Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Ảnh: Anh Hiếu |
Năm 2006, Quốc hội ban hành luật BHXH và bắt đầu thực hiện quan điểm đổi mới cải cách hệ thống chính sách BHXH. Trước đây, tiền lương xác định tính công thức lương hưu cho người về hưu đủ 15 năm đóng BHXH tương ứng với mức hưởng 45%. Tuy nhiên, thực chất của 15 năm đóng này chỉ tương đương với 38%. Có nghĩa là Nhà nước phải hỗ trợ thêm cho người lao động (NLĐ) 7% để đạt mức lương hưu 45%.
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, nguyên tắc của BHXH đang hướng đến mục tiêu “đóng - hưởng”, “đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít”. Công thức tính lương hưu phải đảm bảo nguyên tắc “đóng - hưởng”.
Cho nên đến năm 2016, mức đóng BHXH bắt buộc là 22% (trong đó chủ sử dụng 14% và NLĐ 8%) thì tổng toàn bộ tiền lương hưu của cả chủ sử dụng lao động và NLĐ cũng chỉ có tương đương 39,6% (22%/tháng x 12 tháng trong vòng 15 năm) nghĩa là 15 năm cũng chỉ tương ứng với 39,6% nhưng công thức tính lương hưu vẫn giữ nguyên là 45% mức lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH.
Vấn đề đặt ra là, để từng bước cải tiến lộ trình đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng vào quỹ BHXH, khắc phục mất cân bằng của quỹ, trên nguyên tắc đóng hưởng, đóng cao hưởng cao và đóng thấp hưởng thấp; Nhà nước không thể luôn luôn phải bù ngân sách để chi trả cho quỹ BHXH; Nhà nước chỉ bảo hộ khi có biến cố xảy ra để bảo đảm an sinh xã hội cho toàn dân.
Từ 1/1/2018, tất cả những người về hưu, nếu đủ điều kiện nam 60 tuổi có 30 năm đóng BHXH và nữ 55 tuổi tương đương 25 năm đóng BHXH thì tiền lương hưu của cả nam và nữ đều giảm sút một tỉ lệ do nam phải đạt 31 năm công tác thì mới được 75%, còn phụ nữ thì trước 2018 sau 15 năm được hưởng 45%, sau đó cứ mỗi năm tham gia BHXH được cộng thêm 3% nhưng bắt đầu từ 2018 chỉ còn 2%.
Tham gia BHXH càng nhiều thì lương hưu càng cao
Lý giải về điều này, ông Bùi Sỹ Lợi cho hay: Phần bù lại, mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tăng lên liên tục trong nhiều năm qua; khu vực Nhà nước sau 22 năm (từ năm 1995 - 2017) đã điều chỉnh lương tối thiểu chung (lương cơ sở) 15 lần, tăng 10,83 lần (từ 120.000 đồng lên 1,3 triệu đồng); khu vực ngoài nhà nước, sau 10 năm (giai đoạn 2008- 2017) đã điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo 4 vùng 10 lần, cụ thể vùng 4 tăng 4 lần (từ 650.000 lên 2.580.000 đồng), vùng 1 tăng 4,7 lần (từ 800.000 lên 3.750.000 đồng) là cơ sở để bù đắp mức lương hưu do giảm trừ tỷ lệ từ năm 2018.
Điều này sẽ tiếp tục được điều chỉnh từng bước theo lộ trình. Đến năm 2025, NLĐ bắt đầu tham gia BHXH, thì đến 2045- sau 20 năm, NLĐ cả ở khu vực công lẫn khu vực tư, đủ tuổi nghỉ hưu thì tiền lương hưu sẽ tính bình quân cả quá trình. Như vậy, thể hiện sự công bằng, minh bạch và chính sách BHXH luôn luôn đi theo nguyên tắc đóng- hưởng.
“Thực ra có vấn đề giảm sút nhưng sự giảm sút này nếu chúng ta thực hiện tốt và đồng bộ chính sách về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Ai đóng BHXH cao hơn thì sẽ được hưởng cao hơn và nếu thời gian tham gia BHXH càng nhiều thì tiền lương hưu càng cao”- ông Lợi nói.