Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Cờ Thi đua Chính phủ cho Tổng công ty Xi măng Việt Nam |
Tối 10/1 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) tổ chức lễ kỷ niệm 120 năm ngày ra đời ngành xi măng Việt Nam và 90 năm ngày Truyền thống công nhân xi măng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và trao tặng Cờ Thi đua Chính phủ cho Vicem.
Trong suốt chặng đường qua, ngành xi măng Việt Nam ghi nhận bước phát triển vượt bậc, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước cũng như ngành xây dựng. Trong số đó, tiên phong đi đầu là Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) – thương hiệu xi măng lớn nhất Việt Nam hiện chiếm khoảng 37% thị phần trong nước. Vicem hiện là nhà sản xuất xi măng lớn nhất Đông Nam Á.
Từ nước thiếu xi măng trầm trọng trước năm 1993, đến nay Việt Nam trở thành nước đứng đầu khối ASEAN về sản lượng xi măng và đứng thứ 5 thế giới về sản xuất và tiêu thụ xi măng với tổng công suất thiết kế khoảng 100 triệu tấn/năm.
Từ các nhà máy có công nghệ lò đứng đến nay hầu hết các nhà máy sử dụng công nghệ lò quay hiện đại trên thế giới. Sản xuất từ phương pháp ướt đến nay là phương pháp khô. Xi măng cũng là ngành được đánh giá có nhiều sáng tạo, phát triển công nghệ tiên tiến, hiện đại và ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Báo cáo Thủ tướng tại lễ kỷ niệm, ông Bùi Hồng Minh, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Vicem cho biết, trải qua 120 năm phát triển, ngành xi măng Việt Nam đã có quy mô trên 100 triệu tấn, xuất khẩu trên 30 triệu tấn/năm.
Giai đoạn phát triển nóng nhất của ngành vào 2010-2015, ngành xi măng đã đẩy tốc độ đầu tư lên quá nhanh, đứng thứ 4 thế giới về quy mô công suất, ngành xi măng đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập. Cung xi măng lớn hơn cầu 30 triệu tấn, đặt ngành sản xuất này phải tái cấu trúc.
"Sự phát triển quá nhanh của ngành xi măng dẫn đến thực trạng ngành còn không ít bấp cập, trong đó do cung vượt cầu khoảng 30 triệu tấn, nên 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao nhiệm vụ cho Vicem thực hiện 2 đề án: Một là đề xuất chiến lược phát triển ngành xi măng Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050, báo cáo Bộ Xây dựng để trình Chính phủ và 2 là Đề án tái cơ cấu toàn Vicem 2019-2025 trình Bộ Xây dựng phê duyệt", ông Minh nói.
Sau hơn 1 năm tái cơ cấu toàn diện, ngành xi măng không tăng thêm quy mô về sản lượng mà chuyển mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.
Kết quả, 2019, ngành xi măng tiêu thụ trên 98 triệu tấn sản phẩm, riêng Vicem tiêu thụ 30 triệu tấn sản phẩm, doanh thu trên 36.000 tỷ đồng, lợi nhuận 3.300 tỷ đồng, tăng 16% so với 2018, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu 18%, cao hơn cả các doanh nghiệp nước ngoài và các công ty liên doanh tại Việt Nam.