Doanh nghiệp
Ngát xanh đồng cỏ châu Âu giữa lòng xứ Nghệ
Tố Vương - 17/05/2013 10:27
 Ngỡ ngàng, ngạc nhiên, rồi thán phục. Đó là những gì mà chúng tôi cảm nhận được khi đến thăm trang trại bò sữa của TH Milk ở Nghĩa Đàn (Nghệ An). Đến rồi mới cảm nhận được điều mà bà Thái Hương, Chủ tịch TH Milk vẫn thường tự hào nói với mọi người về việc bà đã làm được một điều tưởng chừng không thể: phát triển một đồng cỏ châu Âu giữa lòng xứ Nghệ, là sự thật. Thậm chí, sự tuyệt vời của trang trại này còn nằm ngoài sức tưởng tượng của mọi người.

Thu hoạch cỏ bằng máy công suất lớn ở cánh đồng TH Milk

Đưa chúng tôi đi thăm trang trại bò sữa, ông Ngô Huy Hân, Trưởng phòng Hành chính, Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH bảo, ông muốn chúng tôi “thực địa” theo đúng quy trình sản xuất mà TH Milk đang thực hiện, đó là “từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch”.

Bởi thế, điểm đến đầu tiên phải là những cánh đồng cỏ bát ngát xanh, mà TH đã dày công vun trồng gần 3 năm nay.

Đoàn chúng tôi phải di chuyển bằng ô tô, bởi những cánh đồng của TH Milk nằm hai bên đường Hồ Chí Minh, suốt dọc khu vực của huyện Nghĩa Đàn, với diện tích lên tới hơn 2.000 ha.

Không đúng mùa, nên những luống hướng dương, mới được gieo hạt cách đây chưa lâu, chỉ vừa kịp vươn khỏi mặt đất chừng 10 cm. Những luống cao lương cũng vậy. Nhưng nhìn những luống cây được gieo hàng thẳng tắp, mơn mởn xanh giữa mênh mông sắc đỏ màu mỡ của đất bazan, có thể hình dung, chỉ vài tháng nữa, cả vùng đất này, sẽ rực rỡ lắm những cánh đồng hướng dương vàng và cao lương tím, đan xen những cánh đồng cỏ xanh mướt mát. Một cảnh sắc rất tuyệt vời, được tạo nên bởi các loại… thức ăn của bò.

“Vào mùa xuân, khi cỏ hoa rực rỡ, hẳn là cao nguyên Phủ Quỳ sẽ đẹp lắm?”. Tôi hỏi như vậy. Còn Nguyễn Lê Thăng, Quản lý Trồng trọt của TH Milk lại cười, hỏi ngược lại: “Là chị nói đẹp theo nghĩa nào?”. Đẹp, trong tâm trí của của kẻ chỉ dạo chơi như tôi, hẳn nhiên chỉ là cảnh sắc đẹp, còn với Thăng, Phủ Quỳ đẹp nhất là những ngày hè nắng cháy.

“Với khách du lịch, nắng nóng thế này thật kinh khủng, nhưng với nhà nông, lại thật tuyệt vời. Tôi có thể đứng cả ngày giữa trời nắng thế này. Thật thích, vì những ngày nắng, chúng tôi có thể làm được bao nhiêu việc”, chàng kỹ sư nông nghiệp hồ hởi kể trong cái nắng chói chang, lên tới 38 - 39 độ của những ngày giữa tháng Năm.

Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I cuối năm 1999, theo vợ về làm việc ở Phú Thọ, 10 năm sau, nhận được câu hỏi của TH Milk về việc “có muốn về quê làm việc không”, Thăng chẳng ngần ngại nhận lời và đưa cả vợ con trở về Nghệ An. Về, nhưng ban đầu, Thăng cũng không thể tưởng tượng, mình được làm việc tại một dự án có quy mô lớn và công nghệ hiện đại đến vậy. “Thật sung sướng, đó là ước mơ từ lâu của tôi”, Thăng bảo thế.

Ở trang trại bò sữa này, ai cũng yêu quý Thăng, bởi sự nhiệt tâm của chàng kỹ sư nông nghiệp. Từ sáng sớm, tới tối khuya, Thăng có mặt trên cánh đồng, một mình một ô tô và một... máy ảnh. Đó là một sở thích riêng. Thăng mang máy ảnh theo để có thể ghi lại mọi khoảnh khắc của đồng cỏ TH Milk. Ngày đẹp trời thì 200 tấm, ngày mưa, 5-7 tấm, đến giờ, kho ảnh của Thăng đã có trên 100 GB. Nhưng với Thăng, điều “đáng yêu” nhất của đồng cỏ này, ấy là những cỗ máy, khi cắt cỏ, lúc cày, bừa, rồi tra hạt…

Khoát cánh tay mạnh mẽ, Thăng bảo, chiếc xe cắt cỏ kia, nhìn tưởng đơn giản, chẳng khác bao nhiêu cái máy cày của dân Việt, nhưng có giá tới 700.000 USD, cả châu Á hiện chỉ có 3-4 chiếc, và nó có thể thay thế cho sức làm việc của… 800 thanh niên lực lưỡng. Mỗi phút, chiếc máy có thể cắt cỏ, dài, ngắn tùy theo ý muốn tới… 1 tấn cỏ; còn nếu tính cả ngày, có thể tới 500 tấn.

