Tôn Hoa Sen gia tăng tích trữ tồn kho trong 9 tháng đầu niên độ 2023-2024 (Ảnh: Lê Toàn) |
Trích lập dự phòng giảm đáng kể
Tiếp tục đà hồi phục từ năm 2023, trong nửa đầu năm 2024, nhóm doanh nghiệp tôn mạ đang cho thấy kết quả kinh doanh khả quan.
Theo đó, trong 8 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng tôn tiêu thụ nội địa đạt hơn 1,527 triệu tấn, tăng 18,9% so với cùng kỳ; tổng sản lượng xuất khẩu đạt 2,152 triệu tấn, tăng 48% so với cùng kỳ.
Bên cạnh dữ liệu sản lượng tiêu thụ của ngành cải thiện, bức tranh lợi nhuận của nhóm tôn mạ niêm yết cũng tăng đáng kể. Trong nửa đầu năm 2024, nhóm 3 doanh nghiệp tôn mạ tư nhân niêm yết lớn nhất trên sàn gồm Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã NKG), Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) và Công ty cổ phần Tôn Đông Á (mã GDA) ghi nhận doanh thu tăng trưởng bình quân 16,8% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế tăng trưởng bình quân 228,7% so với nửa đầu năm 2023.
Trái chiều với kết quả kinh doanh khởi sắc của nhóm doanh nghiệp tôn mạ, giá thép tấm cuộn cán nóng (HRC) - nguyên liệu đầu vào quan trọng của tôn mạ, lại tiếp tục suy giảm. Điều này dẫn tới lo ngại khi giá HRC duy trì ở mức thấp trong thời gian dài, có thể dẫn tới việc trích lập giảm giá tồn kho của nhóm tôn mạ.
Thống kê từ ngày 29/1/2024 đến ngày 15/8/2024, giá thép thế giới giảm 29,5%, từ 3.952 về 2.788 CNY/tấn; giá HRC từ ngày 3/1/2024 đến ngày 23/7/2024 giảm 42,3%, từ 1.135 về 655 USD/tấn.
Tuy nhiên, từ ngày 15/8 đến ngày 1/10, giá thép thế giới tăng 22,6%, lên 3.417 CNY/tấn; từ ngày 23/7 đến ngày 4/10, giá HRC tăng 10,5%, lên 724 USD/tấn.
Dữ liệu thống kê của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho thấy, giá HRC của Việt Nam và thị trường Trung Quốc có nét tương đồng, chênh lệch không đáng kể. Thêm nữa, các doanh nghiệp tôn mạ có xu hướng tích trữ tồn kho 3-6 tháng để phục vụ nguyên liệu đầu vào trong sản xuất.
Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ chia sẻ: “Hoa Sen vừa là nhà nhập khẩu, sản xuất, vừa phân phối và xuất khẩu, vì vậy, Công ty duy trì tồn kho đảm bảo khoảng 4 tháng sản xuất”.
Ngoài ra, tại thời điểm 30/6/2024, tồn kho của Hoa Sen tăng thêm 2.529,15 tỷ đồng so với đầu năm, lên 10.157,76 tỷ đồng, chiếm 51,5% tổng tài sản; tồn kho của Thép Nam Kim tăng thêm 24,4 tỷ đồng, lên 5.743,1 tỷ đồng, chiếm 44,5% tổng tài sản; tồn kho của Tôn Đông Á tăng thêm 915,25 tỷ đồng, lên 4.042,2 tỷ đồng, chiếm 31,9% tổng tài sản.
Thực tế, sau khi chứng kiến đà lao dốc của giá thép và HRC trong quý II/2024, xu hướng tích trữ tồn kho của nhóm tôn mạ giảm khá mạnh, nhưng vẫn còn tăng cao so với thời điểm cuối năm 2023.
Chia sẻ thêm về chiến lược tích trữ tồn kho của doanh nghiệp thép tại thời điểm hiện tại, ông Trần Nhật Trung, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết: “Giá thép Việt Nam duy trì ở mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Các vấn đề của ngành bất động sản trong nước cũng đang được gỡ rối khi nhiều luật liên quan đến ngành được đẩy nhanh và có hiệu lực sớm hơn dự kiến. Triển vọng ngành bất động sản phục hồi cùng với giá thép đang ở mức thấp nhất 3 năm là động lực chính cho các doanh nghiệp thép tích lũy tồn kho. Tỷ lệ hàng tồn kho trên tổng tài sản của các doanh nghiệp ngành thép đang dần trở lại mức cao trong giai đoạn 2021-2022, khi giá thép cũng như giá cả hàng hóa tăng mạnh. Tuy vậy, sẽ khó có đột phá nào cho các doanh nghiệp ngành thép dịp cuối năm 2024. Chúng tôi cho rằng, phải đến năm 2025-2026, thị trường bất động sản mới có thể thực sự phục hồi, thúc đẩy ngành thép tăng trưởng”.
Chính vì phải tích trữ tồn kho để phục vụ sản xuất trong bối cảnh hơn 7 tháng đầu năm giá thép và giá HRC đồng loạt giảm, một số dự báo áp lực điều chỉnh giảm giá tồn kho của các doanh nghiệp tôn mạ dự kiến gia tăng trong thời gian tới.
Cần thời gian để xem xét tác động
Nếu thị trường không đón nhận thông tin mới, chiến lược tích trữ tồn kho của nhóm tôn mạ sẽ gặp khó khăn. Song, nhờ việc Trung Quốc tung ra hàng loạt giải pháp hỗ trợ lĩnh vực bất động sản, đồng thời có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ, các giải pháp đồng bộ này kỳ vọng hồi phục kinh tế nói chung và giá thép nói riêng.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định: “Chúng tôi cho rằng, đà giảm HRC của Trung Quốc sẽ chững lại sau những chính sách hỗ trợ ngành bất động sản, từ đó có thể kỳ vọng giá HRC của Trung Quốc và Việt Nam tạo đáy. Cùng với đó, xu hướng HRC ở các thị trường Mỹ và châu Âu có dấu hiệu phục hồi, giúp biên độ chênh lệch giữa giá HRC tại Việt Nam và thế giới có thể nới rộng trong giai đoạn cuối năm 2024, cải thiện biên lợi nhuận xuất khẩu của các doanh nghiệp”.
Ở góc độ khác, CEO một doanh nghiệp tôn mạ cho rằng, việc giá HRC bật tăng trở lại từ nền giá thấp là tin vui đối với doanh nghiệp tôn mạ đã tăng tích trữ tồn kho trong nửa đầu năm 2024, nhưng do giá HRC mới hồi phục nên vẫn cần thêm thời gian để xem xét tác động.