Sản xuất và tiêu thụ thép đang đối mặt với nhiều khó khăn khi sản lượng sụt giảm đáng kể trong những tháng gần đây và báo hiệu nhiều gập ghềnh trong những tháng đầu năm 2023.
Theo báo cáo mới nhất vừa được Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) công bố, trong tháng 10/2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,046 triệu tấn, giảm 16,38% so với tháng 9/2022 và giảm 28,7% so với cùng kỳ 2021; tiêu thụ thép các loại đạt 1,888 triệu tấn, giảm 5,53% so với tháng trước và giảm 29,4% so với cùng kỳ.
Tình hình bán hàng thép thành phẩm năm 2022, theo VSA. |
Tính chung 10 tháng năm 2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 25,31 triệu tấn, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2021; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 23,159 triệu tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021.
Về xuất khẩu, số liệu cập nhật đến tháng 9/2022 cho thấy, xuất khẩu thép thành phẩm của Việt Nam đạt 533.000 tấn, tăng 3,8% so với tháng trước nhưng giảm 60,63% so với cùng kỳ năm 2021. Trị giá xuất khẩu đạt 429 triệu USD, giảm 6,17% so với tháng 8/2022 và giảm 69,32% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 9 tháng năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 6,46 triệu tấn thép giảm 34,38% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD giảm 22,65% so với cùng kỳ năm 2021.
Sau năm 2021 tăng trưởng mạnh mẽ, những tháng gần đây ngành thép đã suy giảm rõ rệt về sản lượng sản xuất lẫn tiêu thụ, cả ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
Sản lượng và giá thép xuất khẩu của Việt Nam năm 2022. |
Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là: khu vực ASEAN (41,47%), Khu vực EU (16,57%), Hoa Kỳ (8%), Hàn Quốc (6,03%) và Hồng Kông (Trung Quốc) (5,65%).
Ở chiều ngược lại, 9 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 8,93 triệu tấn, trị giá hơn 9,56 tỷ USD, giảm 8,3% về lượng nhưng tăng 9,9% về giá trị so với cùng kỳ 2021. Các quốc gia cung cấp thép chính cho Việt Nam bao gồm: Trung Quốc (44,68%), Nhật Bản (15,46%), Hàn Quốc (11,44%), Đài Loan (9,64%) và Ấn Độ (7,93%).
Thị trường thép quý III/2022 đối mặt với nhiều khó khăn, tiêu thụ giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp gặp khó trong bán hàng. Dự báo, thị trường thép trong nước quý IV/2022 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do hoạt động xuất khẩu kém khả quan, cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất; các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong ngành thép.
Theo báo cáo mới công bố, SSI Research đã điều chỉnh dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 của "ông lớn" Hoà Phát (mã HPG) xuống 10.200 tỷ đồng, giảm 70% so với năm 2021.
"Nhu cầu chậm lại là một trong những yếu tố gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh của Hoà Phát. Báo cáo cập nhập mới đây cho thấy sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của HPG trong tháng 10 giảm đáng kể xuống 210.000 tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021", theo SSI Research.
Như vậy, theo ước tính của bộ phận phân tích, Hoà Phát sẽ ghi nhận khoản lỗ ròng 270 tỷ đồng trong quý IV/2022.
Trong tháng 10/2022, sản lượng thép thô của Hòa Phát đạt 567.000 tấn, giảm 19% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 492.000 tấn, giảm 42% so với tháng 10/2021. Trong đó, thép xây dựng đạt gần 210.000 tấn, bằng 45% so với cùng kỳ. Thép cuộn cán nóng (HRC) ghi nhận 267.000 tấn, tăng 30%.
Tập đoàn này cho biết, từ quý III đến nay, sản lượng sản xuất và bán hàng giảm do nhu cầu thị trường trong và ngoài nước đều yếu. Trong tháng 10, sản lượng bán hàng thép xây dựng giảm mạnh trong đó thị trường xuất khẩu sụt giảm tới hơn 73%.
Còn VSA nhận định, dù kinh tế - xã hội Việt Nam trong 10 tháng năm 2022 khá ổn định, các cân đối vĩ mô đưa ra triển vọng, lạm phát trong tầm kiểm soát, tuy nhiên, tình hình thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành, đặc biệt ngành thép trong nước đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức có khả năng kéo dài đến quý II/2023.