Rồi tra hạt, bón phân, tưới cây, cuốn cỏ khô…, tất tật đều dùng máy. Những cánh tay tưới có thể dài tới cả nửa ki-lô-mét, mỗi khi bật công tắc điện, sẽ như một chiếc compa khổng lồ, xoay tròn và tưới nước cho cả cánh đồng đang xanh ngát cỏ mombasan, ngô, hay cao lương…

Để chúng tôi có thể hình dung về sức mạnh của những cỗ máy công nghệ cao ấy, Thăng bảo, nó có thể thay thế cho khoảng 10.000 người nông dân làm việc suốt đêm ngày. Nông nghiệp công nghệ cao ở đấy chứ ở đâu, khi máy móc thay thế được sức người và khi những cánh đồng không còn bị chia ô, cắt mảnh, rộng tới hàng trăm héc-ta, mỏi cánh cò bay. Theo quy hoạch đã được duyệt, TH Milk sẽ có 37.000 ha để phát triển dự án có tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD của mình. Còn hiện tại trong giai đoạn I, là 8.100 ha, với vốn đầu tư 350 triệu USD.

*

* *

Không khí rõ là chẳng có gì hấp dẫn ở một trang trại bò. Nhưng mọi khó chịu đã thay thế bằng sự thích thú, khi tiếng nhạc du dương cất lên và khi được chứng kiến toàn cảnh quy trình nuôi, cho bò ăn, vắt và bảo quản sữa ở TH Milk.

Quy trình vắt sữa được tiến hành bằng máy móc, công nghệ hiện đại.

Nhạc là dành cho những cô bò đang được vắt sữa, chúng được đối xử thật dịu dàng. Những cô bò ấy, mỗi con được đeo một thiết bị điện tử, mà với người của TH Milk, nó như một “con mắt thần không ngủ 24/24h”, để đếm từng bước chân, theo dõi hoạt động hàng ngày, từ lượng thức ăn, lượng sữa của mỗi lần vắt, bệnh tật, đau ốm ra sao, lúc nào có thể cho nhiều sữa nhất… Tất cả đều được theo dõi và ghi lại bằng máy móc, quy trình công nghệ hiện đại.

Công nghệ ấy không chỉ được áp dụng ở khu vực chăn nuôi và vắt sữa bò, hiện có khoảng 30.000 con, trong đó 14.000 con đang cho sữa, mà còn ở tất cả các phân khu khác của trang trại. Chế biến thức ăn cho bò, được theo dõi bằng máy. Xử lý nước thải hay sản xuất nước sạch, cũng được lập trình bằng máy…

Vy Hằng, Quản lý Thức ăn, vợ của Thăng, kể, ở khu nhà bếp của bò, mỗi ngày có thể chế biến khoảng 1.000 tấn thức ăn. Mỗi loại bò, đang cho sữa, đang mang thai…, lại có một thực đơn khác nhau, do các chuyên gia “lên” sẵn, được phối trộn từ 7 đến 12 loại thức ăn khác nhau. Bởi thế, chỉ có thể theo dõi và lập trình bằng máy.

Khu vực nhà máy xử lý nước thải hay nước sạch cho bò uống cũng thế. Tất cả được điều khiển bằng máy. Công nghệ hiện đại đến mức, các chuyên gia ở tận Israel, Hà Lan đều nắm được hoạt động hàng ngày của nhà máy, để kịp thời xử lý khi có sự cố...

Ông Hân bảo, để thực hiện ước mơ có một đồng cỏ châu Âu giữa lòng xứ Nghệ, bà Thái Hương đã phải thuê tư vấn của một công ty ở Israel, đất nước bán sa mạc, nhưng cũng đã phát triển rất mạnh mẽ đàn bò của mình. TH Milk còn thuê cả hai công ty đa quốc gia: Afikim của Israel về quản trị đàn bò và Totally Vets của NewZealand quản trị thú y.

Với quy trình quản lý tiên tiến, hiện đại này, từ thức ăn đến nước uống cho bò, đều đảm bảo rất sạch. Sữa được vắt và bảo quản cũng trong một quy trình nghiêm ngặt, hiện đại, khép kín, đảm bảo không một chút không khí lọt vào và giữ được nguyên vẹn chất dinh dưỡng quý báu của dòng sữa bò. Đó cũng chính là điểm khác biệt của sữa TH True Milk.

“Từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch là như thế”, Trần Đình Tuệ, chàng kỹ sư nông nghiệp quê Trà Vinh, học đại học ở Israel, đáng lẽ sẽ làm việc cho Afikim, nhưng cuối cùng lại quyết định đầu quân cho TH Milk, nói như vậy.

