Người tiêu dùng có thêm nhiều lợi ích khi cam kết ATIGA được triển khai |
Người tiêu dùng hưởng lợi “siêu khủng”
Theo cam kết ATIGA, Việt Nam đã thực hiện xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN từ ngày 1/1/2020. Trải qua gần một năm kể từ ngày cam kết ATIGA chính thức có hiệu lực, người tiêu dùng trong nước đã và đang nhận được nhiều lợi ích vô cùng lớn.
Cụ thể, ATIGA mang đến lợi ích về giá cho người tiêu dùng. Trước khi hiệp định ATIGA được triển khai, giá đường Việt Nam thường cao hơn so với giá đường thế giới từ 1.000 - 4.000 VNĐ/kg tùy từng thời điểm. Ví dụ với một doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo quy mô trung bình tiêu thụ mỗi năm khoảng 7.000 - 10.000 tấn đường, chi phí đầu vào nếu chỉ sử dụng đường nội sẽ lớn hơn đáng kể. Để giúp giải tỏa sốt giá, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng đường trong nước vào thời điểm đó, Chính phủ đã cho phép mở thêm "quota" nhập khẩu. Tuy nhiên, vì không phải doanh nghiệp nào cũng được cấp quota và có thể hoàn toàn chủ động đầu vào, giải pháp cấp “quota” dường như chỉ là lời giải ngắn hạn.
Trái lại, hiện nay, với ATIGA, thị trường mở cửa cũng là lúc cạnh tranh về giá xuất hiện, kéo theo giá đường vốn được cho là nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu của nhiều dòng sản phẩm chế biến thực phẩm, nước uống cũng giảm đi tương ứng. Vì vậy, những sản phẩm này khi đến tay người tiêu dùng sẽ có giá thành “mềm” và cạnh tranh hơn.
Tín hiệu khởi sắc từ doanh nghiệp nội địa
Hội nhập mang đến lợi ích cho người tiêu dùng, và là “thời cơ” để các doanh nghiệp nội địa cải tổ, nâng cao năng lực cạnh tranh. Sự đổi mới này thậm chí đã diễn ra từ 2 năm trước, khi Việt Nam hoãn triển khai cam kết ATIGA.
Một số doanh nghiệp chủ động đầu tư đồng bộ để phát triển vùng nguyên liệu mía, đổi mới công nghệ nâng cao hiệu quả chế biến, tối ưu chi phí logistic, tối ưu chuỗi giá trị sản phẩm… Nhờ đó, doanh nghiệp có thể tự tin cạnh tranh bằng những sản phẩm đường tươi, đường lỏng công nghiệp, đường lỏng tiêu dùng chất lượng cao và giá thành cạnh tranh. Đồng thời giúp doanh nghiệp sử dụng đường trong nước có thêm có hội kinh doanh.
Nổi bật trên đường đua hội nhập có thể kể đến Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi (QNS). Công ty đã sản xuất mía theo mô hình cánh đồng lớn, đầu tư máy móc, cung cấp dịch vụ làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch… bằng máy với chi phí hợp lý cho nông dân; đồng thời hỗ trợ vốn, cung cấp giống, vật tư, phân bón… cho bà con. Nhờ vậy, năng suất mía đã tăng từ 50 - 60 tấn/ha lên 70 - 80 tấn/ha, chi phí sản xuất giảm, thu nhập từ trồng mía của bà con được cải thiện.
Giờ đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đủ “sức” làm chủ thị trường trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu, từ khối ASEAN đến các thị trường khó tính như MỸ, EU…
Nếu tận dụng tốt, hội nhập chính là cơ hội vô cùng lớn với doanh nghiệp mía đường Việt Nam |
Cụ thể, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được phê chuẩn ngày 12/2/2020 đã mở thêm cửa xuất khẩu cho doanh nghiệp mía đường Việt Nam. Theo đó, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 10.000 tấn đường trắng. 10.000 tấn sản phẩm chứa đường trên 80% được xóa bỏ thuế quan và không áp dụng hạn ngạch thuế quan.
Tận dụng cơ hội, nhiều doanh nghiệp cho thấy kết quả kinh doanh khả quan, thể hiện rõ qua báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Nổi bật là Công ty cổ phần Mía Đường Sơn La, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm tài chính từ 01/07/2019 đến 30/06/2020 cho thấy doanh thu của công ty đã tăng từ 879 tỷ (năm trước) lên 1.053 tỷ (năm nay). Đây cũng là giai đoạn khởi sắc của Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar), báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu của năm nay là 12.892 tỷ, tăng 2007 tỷ so với năm trước.
Như vậy có thể thấy hậu ATIGA, người tiêu dùng Việt được hưởng nhiều lợi ích. Về phía doanh nghiệp, tuân thủ các quy định thuộc cam kết ATIGA hiện là xu hướng phát triển chung của toàn ngành. Nếu tận dụng tốt các cơ hội để vượt qua thử thách và không ngừng đổi mới, tin chắc các doanh nghiệp nội sẽ tiếp tục cạnh tranh sòng phẳng, chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra sân chơi quốc tế.