Thời sự
Nghiên cứu kỹ lưỡng việc chuyển sát hạch, cấp giấp phép lái xe sang Bộ Công an
Nguyễn Lê - 22/09/2020 17:27
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung đánh giá tác động việc chuyển nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe từ Bộ Giao thông - Vận tải sang Bộ Công an.
Buổi họp cho ý kiến về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Tổng thư ký Quốc hội vừa có văn bản thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 48, tháng 9/2020.

Thông báo nêu rõ, trước mắt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí bổ sung Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 cùng với thời điểm trình Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Tuy nhiên, việc tách nội dung giao thông đường bộ thành 2 luật riêng biệt cần cân nhắc kỹ và xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 10.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát các nội dung trong hồ sơ dự án luật để bảo đảm tính thuyết phục cao hơn, bổ sung đánh giá tác động của việc tách thành hai luật và việc chuyển nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe từ Bộ Giao thông - Vận tải sang Bộ Công an.

Liên quan đến vấn đề này, trình dự án luật tại phiên họp thứ 48 vừa qua, Chính phủ tách riêng xin ý kiến quy định về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (phương án 1) hay vẫn để ở Luật Giao thông đường bộ (phương án 2) và cho biết đa số thành viên Chính phủ chọn phương án 1.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh, cơ quan thẩm tra dự án luật cũng nhất trí với phương án 1 mà Chính phủ đã thống nhất, vì nội dung này thuộc thẩm quyền phân công của Chính phủ.

Tuy nhiên, còn có ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn, cho rằng Chính phủ cần làm rõ thêm vấn đề này và Quốc hội sẽ quyết định.

"Về trách nhiệm quản lý về đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe thuộc thẩm quyền phân công của Chính phủ, tuy nhiên, cần có sự nghiên kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, thuận lợi cho người dân và cải cách thủ tục hành chính", Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ Dự thảo Luật để phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; phân định rõ ràng về phạm vi điều chỉnh và các nội dung quy định trong Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ với Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), không để chồng chéo, trùng lặp; cân nhắc các quy định về điểm của giấy phép lái xe, đấu giá biển số xe để bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Đối với những vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau liên quan đến nội dung của cả hai dự thảo Luật, cần có phương án lấy ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.

Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan, chỉnh lý và hoàn thiện hồ sơ dự án Luật. Đồng thời, tiếp tục rà soát kỹ lưỡng kỹ thuật văn bản của Dự thảo Luật, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội thẩm tra chính thức để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Tin liên quan
Tin khác