Hội thảo về dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng 19/10 |
Tại các quốc gia, DNNVV chiếm tỷ lệ cao trong tổng số doanh nghiệp, được xác định là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Ở Việt Nam, chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp, sử dụng tới hơn 50% lực lượng lao động và đóng góp hơn 40% GDP, nhưng DNNVV vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại trong tiếp cận các nguồn lực kinh doanh như tín dụng, mặt bằng sản xuất, thị trường.
Luật được xây dựng nhằm thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, quốc gia và nguồn lực có thể bố trí trong từng thời kỳ. Qua đó, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng hoạt động của khu vực DNNVV. Đồng thời, tạo khung pháp lý để huy động khu vực kinh tế tư nhân và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia cùng Chính phủ thực hiện hỗ trợ DNNVV.
Dự thảo Luật gồm 6 chương với 45 điều, được thiết kế với hai phần quan trọng. Các nội dung hỗ trợ cơ bản (Chương II, từ Điều 7 đến Điều 18): bao gồm các quy định về gia nhập và rút khỏi thị trường, tiếp cận tín dụng, tài chính, công nghệ, mặt bằng sản xuất, xúc tiến và mở rộng thị trường, mua sắm công, thông tin và tư vấn, đào tạo, ươm tạo và cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Đây là những hỗ trợ cơ bản, thiết yếu đối với tất cả các DNNVV. Tuy nhiên, không hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc bao cấp cho DNNVV mà những hỗ trợ cơ bản này thực hiện chủ yếu thông qua việc tạo cơ chế chính sách, điều kiện thuận lợi để các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các chương trình hỗ trợ trọng tâm (Chương III, từ Điều 19 đến Điều 32): là những hỗ trợ có mục tiêu, trọng điểm theo định hướng chuyển đổi mô hình tăng trường và tái cơ cấu nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tự chủ của nền kinh tế. Cụ thể, gồm 3 chương trình hỗ trợ trọng tâm (hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp khời nghiệp đổi mới sáng tạo; và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành) và các chương trình khác do Chính phủ quy định phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển và điều kiện ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ.
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), theo đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa được ghi nhận góp phần tích cực cho sự tăng trường toàn diện của nền kinh tế. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được kỳ vọng giúp tạo ra nhiều việc làm hơn nữa từ khu vực tư nhân, nơi thu hút hơn một nửa là lao động nữ, góp phần giúp Việt Nam đạt mục tiêu có một triệu doanh nghiệp hoạt động vào cuối năm 2020.
Dự thảo này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, khai mạc vào ngày mai (20/10).