Chiều tối 12/2/2020 theo giờ Việt Nam, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định EVFTA với 401 phiếu ủng hộ, 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng.
Cùng với việc thông qua EVFTA, EP đã thông qua Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) với tỷ lệ 407 phiếu ủng hộ, 188 phiếu chống và 53 phiếu trắng.
Phát biểu tại buổi họp báo về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) vào chiều muộn 12/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh sự đánh giá cao của phía EU với Việt Nam thông qua với số phiếu áp đảo 66,33%. Bộ trưởng khẳng định, thời gian tới sẽ cùng với các Bộ, ngành tiếp tục đẩy nhanh tính pháp lý để trình Quốc hội, sớm thông qua EVFTA tại kỳ họp Quốc hội tháng 5/2020.
EVFTA và IPA đã được ký kết tại Hà Nội hồi tháng 6/2019. Ảnh: Giang Huy. |
Trước đó một ngày, Nghị viện châu Âu đã họp phiên toàn thể thảo luận lần cuối cùng về 2 hiệp định với Việt Nam tại trụ sở chính ở thành phố Strasbourg của Pháp. Các nghị sĩ đã phát biểu về từng điểm trong 2 hiệp định. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) được đàm phán từ năm 2012, ký kết ngày 30/6/2019 tại Hà Nội.
Theo đó, EVFTA cũng sẽ là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đầu tiên được Nghị viên châu Âu khóa mới xem xét phê chuẩn. Hiệp định này sẽ xóa bỏ hơn 99% số dòng thuế theo lộ trình, tạo thuận lợi cho các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường EU như: dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ... Bên cạnh thương mại, EVFTA cũng có những cam kết sâu rộng về dịch vụ, mua sắm chính phủ, lao động và sở hữu trí tuệ.
Được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, EVFTA mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD. EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018 đạt 55,8 tỷ USD (trong đó xuất khẩu đạt 41,9 tỷ USD, nhập khẩu đạt 13,9 tỷ USD). Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp.
Ủy ban châu Âu ước tính, khi 2 hiệp định này được thực thi, tổng sản phẩm nội địa hàng năm của Liên minh châu Âu sẽ tăng thêm khoảng 30 tỷ USD.
Còn nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.
“Xét về tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, dự kiến kim ngạch của ta sẽ tăng trung bình 5,21-8,17% (năm 2019-2023), 11,12-15,27% (năm 2024-2028) và 17,98-21,95% (năm 2029-2033)”, Nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự tính.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành sang EU ở nhóm hàng nông sản: gạo (tăng thêm 65% vào năm 2025), đường (8%), thịt lợn (4%), lâm sản (3%), thịt gia súc gia cầm (4%), đồ uống và thuốc lá (5%). Nhóm ngành chế biến chế tạo tăng: dệt (67%), may mặc (81%), da giày (99%).
Nhóm ngành dịch vụ tăng: vận tải thủy (100%), vận tải hàng không (141%), tài chính và bảo hiểm (21%), các dịch vụ phục vụ kinh doanh khác (80%).
Ở chiều nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng khoảng 15,28% vào năm 2020, 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.
Xét về tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, dự kiến kim ngạch của ta tăng trung bình 4,36-7,27% (2019-2023), 10,63-15,4% (2024-2028) và 16,41-21,66% (2029-2033)
Nhóm hàng được dự báo tăng nhập khẩu nhiều nhất từ EU là phương tiện và thiết bị vận tải, chiếm khoảng 12% tổng giá trị nhập khẩu tăng thêm, nhóm hàng máy móc thiết bị (10%), dệt may và điện thoại và linh kiện điện tử (6-7%), nông, lâm, thủy sản (5%).
Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý-thể chế.