Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành đã đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động ảnh: hồng hạnh |
Du lịch thế giới đứng bên “bờ vực”
Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), năm 2021, Covid-19 sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 2.400 tỷ USD do sự sụp đổ của ngành du lịch quốc tế. Các nước có mức giảm GDP mạnh nhất do sụt giảm ngành du lịch vì Covid-19 là Thổ Nhĩ Kỳ (-9,1%), Ecuador (-9%), Nam Phi (-8,1%), Ireland (-5,9%)…
Trước đó, vào tháng 7/2020, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cũng đã dự báo, thời gian du lịch quốc tế đình trệ sẽ kéo dài 4 - 12 tháng, khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 1.200 - 3.300 tỷ USD.
Trên thực tế, con số thiệt hại còn khủng khiếp hơn rất nhiều, bởi thời gian đình trệ mới tính toán trong 15 tháng và dịch bệnh chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. Năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế giảm khoảng 1 tỷ lượt, tương đương giảm 73% so với năm 2019. Riêng quý I/2021, mức giảm này là 88%.
Các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Đại Dương, Bắc Phi và Nam Á; những khu vực chịu ít ảnh hưởng hơn là Bắc Mỹ, Tây Âu và Ca-ri-bê.
Việc thiếu vắc-xin phòng Covid-19, phân bổ vắc-xin “bất đối xứng” đã khiến ngành kinh tế xanh ở nhiều quốc gia đang phát triển tổn thương sâu sắc, dự báo có thể chiếm tới 60% GDP toàn cầu.
Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili nhấn mạnh: “Du lịch sẽ cứu hàng triệu người. Việc thúc đẩy tiêm chủng vắc-xin để bảo vệ cộng đồng và hỗ trợ khởi động lại an toàn du lịch là rất quan trọng cho phục hồi việc làm và tạo ra các nguồn lực cần thiết, đặc biệt ở các nước đang phát triển, nơi mà phần đông trong số đó phụ thuộc nhiều vào du lịch quốc tế”.
Du lịch Việt chạm đáy của đáy
Đợt bùng phát Covid-19 lần thứ ba vào mùa cao điểm Tết Nguyên đán 2021 tưởng như đã đẩy du lịch Việt Nam xuống đáy; nhưng đợt “sóng thần” lần thứ tư vào đúng mùa du lịch hè 2021 mới thực sự là “cơn ác mộng”, khiến ngành kinh tế xanh chạm đáy của đáy, dập tắt mọi hy vọng của những người làm du lịch còn nỗ lực bám trụ.
Doanh nhân Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Vietfoot Travel chia sẻ, Covid-19 là “cú sốc” cực lớn đối với ngành du lịch. Sau 4 làn sóng dịch bùng phát ở nước ta, đến giờ, chỉ còn khoảng 5% doanh nghiệp du lịch hoạt động. “Vietfoot Travel nằm trong số các doanh nghiệp đang gắng gượng. Bên cạnh nguồn thu từ việc triển khai dịch vụ đón khách Việt kiều hồi hương, khách chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam, thu nhập chính của chúng tôi thời điểm này lại là từ việc cho thuê văn phòng”, ông Nghĩa cho hay.
Số liệu thống kê từ công cụ Destination Insights của Google cho thấy, từ cuối tháng 4/2021, khi Covid-19 bùng phát trở lại, lượng tìm kiếm thông tin của khách du lịch nội địa giảm nhanh, mạnh và duy trì ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Còn theo Tổng cục Du lịch, trong tháng 4/2021, lượng khách du lịch nội địa đạt 9 triệu lượt, đến tháng 7/2021 chỉ còn 0,5 triệu lượt.
Điều này cho thấy, hoạt động du lịch đang đóng băng, “cơn cuồng phong” Covid-19 lần thứ tư đã thẳng tay hủy diệt dòng chảy du lịch nội địa có dấu hiệu khởi sắc trong tháng 3 và tháng 4/2021.
Tỷ lệ hủy phòng lên tới trên 90% tại các trung tâm du lịch lớn trên cả nước. Các cơ sở lưu trú du lịch cửa đóng then cài hàng loạt, chỉ còn ít điểm phục vụ công tác cách ly, phòng chống dịch sáng đèn, hay một số hoạt động cầm chừng ở những nơi dịch bệnh ít ảnh hưởng hơn. Nếu như thời điểm tháng 4, cả nước có 4,6 triệu lượt khách lưu trú, thì đến tháng 7 chỉ còn 0,3 triệu lượt.
Xu hướng đứt gãy hoạt động và sụt giảm nhu cầu tìm kiếm thông tin về hàng không từ tháng 5/2021 đến tháng 8/2021 cũng chạm đáy, giảm tới 85% so với cùng kỳ năm 2020…
Ngành du lịch Việt Nam đang phải trải qua giai đoạn khó khăn nhất lịch sử. Đặc biệt, những biến chủng mới ngày càng nguy hiểm hơn khiến mọi kế hoạch đều có thể “phá sản” bất cứ lúc nào. Nhiều người boăn khoăn, liệu du lịch có thể thực sự hồi sinh bền vững.
Trước những thực tế của dịch bệnh và cuộc sống hiện nay, doanh nhân Phạm Duy Nghĩa cho rằng, không còn cách nào khác là phải tính chuyện chung sống an toàn với dịch bệnh, đẩy nhanh quá trình miễn dịch cộng đồng và tiêm vắc-xin, sử dụng “hộ chiếu vắc-xin”.
Cũng theo Giám đốc Vietfoot Travel, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và có đóng góp lớn cho nền kinh tế của các địa phương cũng như đất nước. Các doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh và các tập đoàn kinh tế du lịch lớn đang đóng vai trò quan trọng, tiên phong, dẫn dắt, thậm chí định hướng phát triển của cả một vùng miền. Do vậy, việc tạo môi trường và hành lang pháp lý thật tốt, an toàn để các tập đoàn du lịch đầu tư luôn là đòi hỏi cấp thiết.
Tuy nhiên, ông Nghĩa nhấn mạnh, dù có nhà đầu tư “đại bàng”, vẫn phải quan tâm đến “chim sẻ”, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để có thể cùng nhau phát triển hài hòa và bền vững, tránh những xung đột quá lớn về lợi ích giữa các bên. Có như vậy, mới tạo ra được môi trường phát triển du lịch lành mạnh, bền vững; góp phần thúc đẩy, tạo động lực cho các ngành kinh tế khác trong vùng, miền, địa phương cùng phát triển.