Theo UBND tỉnh Nghệ An, hiện toàn tỉnh có 35 dự án chưa giải ngân hết kế hoạch đầu tư công năm 2021 (từ 300 triệu đồng trở lên), trong đó có 6 dự án nguồn ngân sách Trung ương, 9 dự án nguồn vốn nước ngoài và 25 dự án nguồn ngân sách địa phương.
Trong số này, một số đơn vị còn tồn số vốn chưa giải ngân lớn như Sở Giao thông Vận tải với các dự án, như: dự án đường ven biển đoạn từ Nghi Sơn Thanh Hóa đến Cửa Lò Nghệ An (Km7-Km 76) còn chậm giải ngân lên đến 450 tỷ đồng; Dự án đường giao thông trục chính dọc trung tâm thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc…
Đường ven biển đang thi công sẽ góp phần kết nối các vùng kinh tế trọng điểm phía nam tỉnh Nghệ An với Hà Tĩnh |
Lý giải nguyên nhân, theo đại diện Sở Giao thông Vận tải Nghệ An cho rằng, do mới được giao kế hoạch đầu tư công vào tháng 9/2021; ngoài ra còn vướng bởi công tác GPMB…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh cho biết, tỉnh đã ban hành Công văn số 896/UBND-KT về việc kiểm điểm, xử lý các trường hợp giải ngân chậm kế hoạch đầu tư công năm 2021.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các Ban Quản lý dự án; các chủ đầu tư của các dự án chưa giải ngân hết chỉ tiêu kế hoạch vốn được giao (dự án có số vốn chưa giải ngân trên 300 triệu đồng) báo cáo làm rõ nguyên nhân, lý do khách quan, chủ quan không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao; tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc chậm giải ngân vốn các dự án.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An, tổng cộng nguồn đầu tư công tập trung năm 2021 được bố trí cho 206 dự án, tính đến cuối tháng 12/2021, còn 70 dự án giải ngân dưới 85% trong đó có 67 dự án giải ngân dưới mức bình quân chung của tỉnh (dưới 72,9%).
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An Nguyễn Xuân Đức lý giải, nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm là do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều huyện, thành, thị phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài để phòng, chống dịch bệnh, làm ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động đầu tư công nói riêng.
Bên cạnh đó, năm 2021 là năm đặc thù, kế hoạch giao chủ yếu cho các công trình chuyển tiếp của giai đoạn 2016-2020 chuyển sang, các dự án này hầu hết hoặc là đã cơ bản hoàn thành đang làm thủ tục quyết toán, hoặc là đang vướng mắc giải phóng mặt bằng, vướng mắc trong thi công phải điều chỉnh dự án, thiết kế dự toán… Vì vậy, việc triển khai mất nhiều thời gian hơn, các dự án khởi công mới chưa đủ điều kiện giao kế hoạch vốn đầu năm, phải chờ sau khi được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mới có cơ sở triển khai thực hiện (tháng 9 mới được giao vốn) nên tiến độ triển khai chậm hơn, ông Đức cho hay.