Doanh nghiệp
Nghịch lý ươm mầm start-up
Ngô Sơn - 13/09/2023 16:55
Giai đoạn ươm mầm dự án trước khi lập start-up có vai trò rất quan trọng, song chính sách của Nhà nước và đầu tư tư nhân đều chưa “chạm” tới. Thực tế này diễn ra ở cả TP.HCM - nơi có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất cả nước.

Nhà nước “bỏ qua”, tư nhân… không ngó

Cùng với Hà Nội, TP.HCM nằm trong top 200 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu. Năm 2022, Thành phố đứng ở vị trí 111, tăng 68 bậc so với năm 2021.

Hệ thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.HCM còn được đánh giá là năng động nhất cả nước với gần 2.000 start-up (chiếm gần 50% tổng số start-up của cả nước), trong đó 65% hoạt động ở lĩnh vực công nghệ thông tin; hơn 43 cơ sở ươm tạo, tăng tốc; gần 200 quỹ đầu tư mạo hiểm và gần 100 trường đại học, cao đẳng có hoạt động đổi mới sáng tạo… Mỗi năm, TP.HCM có hơn 50 cuộc thi về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, thu hút hơn 2.000 dự án đăng ký tham gia và lựa chọn được hơn 300 dự án để ươm tạo.

Theo UBND TP.HCM, giai đoạn 2017 - 2021, lượng vốn đầu tư mạo hiểm vào các start-up Việt Nam liên tiếp tăng trưởng cao, đạt xấp xỉ hơn 2 tỷ USD, trong đó, hơn 60% thuộc về start-up của TP.HCM. Dù vậy, UBND TP.HCM nhìn nhận, vẫn còn nhiều nghịch lý trong đầu tư phát triển start-up, xét về cả chính sách của Nhà nước và đầu tư tư nhân.

UBND TP.HCM đề xuất HĐND Thành phố chấp thuận hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách với mức không quá 40 triệu đồng/dự án và thời gian hỗ trợ không quá 6 tháng/dự án

đối với dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo ở giai đoạn tiền ươm tạo; không quá 80 triệu đồng/dự án và thời gian hỗ trợ không quá 12 tháng/dự án ở giai đoạn ươm tạo; không quá 400 triệu đồng/dự án và thời gian hỗ trợ không quá 12 tháng/dự án ở giai đoạn tăng tốc.

Đối tượng được đề xuất hỗ trợ là cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp có dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo thuộc các lĩnh vực ưu tiên của TP.HCM; tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố. 

Quá trình phát triển của start-up trải qua rất nhiều giai đoạn, từ hình thành ý tưởng, đến nghiên cứu và phát triển - tiền ươm tạo - ươm tạo - tăng tốc - phát triển và tăng trưởng, sau đó là nhân rộng mô hình.

Trong đó, giai đoạn nghiên cứu và phát triển - tiền ươm tạo - ươm tạo vô cùng quan trọng để tạo ra nguồn dự án sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo và là đầu vào cho các chương trình của tổ chức hỗ trợ tư nhân, nhóm đối tượng tiềm năng để phát triển thành start-up.

Tuy nhiên, hiện nay, đối tượng được Nhà nước hỗ trợ chủ yếu là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo/doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khởi nghiệp sáng tạo, còn các cá nhân và nhóm cá nhân có dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo tại các cơ sở ươm tạo hoặc các trường đại học, đang trong giai đoạn ươm tạo và chưa thành lập doanh nghiệp thì không được xem xét hưởng ưu đãi.

Trong khi đó, do e ngại rủi ro lớn, nên nguồn vốn tư nhân hầu như không rót vào giai đoạn quan trọng này, mà chủ yếu đầu tư cho giai đoạn start-up. 

Đó là chưa nói, để được hỗ trợ, thì các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo phải đáp ứng một trong số các điều kiện theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ. Nhưng trong thực tiễn, số lượng doanh nghiệp đạt các yêu cầu này rất ít, còn các doanh nghiệp đã có quỹ đầu tư tham gia thì thường không cần sự hỗ trợ của Nhà nước.

Đối với start-up khoa học và công nghệ, chính sách hiện nay cũng tập trung chủ yếu cho giai đoạn hoạt động nghiên cứu, phát triển, các giai đoạn còn lại chưa được quy định cụ thể và đầy đủ so với thực tiễn phát triển.

Cần cơ chế đặc thù

Tại Tờ trình vừa gửi HĐND, UBND TP.HCM cho rằng, trên thực tế, để có được 1 start-up, chưa nói đến việc có sản phẩm tốt, thì phải ươm tạo gấp 10 lần con số này; còn để có được 1 start-up đủ điều kiện tiếp cận nhà đầu tư, thì các tổ chức ươm tạo và tăng tốc tư nhân phải tiếp tục hỗ trợ cho 10 - 15 start-up trong 4 - 6 tháng.

Kinh nghiệm của Israel, Singapore,  New Zealand... đã chứng minh rằng, ở giai đoạn dự án khởi nghiệp sáng tạo hay dự án đổi mới sáng tạo của DNNVV cần hoàn thiện sản phẩm và mô hình kinh doanh, thì Nhà nước cung cấp nguồn lực quan trọng, đóng vai trò hỗ trợ chính cho các dự án.

Nói cách khác, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cần sự phát triển bền vững và lâu dài dựa trên việc tập trung phát triển các hoạt động nghiên cứu và thương mại hóa từ các trường đại học (85% dự án khởi nghiệp sáng tạo thuộc khu vực này), nơi mà nguồn lực về đổi mới sáng tạo là vô hạn và rất tiềm năng.

Hướng phát triển này đã được kiểm chứng từ các mô hình thành công trên thế giới tại Trung Quốc, Ân độ, Mỹ, Israel, Đức...

Vì vậy, TP.HCM cho rằng, cần dùng ngân sách hỗ trợ không hoàn lại để ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, mới có thể thúc đẩy việc hình thành và phát triển, nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố và cả nước lên ngang tầm và có khả năng cạnh tranh với hệ sinh thái của các nước trong khu vực và quốc tế.

Điều này cũng phù hợp với Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Tin liên quan
Tin khác