Thưa ông, Nghị quyết 11-NQ/TW đã nhắc tới nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Ông suy nghĩ ra sao về vấn đề này?
Nghị quyết đã làm rõ, đồng thời mở đường cho sự thống nhất cao hơn về nội dung quan trọng này. Phải thẳng thắn rằng, nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay vẫn chưa có sự thống nhất, có thể coi là rào cản về tư duy, ảnh hưởng rất lớn tới cơ chế chính sách và thực thi chính sách, cũng như môi trường kinh doanh của Việt Nam.
. |
Với quan điểm rõ ràng về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết đã nhìn thẳng vào rào cản tư duy lớn này và đã giao Ban Kinh tế Trung ương nghiên cứu để đưa ra bộ tiêu chí về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Khi đó, những khác biệt trong tư duy sẽ được giải tỏa.
Đó có phải là lý do mà những nghiên cứu gần đây của ông về phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam thường đặt rào cản đầu tiên là tư duy lý luận và nhận thức?
Có thể khẳng định, kể từ khi đổi mới đến nay, đường lối và quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân luôn nhất quán, luôn được hoàn thiện, đổi mới và những hoàn thiện, đổi mới đó đã đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy sự phát triển của khu vực này với những đóng góp lớn cho xã hội và nền kinh tế.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện, nhằm đạt được sự thống nhất cao về tư tưởng và qua đó là chỉ đạo thực hiện.
Cụ thể, đó là nội hàm của tính xã hội chủ nghĩa của kinh tế thị trường, kinh tế nhà nước là chủ đạo… Nói rộng hơn là xác định rõ vai trò của Nhà nước và thị trường trong nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa.
Việc chưa có được sự thống nhất cao về nội hàm của những vấn đề kể trên sẽ dẫn đến nguy cơ thực hiện sai lệch, thậm chí lạm dụng trên thực tế, tạo ra sự bất bình đẳng và lợi ích nhóm, cũng như khó xây dựng được một môi trường và hệ sinh thái khuyến khích khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.
Có thể hiểu, sự không thống nhất này đã ảnh hưởng đến các bước đổi mới, phát triển của nền kinh tế giai đoạn vừa qua?
Quan điểm của tôi là cần phải có nghiên cứu thêm, nếu không, khó nói chính xác về vấn đề này. Nhưng thực tế cho thấy, khi mọi người nhận thức chưa thống nhất, chưa nói đến khác biệt, thì trong hành động sẽ lừng khừng, không tạo ra sức mạnh chung.
Ví như nói khu vực kinh tế nhà nước là chủ đạo, nhiều người nói, chủ đạo nghĩa là phải hơn khu vực kinh tế tư nhân. Nếu những người có thẩm quyền quyết định chính sách hoặc người thực thi quy định hành chính hiểu như vậy, thì sẽ có sự phân biệt trong thực tế giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp không của Nhà nước. Hai doanh nghiệp cùng vay vốn, nếu với cách nhận thức này, thì đương nhiên, doanh nghiệp nhà nước được ưu tiên hơn. Nguy cơ lạm dụng chính sách cũng từ nguyên do này.
Với những chỉ đạo trong Nghị quyết 11-NQ/TW, tình hình sẽ thay đổi thế nào, thưa ông?
Nghị quyết đã xác định rõ hơn về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xác định rõ vai trò của các thành phần kinh tế. Kinh tế nhà nước là chủ đạo. Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước. Mọi chức năng, vai trò đều được làm rõ, thống nhất cách hiểu, cách ứng xử. Khi đó, sẽ đạt được mục tiêu kết nối với nhau để phát triển.