Ngân hàng - Bảo hiểm
Ngành ngân hàng và “nghệ thuật” M&A
Hồng Dung - 30/08/2019 10:28
Cách đây 20 năm, M&A đã là công cụ quan trọng của ngành ngân hàng khi tái cấu trúc các ngân hàng cổ phần sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998.Công cụ này sau đó đã được vận dụng linh hoạt, nhuần nhuyễn hơn, phát huy giá trị trong giai đoạn tái cấu ngân hàng vừa qua (2012-2015), và được cơ quan quản lý khẳng định sẽ còn được sử dụng trong nhiệm vụ hiện đại hóa ngành ngân hàng trong tương lai.
Ngành ngân hàng trong hơn 20 năm qua đã chứng minh rằng, M&A là một công cụ hiệu quả, điều này không chỉ có giá trị với ngành ngân hàng, mà còn với cả nền kinh tế nói chung.

Nhìn lại quá khứ

Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, hệ thống ngân hàng cổ phần với đa số là các ngân hàng chưa tới 10 năm hoạt động đã phải thực hiện tái cấu trúc do những yếu kém trong hoạt động. Cơ quan quản lý đã đóng cửa, rút giấy phép 1 ngân hàng, sáp nhập 7 ngân hàng, cho ngân hàng khác mua lại 1 ngân hàng, hợp nhất 1 ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn với 1 công ty tài chính cổ phần, chuyển 4 ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn thành ngân hàng thương mại cổ phần đô thị.

Với một loạt giải pháp quyết liệt, hệ thống ngân hàng giai đoạn này nhanh chóng được củng cố và đi vào hoạt động ổn định. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 13% giai đoạn 1996-1998 xuống 5% năm 2003.

Sau 10 năm, các giải pháp M&A với ngành ngân hàng một lần nữa được tái khởi động trong nhiệm vụ tái cấu trúc hệ thống giai đoạn 2011-2015, nhưng với một cách thức linh hoạt và đa dạng hơn giai đoạn trước rất nhiều. Không chỉ là sáp nhập, hợp nhất nữa, mà thị trường đã chứng kiến những giải pháp quyết liệt hơn như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại bắt buộc 3 ngân hàng, thậm chí giải pháp cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua lại 100% vốn của ngân hàng yếu kém cũng được tính tới.

Đã có 9 ngân hàng thương mại quy mô nhỏ được đưa vào chương trình phải thực hiện tái cơ cấu bắt buộc thông qua các biện pháp khác nhau như hợp nhất (SCB, Ficombank, TinNghiaBank), sáp nhập (Habubank vào SHB) và tự tái cơ cấu (TienPhongBank, TrustBank, Navibank, Western Bank và GPBank).

Ngoài danh sách trên, NHNN đồng thời xem xét áp dụng biện pháp can thiệp, thông qua mua cổ phần và sáp nhập bắt buộc một số ngân hàng thương mại “dưới chuẩn” (CBBank, OceanBank, GPBank). Tiếp đó là mở rộng danh sách M&A mà có cả sự tham gia của khối ngân hàng thương mại nhà nước lớn như Sacombank nhận sáp nhập Southern Bank, BIDV nhận sáp nhập MHB, Maritime Bank nhận sáp nhập Mekongbank…

Chia sẻ với Đặc san Toàn cảnh thị trường M&A Việt Nam, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng 2011-2015 đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong nhiệm vụ tái cấu trúc hệ thống các ngân hàng thương mại. Về góc độ tài chính, bình quân toàn ngành, lợi nhuận ròng/tổng tài sản đã tăng từ 0,5% của năm 2016 lên xấp xỉ 1% trong năm 2018 và lợi nhuận ròng trên vốn tự có tăng từ 6% năm 2016 lên gần 14% cuối năm 2018.

“Đây là lần đầu tiên sau 10 năm, khả năng sinh lời của hệ thống ngân hàng Việt Nam đạt được mức độ bình quân của các ngân hàng trong khu vực Đông Nam Á”, TS. Nghĩa nhấn mạnh.

Bình luận về các giải pháp sáp nhập và hợp nhất giai đoạn này, ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc NHNN cho biết, đây là giải pháp được NHNN khuyến khích nhằm giảm bớt số lượng và hình thành những tổ chức tín dụng có quy mô lớn hơn, năng lực cạnh tranh tốt hơn.

“Giải pháp mua lại bắt buộc được áp dụng trong trường hợp các tổ chức tín dụng yếu kém không đủ khả năng tự cơ cấu lại. Giải pháp này nhằm đảm bảo kiểm soát được rủi ro có thể ảnh hưởng đến an toàn hệ thống; giữ kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động ngân hàng; nâng cao trách nhiệm của các cổ đông trong lựa chọn người quản trị, điều hành và giám sát hoạt động của tổ chức tín dụng”, ông Nguyễn Kim Anh nói và cho biết, các giải pháp trên chính là một trong những điểm nhấn để đạt được mục tiêu góp phần xây dựng được hệ thống ngân hàng an toàn, lành mạnh.

