Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ chính trị đặt ra mục tiêu tổng quát cho tỉnh Nghệ An là tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, tăng cường đoàn kết, thống nhất, phát huy nội lực, thu hút mọi nguồn lực phấn đấu đưa trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015; tạo cơ sở đến nă 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; từng bước hiện đại; đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân được nâng cao, nền văn hóa lành mạnh và đậm đà bản sắc xứ Nghệ, quốc phòng - an ninh vững mạnh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
. |
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nhấn mạnh: Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, Nghệ An đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tổng sản phẩm trong tỉnh 3 năm 2014-2016 tăng bình quân 7,59%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của 3 năm 2011-2013 (5,54%). Thu nhập bình quân đầu người tăng khá nhanh: năm 2016 ước đạt 31 triệu đồng/người (gấp 1,4 lần so với năm 2013). Thu ngân sách đạt kết quả khá, hàng năm tăng trên 15%. Tổng thu ngân sách giai đoạn 2014-2016 ước đạt 29.997 tỷ đồng, trong đó năm 2015 đạt 10.038 tỷ đồng, 10 tháng đầu năm 2016 đạt hơn 8.313 tỷ đồng. Kết quả thu hút đầu tư đạt cao, với 372 dự án/161.004 tỷ đồng vốn đăng ký, tăng gấp 1,63 lần số lượng dự án và 3,61 lần số vốn đăng ký so với 3 năm của giai đoạn 2011-2013. Trong đó, thu hút được nhiều dự án, tập đoàn có quy mô lớn như: dự án khu công nghiệp Đô thị VSIP, Tập đoàn Hermaraj (Thái Lan), Vingroup, các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản… Đồng thời, tỉnh đã vận động được nhiều dự án ODA với 31 chương trình, dự án có tổng mức đầu tư 15.050 tỷ đồng; và 58 chương trình, dự án phi chính phủ với tổng số vốn cam kết tài trợ là 16,01 triệu USD. Các dự án đầu tư thời gian qua đã đánh dấu một bước chuyển mới trong thu hút đầu tư của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Song, bên cạnh những kết quả đạt được thì Nghệ An hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó phải kể đến như: sức cạnh tranh và khả năng hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp còn hạn chế; thiếu vốn; quản lý quy hoạch chưa tốt, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, cải cách hành chính chưa đồng bộ … Vì vây, đây là dịp để các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý phân tích các khó khăn, hạn chế và đề xuất các giải pháp cho Nghệ An thực hiện thành công Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị.
Theo góc nhìn của PGS,TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thì: Hiện nay, đất nước chúng ta đang có những thay đổi mạnh về tư duy phát triển. Đảng định vị lại vai trò của kinh tế tư nhân, trong đó chương trình khởi nghiệp được đặt ra để tạo nguồn lực mới, quan hệ ngân sách của trung ương và địa phương cũng có những thay đổi trong bối cảnh ngân sách trung ương hạn hẹp. Liên kết vùng ngày một mạnh mẽ, nguy cơ cạnh tranh giữa các địa phương trong cùng một khu vực cao, Nghệ An phải chủ động trong vai trò là “trung tâm” phối hợp của Bắc Trung Bộ.
Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng cao, nước ngoài vào ngày càng nhiều. Nghệ An nên đi đầu trong cách tiếp cận để tiếp “đà” tăng trưởng để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu. Vì vậy, Nghệ An phải nghĩ khác, làm khác, có bước đột phá mới hơn.Trong bối cảnh mới, Nghệ An cần hòa nhịp nhanh chóng vào sự phát triển chung của khu vực…Nghệ An cần phải nhận thức được những điểm mạnh, điểm yếu, những vấn đề một cách cầu thị, nghiêm túc để hòa nhập và chiếm ưu thế vào sự cạnh tranh hiện nay. Về tầm nhìn, Nghệ An cần tư duy về cách mạng công nghiệp như thế nào; tư duy hiện đại hóa, đánh giá hết tầm vóc, vị thế của thành phố Vinh trong sự phát triển của tỉnh… nhất là cần phải đưa ra tầm nhìn quy hoạch, tư duy phát triển mới để phù hợp với xu hướng phát triển.
Tại Hội thảo, đã có nhiều tham luận hiến kế cho Nghệ An nhằm từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế và tìm ra những hướng phát triển nhăm đẩy nhanh tốc độ cho những năm tiếp theo, như: Định hướng và những giải pháp Xây dựng Nông thôn mới tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 – 2010; Thành phố Vinh, đô thị loại I – Trung tâm vùng Bắc Trung bộ; Thu hút đầu tư – Yếu tố quyết định đến phát triển kinh tế Nghệ An…