Bắc. Để rồi khi nước nhà thống nhất, lại bắt đầu với các kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội cả nước sau chiến tranh. Sau đó, là rất nhiều chiến lược 10 năm, kế hoạch 5 năm khác, để góp phần quan trọng đưa nền kinh tế đất nước phát triển như ngày hôm nay.
Và tất nhiên, kiến thiết tốt là khi toàn ngành nỗ lực xây dựng các chiến lược, kế hoạch, để từ đó góp phần quan trọng đưa đất nước thực hiện thành công công cuộc Đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, bắt đầu vào năm 1986. Xây dựng cả thể chế, chính sách. Xây dựng các đột phá chiến lược. Xây dựng các quyết sách quan trọng nhằm đưa đất nước Việt Nam thoát khỏi đói nghèo, hội nhập sâu rộng với toàn cầu, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.
Sau 35 năm Đổi mới, nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, là đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày hôm nay. Cơ đồ đó hình thành từ những đóng góp của nhiều ngành, nhiều cấp, của toàn hệ thống chính trị, trong đó có đóng góp không nhỏ của ngành Kế hoạch và Đầu tư, với tư cách là cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược cho Đảng, Nhà nước, với tư cách là cơ quan chịu trách nhiệm nghiên cứu các kế hoạch kiến thiết đất nước - như trong Sắc lệnh mà 75 năm trước Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký.
Vai trò và những đóng góp quan trọng của ngành Kế hoạch và Đầu tư càng được khẳng định mạnh mẽ hơn trong những năm gần đây, khi nền kinh tế phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, vào năm cuối cùng của nhiệm kỳ 5 năm 2016-2020, không chỉ kinh tế Việt Nam, mà kinh tế toàn cầu còn đối mặt với thách thức chưa từng có: đại dịch Covid-19.
Nhưng bằng bản lĩnh, trí tuệ của mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu xây dựng Kế hoạch 5 năm 2016-2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, rồi các kịch bản tăng trưởng kinh tế, phục vụ công tác điều hành của Chính phủ, kiên định mục tiêu tăng trưởng đã đề ra… Nhờ vậy, 5 năm qua, nền kinh tế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
75 năm bản lĩnh và trí tuệ, đổi mới và sáng tạo, ngành Kế hoạch và Đầu tư đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc kiến thiết đất nước. Nhưng hai chữ “kiến thiết” sẽ còn “theo” toàn ngành trong cả chặng đường sau này. Trách nhiệm sẽ lớn hơn, khi mục tiêu mà Đảng, Nhà nước đặt ra trong giai đoạn tới cũng lớn hơn. Đó là đưa Việt Nam trở thành đất nước cường thịnh vào các thời điểm lịch sử trọng đại của đất nước: 2030 - 2045.
Trong mục tiêu chung đó, trách nhiệm lớn lao lại một lần nữa được đặt lên vai ngành Kế hoạch và Đầu tư. Nhưng bằng trí tuệ, bản lĩnh, bằng tinh thần tiên phong đổi mới và tất cả vì sự phát triển của đất nước đã được hun đúc trong 75 năm qua, ngành Kế hoạch và Đầu tư sẽ vững vàng bước tiếp chặng đường vẻ vang của mình!