Thời sự
Ngày Lao động, nói chuyện lương hưu, tuổi nghỉ hưu
Phan Long - 01/05/2014 09:03
Nâng tuổi nghỉ hưu và thay đổi cách tính lương hưu công chức, viên chức đang là hai vấn đề nổi bật, gây nhiều tranh cãi trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi khi tăng nhiều nghĩa vụ nhưng lại giảm quyền lợi của người lao động.
TIN LIÊN QUAN

Tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2016 và giảm lương hưu của đối tượng công chức, viên chức là hai giải pháp mà Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đưa ra trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi nhằm ngăn chặn nguy cơ vỡ Quỹ BHXH do mất cân đối thu – chi.

   
  Tăng tuổi nghỉ hưu và giảm lương hưu đang dồn gánh nặng lên vai người lao động. Ảnh: Đức Thanh  

Tuy nhiên, hai đề xuất này đang nhận được rất nhiều ý kiến phản đối từ phía cơ quan thẩm tra, các chuyên gia cũng như người dân khi dồn trách nhiệm lên vai người lao động.

Tăng nghĩa vụ, giảm quyền lợi của lao động

Năm 2024 là thời điểm dự kiến Quỹ BHXH có nguy cơ mất cân đối và đến năm 2037 sẽ hoàn toàn cạn kiệt do chênh lệch quá lớn giữa thu và chi, theo tính toán của BHXH Việt Nam.

Theo bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thậm chí còn dự báo nguy cơ mất cân đối và vỡ Quỹ BHXH sớm hơn, vào năm 2022 và 2034. Việc mất cân đối thu – chi của Quỹ BHXH là do tỷ lệ người đóng trên người hưởng lương hưu đang giảm quá nhanh, từ hơn 200 người đóng trên 1 người hưởng ở thời điểm trước năm 2000, đến nay chi còn hơn 9 người đóng trên 1 người hưởng. Thời gian hưởng lương hưu cũng ngày kéo dài hơn do tuổi thọ người dân ngày càng cao. Trong khi đó, dù số người thuộc diện bắt buộc đóng BHXH chiếm 78% tổng số lao động, nhưng hiện số người đóng trên thực tế mới chỉ chiếm 20%. Việc mất cân đối quá lớn giữa nguồn thu và chi như vậy khiến nguy cơ vỡ Quỹ ngày càng hiển hiện rõ ràng.

Vì vậy, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cơ quan soạn thảo Dự án Luật BHXH sửa đổi đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu và giảm lương hưu của công chức viên chức, nhằm tăng nguồn thu và giảm chi để cân đối Quỹ BHXH. Cụ thể, từ năm 2016 trở đi, tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức, cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đủ 62 tuổi đối với cả nam và nữ, hoặc đủ 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ. Từ năm 2020 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm đối tượng còn lại với lộ trình cứ mỗi năm tăng 4 tháng tuổi nghỉ hưu cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.

Về tiền lương hưu, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất cách tính mới theo chiều hướng giảm. Cụ thể, từ 1/1/2015, lương hưu của công chức, viên chức sẽ được tính trên bình quân tiền lương của toàn bộ thời gian đóng BHXH, thay vì bình quân 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu như hiện nay. Bên cạnh đó, nếu đóng đủ 20 năm BHXH, công chức mới được hưởng 45% mức tiền lương bình quân của toàn bộ thời gian đóng BHXH, và phải đóng đủ 35 năm BHXH mới được hưởng mức tối đa là 75% tiền lương bình quân. Ngoài ra, nếu nghỉ hưu trước tuổi, cứ mỗi năm về hưu sớm, người lao động sẽ bị trừ 2% tiền lương hưu.

Phải giảm chi phí quản lý

Từ góc độ cơ quan thẩm tra dự thảo luật, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, có rất nhiều giải pháp để tăng nguồn thu, đảm bảo an toàn Quỹ, tại sao cơ quan soạn thảo lại dồn hết trách nhiệm lên vai người lao động, khi vừa tăng thêm nhiều nghĩa vụ, nhưng lại giảm quyền lợi của họ.