Đã từng tới nhiều trang trại bò ở Israel, nhưng Tuệ bảo, quy mô lớn và hiện đại như ở TH Milk thì không phải ở đâu cũng có được.

Chàng kỹ sư nông nghiệp này, cũng giống Thăng, vô cùng say mê công việc và có thể cả ngày gắn bó với nông trại. Và thực ra, đó cũng là điều mà chúng tôi nhận thấy ở bất cứ ai trong số hơn 1.200 người lao động của TH Milk.

*

* *

"Tôi thực sự ngưỡng mộ bà Thái Hương bởi tầm nhìn của bà. Trên thế giới, cũng không nhiều người phụ nữ làm được như vậy” - Ông Gil Inbar, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH

Bởi thế, trò chuyện với Gil Inbar, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH, câu đầu tiên mà chúng tôi hỏi, đó là làm sao ông có thể truyền cảm hứng, truyền “lửa” cho những nhân viên của mình. Thực ra, cảm hứng ấy đến ngay từ bà Thái Hương, vị Chủ tịch của TH Milk - người phụ nữ Việt Nam mà Gil Inbar không hề ngần ngại khi phải làm việc dưới quyền.

“Tôi thực sự ngưỡng mộ bà Thái Hương bởi tầm nhìn của bà. Trên thế giới, cũng không nhiều người phụ nữ làm được như vậy”, Gil chia sẻ và bảo rằng, ông là người thích đối mặt với những thách thức, còn vị Chủ tịch của TH Milk lại có thể giúp biến ước mong đó của ông thành hiện thực.

“Nhiều dự án trên thế giới phải mất 10 năm mới hoàn thành, nhưng bà Thái Hương chỉ mất 3 năm để làm được điều đó”, Gil nói, đầy tự hào về trang trại bò sữa của mình - trang trại được xây dựng ở một vùng đất thời tiết vô cùng khắc nghiệt.

Lâu nay, trong tâm trí của nhiều người, chỉ ở những cao nguyên như Mộc Châu, Ba Vì…, mới có thể chăn nuôi bò sữa. Bởi thế, khi trang trại bò sữa TH Milk được xây dựng ở Nghĩa Đàn, ban đầu không ít người hoài nghi, nhưng giờ đều đã phải thừa nhận bước đi táo bạo của bà chủ Thái Hương - người luôn tâm niệm, tư duy mới là điều quan trọng nhất. Rằng, thậm chí vượt qua cả Israel, chỉ có 100 điểm về công nghệ, 50 điểm về đất đai, khí hậu, thì bà có tới 230 điểm, sau khi mua được công nghệ của họ. “Vì thế, tôi chắc chắn sẽ thành công”, bà Hương khẳng định như vậy.

Nhà máy chế biến sữa của TH Milk đang ráo riết chuẩn bị để chính thức vận hành vào ngày 19/5/2013.

Năm 2012, doanh thu của toàn Tập đoàn TH Mill là 2.000 tỷ đồng. Con số này trong năm nay sẽ vào khoảng 3.700 tỷ đồng và đang nhanh chóng tăng lên trong thời gian tới, khi đàn bò không ngừng được mở rộng và khi các nhà máy mới chế biến sữa của TH Milk đi vào hoạt động.

Hôm chúng tôi tới Nghĩa Đàn, nhà máy chế biến sữa của TH Milk đang trong những ngày ráo riết chuẩn bị cho sự kiện trọng đại: chính thức vận hành vào ngày 19/5, đúng dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Với công suất chế biến 600 tấn/ngày, vốn đầu tư 100 triệu USD, đây sẽ là một trong những nhà máy sữa lớn và hiện đại bậc nhất Việt Nam.

Điều quan trọng hơn, với ông Arghya Mandal, Giám đốc Điều hành Nhà máy Chế biến sữa TH Milk, từ nay, những chiếc xe bồn chở sữa, thay vì phải rồng rắn đưa từ Nghĩa Đàn ra tận Hưng Yên, hầu hết sẽ được đưa thẳng vào nhà máy này để chế biến thành dòng sữa ngọt ngào. Hiện nay, nhà máy ở ngoài Hưng Yên, mà Công ty đang phải thuê nhà xưởng, có công suất 200 tấn sữa/ngày. Có thêm nhà máy mới, năng lực sản xuất của TH Milk sẽ tăng gấp 4, để luôn đủ sữa cung ứng cho nhu cầu của thị trường.

Trước khi rời Nghĩa Đàn, chúng tôi đã một lần nữa quay trở lại trụ sở chính của TH Milk và bắt gặp hình ảnh hai đứa trẻ, một là con của Thăng - Hằng, một là con của chuyên gia Israel, nhưng nói tiếng Việt mà đặc sệt chất giọng… Nghệ An, đang vùng vẫy trong bể bơi xanh ngắt của TH Milk. Chợt thấy lòng bình yên. Và thấy đẹp hơn bao giờ hết một đồng cỏ châu Âu giữa lòng xứ Nghệ.

Tin liên quan
Tin khác