Nhiều dấu tích lịch sử quan trọng đa phát lộ khi khai quật Hoàng thành Thăng Long (nguồn ảnh: Internet) |
Văn phòng UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản số 9034/VP-VX nêu ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn về chủ trương thực hiện kế hoạch tiếp tục mở rộng nghiên cứu khai quật khảo cổ học tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long năm 2016.
Theo báo cáo của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, năm 2015, Trung tâm đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật khảo cổ học 980m2, các phát hiện bước đầu đã cung cấp những thông tin quý báu, có giá trị rất cao về các dấu tích kiến trúc ở khu vực này.
Tuy nhiên, do các hố khai quật thăm dò, thám sát ở đây còn nhỏ, cho nên chưa xác định được rõ quy mô tính chất và loại hình thời đại, niên đại của các kiến trúc. Do đó, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch tiếp tục mở rộng nghiên cứu khai quật khảo cổ học tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long năm 2016.
Phó chủ tịch Lê Hồng Sơn giao Sở Văn hóa và Thể thao xem xét nội dung kế hoạch của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, nêu đề xuất giải quyết để UBND Thành phố quyết định.
Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Đông Kinh và tỉnh thành Hà Nội, bắt đầu từ thời kỳ tiền Thăng Long (An Nam đô hộ phủ thế kỷ VII) qua thời Đinh - Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.
Năm 2010, Ủy ban Di sản thế giới đã thông qua nghị quyết công nhận khu Trung tâm hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là di sản văn hóa thế giới. Những giá trị toàn cầu của khu di sản này được ghi nhận bởi 3 đặc điểm nổi bật: chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ; tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, và các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú.