Đầu tư và cuộc sống
Nghệ sĩ lạm dụng hài quá mức, hậu họa khó lường
Hồ An - 24/05/2016 14:50
Vở diễn Tô Ánh Nguyệt Remix của Trấn Thành người ta mới nhận ra mặt trái của sự lạm dụng hài quá mức này.
Trấn Thành bị phạt 32,5 triệu đồng vì... làm xấu Tô Ánh Nguyệt

Việc Trấn Thành bị Sở VH, TT TP HCM “sờ gáy” và phải nộp phạt hơn 32 triệu đồng cho thấy sự báo động của lối diễn chiều chuộng khán giả của không ít nghệ sĩ hiện nay.

Dựng vở đề tài…kinh dị để… bán vé

Hiếm có khi nào truyền hình thực tế, gameshow hài lại lên ngôi như hiện nay. Điểm qua một số chương trình truyền hình gần đây thì gần như là các chương trình hài. Có thể kể đến như: Thách thức danh hài, Đấu trường tiếu lâm, Cười xuyên Việt, Làng hài mở hội… Chương trình hài phát triển, đồng nghĩa tiếng cười ngày một nhiều hơn. Và tất nhiên, có cầu mới có cung, khán giả càng thích hài, nghệ sĩ càng tận dụng và huy động tối đa mọi mảng miếng để gây cười khán giả.

Thế nhưng, chỉ đến khi vở diễn Tô Ánh Nguyệt Remix của Trấn Thành bị chỉ trích, người ta mới nhận ra mặt trái của sự lạm dụng hài quá mức này. Càng nhiều chương trình, sự cạnh tranh càng gay gắt. Thế là những miếng hài phản cảm, nhảm nhí và có phần dung tục bắt đầu nhiều hơn. Đặc biệt là khi các diễn viên “cách tân” các tiểu phẩm đã đi vào lòng người như: Tấm Cám, Thạch Sanh, Đời cô Lựu hay Tô Ánh Nguyệt, Lan và Điệp... để gây cười. Sẽ chẳng có gì nếu những sự “cách tân” đó hay và sáng tạo, nhưng vẫn có những sự “cách tân” nhảm nhí, làm lệch lạc những sản phẩm văn hóa vốn là nét đẹp của nghệ thuật Việt Nam.

“Tấm đi trai”, “Lan làm bia ôm”… - những hình tượng đẹp của sân khấu bỗng biến thành những nhân vật không đàng hoàng. Thế nhưng, trong khi nhiều người lên án việc “bôi bẩn” này thì một bộ phận khác lại cho rằng chẳng có gì đáng om sòm.

Đó là với các sân khấu hài. Còn các sân khấu kịch, gần như sân khấu nào cũng có những tác phẩm đồng tính, kinh dị như Thượng ẩn (sân khấu kịch Family); Đá đoạt hồn, 12 giờ đêm, Điềm báo (sân khấu kịch Hồng Vân); Căn phòng lạnh (sân khấu Nụ cười mới)…

Lý giải điều này, biên kịch Viễn Hùng cho hay, sân khấu không thiếu đề tài. Nhưng những vở kịch viết về đề tài kinh dị, đồng tính luôn ăn khách hơn các vở chính kịch. Vì sự sống còn của sân khấu, nên nhiều sân khấu tư nhân mới phải dựng những vở có đề tài như vậy để bán được vé.

Không chấp nhận những trò dung tục, nhảm nhí

Khi những vở diễn vốn được coi là định hình văn hóa cho khán giả lại làm lệch lạc tư tưởng, kéo tầm hiểu biết và thẩm mĩ của khán giả đi xuống thì vấn đề được đặt ra là: Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những hệ quả sẽ xảy ra? Khi những hình tượng đẹp vốn dùng để đề cao đạo đức con người lại bị làm sai lệch, hậu quả của nó sẽ ra sao? Nghệ sĩ cũng là những người phải kiếm sống. Không có khán giả, sân khấu và nghệ sĩ “chết”. Phải chăng chính thị hiếu thấp của khán giả mới là nguyên nhân đẩy các nghệ sĩ phải đi đến bước đường này?

Chúng ta có hai dòng kịch bản. Một là, định hướng viết theo những tiêu chí áp đặt về văn hóa, dùng để tuyên truyền. Thường thì những tác phẩm này không bán được vé. Thứ hai là, kịch thị trường, loại này lại được công chúng thích. Cái khó hiện nay là chúng ta phải cố gắng dung hòa giữa nhu cầu giải trí của công chúng, vừa bán được vé lại vừa định hướng được. Đó mới là thành công”.
Biên kịch Viễn Hùng

Theo biên kịch Viễn Hùng, những vở diễn dung tục, nhảm nhí có thể kéo văn hóa đi xuống. Ông cũng khẳng định, để sân khấu xảy ra tình trạng như hiện nay là lỗi của cả khán giả và những người làm chương trình. Muốn có doanh thu nên biên kịch viết kịch bản, đạo diễn dàn dựng theo kiểu nhảm nhí, đó là lỗi của đạo diễn và biên kịch. Về phía khán giả, nhiều người hễ thích diễn viên hài nào đó thì dù diễn viên đó diễn dở ra sao, nói những câu dung tục như thế nào, họ cũng vỗ tay tán thưởng thì đó là điều rất đáng buồn.

Ông nói: “Tại sao chúng ta phải mất tiền mua vé, để cười những điều thô tục như thế? Dù là chạy theo xu hướng thị trường để kiếm sống, nhưng lại cho ra đời những tiểu phẩm dung tục, phô bày nhục thể của nhân dân thì không thể chấp nhận được. Một tác phẩm văn hóa thì phải có nội dung tốt, lành mạnh để phục vụ cho nhu cầu của nhân dân, đó mới là điều tất yếu”.

Đồng quan điểm với biên kịch Viễn Hùng, soạn giả Hoàng Song Việt khẳng định, những vở diễn nghệ thuật vốn là những bài học về cuộc sống tốt đẹp. Do đó, nếu sân khấu không định hình được chức năng của mình, hay nghệ sĩ “làm mới” những hình tượng kinh điển một cách lệch lạc thì hậu quả sau này rất nghiêm trọng. Trẻ em xem mà hiểu sai về văn hóa Việt Nam thì vô cùng đáng lo ngại.

“Người lớn có thể coi đó là giải trí, nhưng khán giả nhỏ tuổi xem, không đủ trình độ để phân tích những điều đó, thì xem xong chúng dễ có những hiểu nhầm. Lúc đó, chính nghệ sĩ đã vô tình góp phần hình thành thế hệ tuổi trẻ lớn lên có quan điểm lệch lạc về văn hóa, điều đó cực kỳ nguy hiểm. Nhất là nếu nghệ sĩ pha trò hài mà dùng những từ dung tục, phản cảm thì sẽ ảnh hưởng tới nhận thức của lớp trẻ sau này”, soạn giả Hoàng Song Việt phân tích.

Xét cho cùng, sở thích của khán giả và hành động của nghệ sĩ là mối quan hệ tương tác. Tuy nhiên, nghệ sĩ là người của công chúng, là đại diện để giới thiệu những điều tốt đẹp tới cộng đồng. Bởi vậy, phải chăng đã đến lúc nghệ sĩ nên trở lại đúng “chức năng” tuyên truyền văn hóa của mình, thay vì cứ chạy theo và chiều chuộng khán giả và bất chấp những điều phản nghệ thuật?

Tin liên quan
Tin khác