Dấu hiệu cấu thành tội phạm
Mới đây, trong Văn bản số 786/BTP - PLHSHC gửi Văn phòng Chính phủ về việc có ý kiến một số nội dung trong báo cáo của Bộ Công an đối với Công ty Thuận Phong, dù khẳng định đây là ý kiến bước đầu về chuyên môn nghiệp vụ đối với Báo cáo kết quả thẩm định và chỉ có giá trị tham khảo, song, văn bản của Bộ Tư pháp chỉ ra rằng, những sai phạm của Công ty Thuận Phong có nhiều dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Kho chứa hàng hóa nghi là hàng giả do Công ty Thuận Phong sản xuất. |
Luận cứ được Bộ Tư pháp đưa ra cho ý kiến trên là, qua nghiên cứu Báo cáo kết quả thẩm định về vụ việc của Công ty Thuận Phong (tại Công văn số 2213/BCA - C41 ngày 15/9/2017 của Bộ Công an và các tài liệu liên quan); sau 2 lần giám định, 19/29 mẫu sản phẩm do Công ty Thuận Phong sản xuất có kết quả không phù hợp với mức tương ứng (hàm lượng chất chính đều dưới 70% so với tiêu chuẩn chất lượng đăng ký), do vậy, Công ty Thuận Phong có dấu hiệu sản xuất phân bón giả.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cũng lưu ý, với việc áp dụng quy định tại Điều 158, Bộ luật Hình sự năm 1999 (do thời điểm phát hiện vụ việc là ngày 24/4/2015), theo đó, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi phải có số lượng lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì mới cấu thành tội phạm, do đó, đề nghị các cơ quan chức năng xác định rõ thêm các mức định lượng trước khi quyết định.
Bên cạnh sai phạm trong sản xuất, theo Bộ Tư pháp, hành vi nhập khẩu phân bón Zap của Công ty Thuận Phong cũng có dấu hiệu cấu thành tội phạm. Công ty Thuận Phong đã lợi dụng sự đồng ý của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về việc cho nhập khẩu phân bón Zap với mục đích khảo nghiệm để lén nhập khẩu phân bón với số lượng lớn.
Cụ thể, sau lần đầu nhập khẩu phân bón được sự cho phép của Cục Trồng trọt với mục đích khảo nghiệm, ngày 15/8/2014, Công ty Thuận Phong đã tiếp tục nhập khẩu 550 gallon (tương đương 2.081 lít) phân bón Zap mà không có sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Về việc này, ngày 23/2/2017, Cục Trồng trọt có Văn bản số 194/TT - ĐPB xác định số phân bón Zap chưa được đưa vào danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Bộ Tư pháp cho rằng, trong trường hợp cơ quan chức năng xác định số lượng 550 gallon phân bón Zap mà Công ty Thuận Phong đã nhập khẩu “là số lượng lớn” hoặc chứng minh được Công ty Thuận Phong đã thu lợi bất chính lớn từ việc nhập khẩu số lượng phân bón này, thì hành vi đó đã đủ dấu hiệu của tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm (quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Cho ý kiến về việc Công ty Thuận Phong sang chiết phân bón từ bồn nhựa 1.000 lít nhập khẩu từ Hoa Kỳ đóng vào chai 1 lít và gắn nhãn “Made in USA” và “Produced bay Bio Huma Netics, Inc…”, sau khi dẫn chiếu các quy định tại Nghị định số 19/2006/NĐ - CP và Nghị định số 185/2013/NĐ - CP của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 124/2015/NĐ - CP ngày 19/11/2015), Bộ Tư pháp thống nhất ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ được nêu tại Công văn số 114/BKHCN - TĐC ngày 27/9/2016, theo đó, việc nhãn hàng hóa gắn trên chai phân bón 1 lít của Công ty Thuận Phong sang chiết, là có dấu hiệu giả mạo tên thương nhân, địa chỉ thương nhân khác; giả mạo về nguồn gốc hàng hoá, nơi sản xuất, đóng gói hàng hóa theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ - CP ngày 30/8/2006 và Nghị định số 185/2013/NĐ - CP.
Dai dẳng 3 năm một vụ việc
Đây đã là lần thứ hai, Bộ Tư pháp có ý kiến về những sai phạm tại Công ty Thuận Phong. Tại văn bản trước đó (Công văn số 1706/BTP - QLXLVPHC&TDTHPL ngày 26/5/2016 gửi Văn phòng Chính phủ), Bộ Tư Pháp từng cho rằng, có nhiều căn cứ chứng minh Công ty Thuận Phong sản xuất hàng giả.
“Không chỉ có một điều kiện, mà rất nhiều điều kiện vi phạm. Bộ Tư pháp từng kiến nghị, cần tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ số lượng phân bón sản xuất trong nước của Công ty Thuận Phong và hậu quả của việc sử dụng số lượng phân bón này. Nếu thuộc trường hợp hàng giả có số lượng lớn, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể xử lý theo quy định tại Điều 158, Bộ luật Hình sự”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc tái khẳng định quan điểm của Bộ tại cuộc họp liên ngành giữa 6 bộ và các cơ quan liên quan.
Sự dai dẳng trong xử lý sai phạm tại Công ty Thuận Phong thậm chí đã có lúc làm nóng cả nghị trường Quốc hội. Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá IV ngày 2/11/2017, bốn đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Nguyễn Bá Sơn, Nguyễn Công Hồng và Hồ Văn Năm đã có những tranh luận hết sức quyết liệt.
Trước các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã phát biểu, “chất chính” trong phân bón của Thuận Phong là dưới 70% nên không đạt. “Như vậy, theo quy định của pháp luật là giả”, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nói.
Theo Phó thủ tướng, việc sử dụng kết quả của các bộ, ngành trả lời tiếp theo đây là do cơ quan tư pháp và “trách nhiệm hiện nay thuộc về các cơ quan tư pháp”.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) lưu ý, muốn ngăn được nạn phân bón giả, kém chất lượng, những vụ kéo dài như vụ Thuận Phong phải được giải quyết dứt điểm để nâng cao sức răn đe trong xã hội.
Hy vọng rằng, với ý kiến của Bộ Tư pháp tại Văn bản 786 nói trên, vụ việc tại Công ty Thuận Phong sẽ sớm được xử lý nghiêm minh, đúng đối tượng.