Tính đến ngày 31/12/2015, số lượng các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã giảm 20 tổ chức so với năm 2011 thông qua các hình thức sáp nhập, hợp nhất, mua lại, chấm dứt hoạt động; nguy cơ gây mất an toàn hệ thống được kiểm soát, tình hình thanh khoản hệ thống được đảm bảo; kỷ cương, kỷ luật của thị trường được tăng cường; các tổ chức tín dụng đáp ứng hầu hết các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của NHNN; huy động vốn từ dân cư tiếp tục tăng khá; chất lượng tài sản dần được lành mạnh hóa; nợ xấu đã được tích cực xử lý và thu hồi; hệ thống quản trị, điều hành và tổ chức bộ máy cũng được củng cố, chấn chỉnh…

M&A không chỉ là công cụ

Thực tiễn ngành ngân hàng toàn cầu cho thấy, M&A không chỉ dành cho tái cấu trúc khi hệ thống yếu kém, mà còn là công cụ hữu hiệu để mỗi nền kinh tế có được những định chế tài chính hùng mạnh. Với Việt Nam, M&A tiếp tục được nhắc tới trong Quyết định số 986/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong yêu cầu phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, Chiến lược nêu rõ: “Khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng lành mạnh hoặc các nhà đầu tư tiềm năng nước ngoài tham gia tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng yếu kém; thúc đẩy việc mua bán, sáp nhập trên cơ sở tự nguyện của các tổ chức tín dụng để hình thành các định chế có quy mô lớn và quản trị tốt hơn”.

Điều này có thể thấy, việc M&A không chỉ giới hạn ở các nguồn lực trong nước, mà mở rộng cửa hơn cho cả các tổ chức nước ngoài tham gia, không chỉ dừng ở mức mua cổ phần chiến lược hoặc đầu tư tài chính như trước, mà cả việc lành mạnh hóa các ngân hàng yếu kém, nâng cao năng lực tài chính và kinh nghiệm quản trị.

Ngành ngân hàng thúc đẩy việc mua bán, sáp nhập trên cơ sở tự nguyện của các tổ chức tín dụng để hình thành các định chế có quy mô lớn và quản trị tốt hơn.

Trên thực tế 2 năm gần đây, sau một thời gian dài trầm lắng, thị trường đã chứng kiến những kỷ lục mới được lập trong thu hút vốn ngoại của các ngân hàng. Vào đầu năm 2018, Techcombank thực hiện các đợt bán vốn cho các quỹ ngoại thu về 1,3 tỷ USD, một kỷ lục về bán vốn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài lĩnh vực tài chính, và mới đây nhất là thương vụ BIDV phát hành riêng lẻ cho đối tác KEB Hana Bank hơn 603,3 triệu cổ phần, thu về hơn 882 triệu USD (tương đương 20.295 tỷ đồng), lập kỷ lục về một thương vụ bán vốn chiến lược ngành ngân hàng.

Cũng theo Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh, chiến lược ngành ngân hàng đặt mục tiêu rộng, chứ không chỉ nâng cao năng lực với các tổ chức tín dụng, và bản thân các chỉ tiêu đặt ra với các tổ chức tín dụng cũng nhiều chứ không chỉ là vốn. 

Cụ thể là, đến năm 2025, cần phát triển một hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động minh bạch, cạnh tranh, an toàn, hiệu quả, bền vững, dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiên, phù hợp với chuẩn mực theo thông lệ quốc tế, thích ứng với quá trình tự do hóa và toàn cầu hóa... Đánh giá bằng các mục tiêu cụ thể được dựa trên các tiêu chí như: tổng tài sản so với ngân hàng các nước trong khu vực; áp dụng Basel II, niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán…

“Để đạt được các mục tiêu nêu trên, hệ thống các tổ chức tín dụng cần tiếp tục cơ cấu lại mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng lành mạnh hoặc các nhà đầu tư tiềm năng nước ngoài tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, cũng như thúc đẩy mua bán, sáp nhập trên cơ sở tự nguyện”, ông Nguyễn Kim Anh cho biết.

Còn theo TS. Nguyễn Chí Hiếu, chuyên gia kinh tế, để đạt tầm nhìn là Việt Nam có được những ngân hàng nằm trong tốp đầu khu vực và ngang tầm thế giới, thì M&A là cách đi ngắn nhất và hiệu quả nhất. Bởi nếu để các ngân hàng tự tích lũy về quy mô như chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành thêm vốn cho cổ đông hiện hữu, thì tốc độ sẽ không thể nhanh và khá khó khăn, thực tế đã chứng minh điều này.

“Việc sáp nhập, hợp nhất không chỉ giữa ngân hàng mạnh và yếu, mà cần xem xét tới cả giải pháp sáp nhập giữa ngân hàng mạnh và mạnh sẽ tạo ra được những định chế quy mô lớn, tận dụng được các thế mạnh của nhau và đặc biệt không phải xử lý các vấn đề tồn đọng, đặc biệt là nợ xấu”, TS. Hiếu nhận định.

Ngành ngân hàng trong hơn 20 năm qua đã chứng minh rằng, M&A là một công cụ hiệu quả, điều này không chỉ có giá trị với ngành ngân hàng, mà còn với cả nền kinh tế nói chung. M&A cũng được ngành ngân hàng sử dụng nhuần nhuyễn và linh hoạt hơn trong việc thực hiện nhiều mục tiêu khác nhau và với những cách tiếp cận mới trong chiến lược phát triển của ngành, M&A rất có thể không chỉ còn là công cụ, mà thành một “nghệ thuật” trong quản lý điều hành.

Tin liên quan
Tin khác