Một trong những giải pháp tăng nguồn thu, theo ông Lợi là việc lấy mức lương thực lĩnh làm căn cứ đóng BHXH, thay vì dựa trên lương ghi trong hợp đồng như hiện nay. Cách tính hiện nay khiến các đơn vị, doanh nghiệp chỉ ghi mức tiền lương rất thấp trong hợp đồng lao động, còn tách tiền lương thành nhiều khoản phụ cấp để trả cho người lao động nhằm giảm mức đóng BHXH. Bên cạnh đó, tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc mới chỉ có 20% tổng số lao động, nếu tăng được tỷ lệ người tham gia nguồn thu Quỹ sẽ tăng đáng kể.

Đồng quan điểm, bà Cù Thị Hậu, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động đặt vấn đề: “Trường hợp người lao động 50 tuổi, đã đóng đủ 20 năm BHXH, nhưng lại nghỉ hưu sớm 10 năm so với quy định sẽ bị trừ mỗi năm nghỉ hưu sớm 2%, nghĩa là nghỉ hưu sẽ chỉ được lĩnh 25% tiền lương bình quân. Vậy họ sẽ sống như thế nào?”.

Tương tự, Trưởng ban Chính sách – Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động) cho rằng, lao động trong các ngành nặng nhọc, độc hại như cao su, hầm lò, dệt may, da giày... thậm chí còn đang xin giảm tuổi nghỉ hưu do sức khỏe không đảm bảo. Giờ ban soạn thảo lại muốn tăng tuổi nghỉ hưu, họ không đủ sức khỏe để làm tiếp mà phải về hưu non, tiền lương hưu vốn đã thấp lại bị trừ mỗi năm về hưu sớm 2% như đề xuất, người lao động sẽ trang trải cuộc sống như thế nào?!

Ở góc độ khác, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Như Lợi lại đề cập đến vấn đề hiệu quả quản lý Quỹ BHXH. Hiện số nợ BHXH của các đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước tính đến hết tháng 3/2014 theo báo cáo của BHXH Việt Nam đã lên tới 11.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vài năm nay, BHXH Việt Nam mới chỉ khởi kiện được khoảng 2.000 doanh nghiệp với số nợ khoảng 1.000 tỷ đồng, vẫn quá nhỏ so với con số 11.000 tỷ đồng, chưa kể thắng kiện rồi việc đòi được nợ còn ít hơn.

Nếu làm quyết liệt trong việc thu nợ, giảm trốn đóng BHXH của các doanh nghiệp, đơn vị, nguồn thu cho Quỹ BHXH cũng sẽ được cải thiện rất nhiều. Đấy là chưa kể, chi phí quản lý từ năm 2007-2013 đã tăng 5 lần, từ 815 tỷ lên 3.718 tỷ đồng. Riêng trong năm 2013, chi phí quản lý đã tăng hơn 24% là quá lãng phí. Nếu quản lý hiệu quả, giảm được con số này, cùng với các biện pháp khác như đã đề cập ở trên sẽ không cần thiết phải giảm lương hưu của người lao động.

Còn theo PGS.TS Giang Thanh Long (Đại học Kinh tế quốc dân), tăng tuổi nghỉ hưu, giảm lương hưu của công chức chỉ kéo dài thời gian tồn tại của Quỹ BHXH chứ không giải quyết được cái gốc của vấn đề. Hiện còn 58% trong tổng số 78% lao động thuộc diện bắt buộc đóng BHXH nhưng chưa tham gia. Nếu huy động được hết số còn thiếu này, nguồn thu Quỹ BHXH sẽ tăng đáng kể.

“Ngoài ra, tăng tuổi nghỉ hưu mà chất lượng lao động thấp, càng làm mất cân đối thị trường lao động, khiến nhiều lao động trẻ ra trường khó kiếm việc làm”, ông Long nhận xét.

TIN LIÊN QUAN
Cách tính lương hưu mới: Nghĩa vụ tăng, quyền lợi giảm
Chưa thuận với đề xuất thay cách tính lương hưu
Sẽ thay đổi cách tính lương hưu

Tin liên quan
Tin khác