Cổ phiếu của các doanh nghiệp có mật độ công bố thông tin dày đặc thường thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư |
Theo quan sát từ thị trường, với các ngành thuộc diện “hot” như bất động sản, ngân hàng…, dù có những lúc triển vọng chung của ngành gặp khó khăn, nhưng sự quan tâm, suy nghĩ của nhà đầu tư ít khi rời khỏi ngành. Đây cũng là 2 ngành có mật độ thông tin dày hơn các ngành khác. Rất nhiều ngành khác ít được nhà đầu tư quan tâm.
Ngay cả ngành dược, thuộc nhóm “phòng thủ”, hoạt động kinh doanh cốt lõi của nhiều doanh nghiệp rất tốt, nhà đầu tư tổ chức tham gia sâu, nhưng các nhà đầu tư cá nhân không mấy mặn mà, trừ trường hợp có “câu chuyện” như M&A, thoái vốn Nhà nước, cổ đông lớn gia tăng sở hữu, xuất hiện cổ đông lớn mới.
Trong ngành nước, theo phân tích của nhiều công ty chứng khoán, đặc thù ngành nước có tính ổn định cao, do vậy phần lớn doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ổn định, khả năng sinh lời tốt, định giá cổ phiếu ở mức hấp dẫn. Vậy nhưng, dòng tiền rất… thờ ơ, dù định giá cổ phiếu hấp dẫn.
Cụ thể, ở các doanh nghiệp như CTCP Cấp nước Gia Định (GDW), CTCP Cấp nước Chợ Lớn (CLW), CTCP Cấp thoát nước và xây dựng Bảo Lộc (BWA), CTCP Cấp nước Nhơn Trạch (NTW), CTCP Cấp nước Nhà Bè (NBW), CTCP Cấp nước Bến Thành (BTW)… giá cổ phiếu từ đầu năm đến nay ít biến động, thanh khoản rất thấp.
Chỉ số P/E trailing (P/E 4 quý gần nhất) hiện cao hơn so với những năm trước, nhưng phần lớn thấp hơn nhiều mức bình quân của thị trường (GDW là 9,8 lần, NTW là 11 lần…).
Trong khi đó, các doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền từ 10 - 30%/năm và được nhận định là có dư địa phát triển ổn định. Về hiệu quả kinh doanh, ngoại trừ CLW có tỷ suất lợi nhuận gộp ở mức 6,8% trong 9 tháng đầu năm 2017, đa số doanh nghiệp còn lại đạt từ 26 - 40%.
Trong lĩnh vực cảng biển, logistics, cổ phiếu HAH của CTCP Vận tải xếp dỡ Hải An đang giao dịch quanh mức 21.000 đồng/cổ phiếu, P/E trailing chưa đến 5 lần, giá trị sổ sách 19.480 đồng/cổ phiếu. Xét về hiệu quả kinh doanh, từ năm 2013 - 2015, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) tăng từ gần 26% lên hơn 32%, năm 2016 là 23,29%; lợi nhuận trên tài sản (ROA) dao động quanh 18%, năm 2016 là 13,84%.
Nguyên nhân ROE và ROA năm 2016 giảm là do bị ảnh hưởng bởi việc thi công Cầu Bạch Đằng, khiến lượng tàu lưu thông qua khu vực này giảm, trong đó có Cảng Hải An. Do vậy, trong năm 2016, Công ty phải chuyển dần công năng sang bốc xếp hàng hóa nội địa, nhưng doanh thu từ bốc xếp hàng nội địa thấp hơn hàng xuất nhập khẩu, khiến doanh thu khai thác cảng giảm hơn 30%. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến giá cổ phiếu sụt giảm trong năm 2016.
Tuy nhiên, năm 2017, ảnh hưởng từ việc thi công cầu Bạch Đằng không còn và sản lượng hàng hóa cũng đã phục hồi. Ngoài ra, HAH được một số công ty chứng khoán đánh giá có triển vọng lớn hơn từ năm 2018, khi 2 tàu mới của Công ty hoạt động hết công suất, ước tính sản lượng có thể tăng đến 50% so với năm 2017. Tuy vậy, trong 1 năm qua, giá cổ phiếu HAH giảm khoảng 14%.
Trong nhóm cổ phiếu chứng khoán, năm 2017 có không ít sóng tăng, nhất là ở các kỳ công bố báo cáo tài chính quý. Thanh khoản thị trường tăng cao, nguồn lực tài chính của khối doanh nghiệp này được củng cố. Tuy vậy, diễn biến tăng giá không đến với tất cả các cổ phiếu. Chẳng hạn, cổ phiếu FTS của CTCP Chứng khoán FPT từ giữa năm đến nay dao động quanh mức 11.500 đồng/cổ phiếu, P/E trailing chưa đến 10 lần, thấp hơn nhiều mã khác ngành chứng khoán.
Trong ngành vật liệu xây dựng, ngoài mã KSB của CTCP Khoáng sản Bình Dương được xem là đầu ngành, đang giao dịch với P/E 8,7 lần, các cổ phiếu khác có P/E thấp hơn như DHA 7,8 lần, NNC 6 lần, C32 5,6 lần, trong khi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này ổn định, cổ tức 25 - 30%/năm. Đặc biệt, với nhu cầu đá xây dựng ngày tăng cao, trong khi nguồn cung dần khan hiếm, là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp gia tăng doanh thu, lợi nhuận.
Thực tế, có nhiều lý do để cổ phiếu chưa thu hút nhà đầu tư và P/E chỉ là chỉ số định giá tham khảo. Để cổ phiếu hấp dẫn dòng tiền còn phụ thuộc nhiều yếu tố, như tính thanh khoản, cơ cấu cổ đông không được quá cô đặc và đặc biệt, doanh nghiệp phải có hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) tốt để cập nhật tình hình hoạt động, giúp nhà đầu tư hiểu rõ tiềm năng, thế mạnh của doanh nghiệp.
Khi đó, nhà đầu tư mới có cơ sở để quyết định đầu tư. Hiện nay, trên thị trường có hơn 700 mã cổ phiếu niêm yết nhưng số lượng doanh nghiệp thực thi tốt việc công bố thông tin đến nhà đầu tư chỉ mới khoảng 20%.