Viễn thông - Công nghệ
Ngành video trực tuyến thất thoát hàng trăm triệu USD vì nạn vi phạm bản quyền
Tú Ân - 21/07/2022 12:33
Ước tính ngành công nghiệp video trực tuyến của Việt Nam thiệt hại 348 triệu USD trong năm 2022 vì nạn vi phạm bản quyền.

Ngày 21/7, Bộ Thông tin và Truyền thông và Liên minh Giải trí và Sáng tạo ACE (Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ - MPA) tổ chức Hội thảo “Vi phạm bản quyền trực tuyến và các biện pháp ngăn chặn tại Việt Nam”.

Báo cáo của Media Partners Asia tại Hội thảo cho thấy, ngành công nghiệp video trực tuyến của Việt Nam được dự báo là sẽ tạo ra doanh thu 249 triệu USD vào năm 2022, trong đó doanh thu từ lượng thuê bao chiếm 15% và video theo yêu cầu (AVOD) chiếm 85%. 

Tình trạng vi phạm bản quyền video trực tuyến đang ngày càng phổ biến, số lượng người dùng trái phép tăng lên 15,5 triệu năm 2022, làm thất thoát 348 triệu USD, chiếm 18% doanh thu của toàn ngành video hợp pháp. Nếu không kiểm soát được tình hình này, đến năm 2027, số người dùng vi phạm bản quyền có thể tăng tới 19,5 triệu, dẫn tới lượng doanh thu bị thất thoát ở mức 456 triệu USD. 

Các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo “Vi phạm bản quyền trực tuyến và các biện pháp ngăn chặn tại Việt Nam”.

 Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, hiện nay, trên môi trường internet có hàng nghìn trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội đang hoạt động. Trong đó, có các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, YouTube, các trang thông tin và mạng xã hội này hàng ngày truyền tải lượng thông tin báo chí, nội dung số, video clip khổng lồ tới hàng triệu người dùng Internet. 

Trong đó, có nhiều nội dung thông tin được lưu trữ, đăng tải trái phép, không thực hiện đúng quy định về trao đổi bản quyền với các chủ sở hữu bản quyền nội dung, gây thiệt hại tới quyền lợi và uy tín của các đơn vị chủ sở hữu nội dung.

Trong thời gian vừa qua, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã nhận được rất nhiều yêu cầu xử lý vi phạm bản quyền nội dung, đa số là các nội dung về giải trí như bóng đá, phim, game show, ca nhạc….

Các hình thức, phương pháp vi phạm bản quyền hết sức tinh vi và biến đổi liên tục, luôn che dấu thông tin chi tiết và thực hiện xuyên biên giới từ nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam.

Chia sẻ về thực trạng vi phạm bản quyền trên môi trường số tại Việt Nam, ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Bản quyền Nội dung số Việt Nam cho biết, hiện nay việc vi phạm bản quyền trên môi trường số diễn ra công khai trên nhiều nền tảng, nội dung bị vi phạm thuộc sở hữu của các đơn vị sản xuất nội dung số được phát sóng và đăng tải trên các nền tảng truyền thông, gây thiệt hại cho chủ sở hữu.

Các hành vi vi phạm bản quyền phổ biến như: Thực hiện livestream, phát trực tiếp trên các mạng xã hội hoặc website; copy nguyên trạng các nội dung đã phát hoặc cắt ghép, chỉnh sửa các video, sau đó đăng tải trái phép lên Internet.

Nội dung vi phạm được sử dụng trái phép tại nhiều nền tảng: các website, ứng dụng (app) OTT được nhà nước cấp phép; các website đăng ký tên miền và đặt server ở nước ngoài; các app OTT lậu được chia sẻ trên Internet hoặc được cài đặt qua các thiết bị Android TV Box; các mạng xã hội phổ biến như Facebook, YouTube, TikTok, Gapo, TalkTV, Instagram, Twitch; các nhà cung cấp nội dung trên mạng di động…

Tính đến tháng 6/2022, Trung tâm bản quyền nội dung số Việt Nam đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng, chặn truy cập của người dùng tại Việt Nam đến trên 500 website vi phạm bản quyền.

Để chống vi phạm bản quyền, ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng giám đốc Thủ Đô Multimedia chia sẻ, giải pháp công nghệ để chủ động ngăn chặn vi phạm bản quyền trực tuyến hiệu quả là sử dụng Sigma DRM để khóa mã các nội dung có bản quyền khi phân phối trên môi trường Internet kết hợp với Finger Print để loại bỏ ngay lập tức các luồng phát lậu trực tiếp.

Kiểm soát tình trạng vi phạm bản quyền sẽ giúp gia tăng giá trị nhờ vào việc tăng lượng khách hàng hợp pháp và tăng doanh thu của lĩnh vực video trực tuyến cao cấp, có thể tăng gấp đôi giá trị đầu tư cho các nội dung video trực tuyến trong nước lên mức 150 triệu USD vào năm 2027 so với con số ​​hiện tại ước tính là 75 triệu USD.
Tin liên quan
Tin khác