Điển hình nhất là việc, tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư đầu Xuân Giáp Ngọ 2014, một biên bản ghi nhớ (MOU) về việc nghiên cứu đầu tư, xây dựng Khu công nghiệp VSIP Nghệ An đã được các bên liên quan ký kết.
| ||
Ngay tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư đầu Xuân Giáp Ngọ, đã có gần 17.000 tỷ đồng cam kết đầu tư vào Nghệ An |
Với sự thành công của VSIP tại Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng… trong phát triển hạ tầng khu công nghiệp (KCN) và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, một khi VSIP Nghệ An được xây dựng, có thể kỳ vọng sẽ có nhiều hơn nữa nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào tỉnh này.
Ở Nghệ An, hiện tại, ngoài Dự án Thép Kobelco, vốn đầu tư 1 tỷ USD, của nhà đầu tư Nhật Bản Kobe Steel, thì có không nhiều dự án FDI cỡ nhỏ được cấp chứng nhận đầu tư và triển khai. Chẳng hạn, Dự án Điện tử BSE (Hàn Quốc), vốn đầu tư 30 triệu USD; hay Dự án Royal Foods (Thái Lan), 20 triệu USD…
Tuy nhiên, trong khi một số dự án FDI cỡ nhỏ đã và đang đi vào hoạt động, thì Kobelco vẫn chưa được triển khai xây dựng. Lý do cơ bản là vì Kobelco còn chờ đợi mỏ sắt Thạch Khê đi vào hoạt động, bởi nhà sản xuất thép từ Nhật Bản dự kiến sử dụng nguyên liệu chính từ mỏ sắt này.
Những động thái gần đây về việc Chính phủ đã chấp thuận cho Kobe Steel tham gia góp vốn điều lệ vào Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC), cũng như việc UBND tỉnh Nghệ An đang đề xuất đưa KCN Đông Hồi, địa điểm mà Kobelco xây dựng nhà máy, vào KKT Đông Nam Nghệ An, có thể sẽ tạo cú hích để tiến độ Dự án được đẩy lên sớm hơn. Có được sự chấp thuận này, Kobelco vừa có nguồn nguyên liệu, vừa có được những cơ chế ưu đãi đầu tư tốt nhất để triển khai Dự án.
Nhưng chỉ một Kobelco chưa đủ sức tạo nên một sự thay đổi lớn cho Nghệ An. Bên cạnh việc thu hút đầu tư trong nước, Nghệ An đang kỳ vọng thu hút được nhiều hơn nữa vốn FDI.
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến nay, Nghệ An mới thu hút được 27 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký trên 1,56 tỷ USD, đứng thứ 27 trong cả nước về thu hút FDI. Cần phải thấy rằng, ngoài số dân đông, Nghệ An còn có một hệ thống giáo dục - đào tạo phong phú và đa dạng. Trên địa bàn, hiện có 6 trường đại học, 11 trường cao đẳng, 15 trường trung cấp đào tạo công nhân kỹ thuật và 70 trung tâm dạy nghề. Hàng năm, các cơ sở này đã đào tạo và cho ra trường hơn 35.000 sinh viên và 50.000 công nhân kỹ thuật.
Đặc biệt, với vị trí địa lý thuận lợi, có đường sắt, đường bộ, cảng hàng không và tiếp giáp với Lào, vì vậy, câu hỏi cần đặt ra là, vì sao Nghệ An lại không thể trở thành điểm hấp dẫn trong thu hút FDI?
Bà Võ Thị Minh Sinh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cho biết, trong thời gian tới, Nghệ An sẽ tập trung thu hút đầu tư các dự án có chọn lọc, chú trọng chất lượng dự án và năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư. Đồng thời, các dự án này phải phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh.
Giữa năm ngoái, UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu các ngành, địa phương xây dựng và quán triệt Kế hoạch hành động triển khai thực hiện nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), phấn đấu đến năm 2015 lọt vào tốp 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Vì vậy, để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI… là điều mà Nghệ An đang hướng tới.
Trên một khía cạnh khác, theo các chuyên gia kinh tế, để tăng cường thu hút FDI, Nghệ An cũng phải “đặt mình” trong tổng thể liên kết với các tỉnh miền Trung. Một khi các dự án động lực ở Hà Tĩnh, Thanh Hóa được triển khai thành công, thì Nghệ An cũng sẽ có thêm điều kiện thuận lợi để thu hút FDI.
Nguyên Đức