Y tế - Sức khỏe
Ngộ độc thực phẩm mùa hè: Nỗi lo kéo dài
D.Ngân - 01/04/2024 16:32
Vụ việc ngộ độc thực phẩm của quán cơm gà Trâm Anh ở Nha Trang còn chưa lắng xuống thì nay lại có thông tin về vụ việc ngộ độc tại một quán gà khác ở trên địa bàn khiến người dân lo lắng.

Nỗi lo kéo dài

Chiều 1/4, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh này đã ghi nhận 10 ca bệnh là học sinh đang nhập viện điều trị với các triệu chứng nghi ngộ độc như đau bụng, nôn ói sau khi ăn cơm gà bán xung quanh trường. 

Ngộ độc thực phẩm là nỗi lo của nhiều người mỗi khi hè tới.

Trước đó, ngày 29/3, sau khi ăn cơm gà bán gần trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP.Nha Trang), các học sinh có triệu chứng ngộ độc và nhập viện.

Theo thông tin ban đầu, ăn cơm gà của người bán dạo gần trường, mỗi phần có giá dao động từ 10.000 - 20.000 đồng. Sau khi vụ việc xảy ra, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành điều tra vụ việc và thực hiện lấy mẫu thực phẩm gửi đi xét nghiệm.

Trước đó, vào giữa tháng 3/2024, tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận 369 trường hợp phải đến các bệnh viện để khám, điều trị sau khi ăn cơm gà Trâm Anh (đường Bà Triệu, TP.Nha Trang).

Kết quả kiểm nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang nhận định đây là vụ ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật (vi khuẩn Salmonella spp, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus).

Năm 2022, cũng xảy ra vụ ngộ độc tập thể sau khi ăn cơm gà khiến 600 học sinh và giáo viên ở Trường Ischool Nha Trang ngộ độc thực phẩm, trong đó một bé tử vong.

Nói về các vụ việc ngộ độc thực phẩm mỗi khi hè tới, bác sĩ Huỳnh Hoài Phương, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho hay, nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, nấm mốc và nhiều tác nhân gây hại khác sinh sôi và phát triển nhanh chóng.

Các trường hợp tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thường do vi khuẩn Salmonella, Botulinum, E. Coli, Campylobacter, Listeria... gây ra.

Cụ thể, vi khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột, tiêu chảy; vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn; vi khuẩn Shigella gây đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc đường ruột; vi khuẩn Staphylococcus aureus gây mủ ở vết thương; vi khuẩn Clostridium gây tiêu chảy; vi khuẩn Vibrio cholerae gây bệnh tả…

Bên cạnh đó, thời gian gần đây, ngộ độc thực phẩm do loại trực khuẩn Clostridium botulinum gây ra là đáng sợ hơn cả. Đây là loại vi khuẩn kỵ khí (phát triển không cần có ô-xy), tồn tại ở thực phẩm đóng hộp không được bảo quản đúng tiêu chuẩn. 

Clostridium botulinum có ngoại độc tố cực mạnh, đặc biệt ảnh hưởng rất xấu đến hệ thần kinh, có thể gây tử vong.

Trời nóng còn làm cho thức ăn nhanh hỏng, dễ bị ôi thiu nếu không được bảo quản đúng cách. Ở khoảng 32-43 độ C, vi khuẩn phát triển nhanh nhất, có thể nhân đôi chỉ sau 20 phút.

Ngoài ra, khi hè tới, thức ăn đường phố cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc cao. Có thể dễ dàng bắt gặp trên phố các quầy bán thức ăn nhanh với đủ loại xúc xích, thịt nướng, thịt viên chiên, nem chua rán…; các loại nước uống đóng chai hoặc tự chế biến như nước ép, sữa hạt… 

Các loại thực phẩm, nước giải khát này thường có giá rất rẻ, nhưng quy trình chế biến của chúng có được đảm bảo, nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng có rõ ràng hay không, thì người ít quan tâm.

Không sử dụng thực phẩm tái, sống

Theo bác sĩ Hoài Phương, nguy cơ bị ôi thiu hoặc vi khuẩn gây bệnh xâm nhập rất cao ở các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật, có nhiều dầu, đạm như thịt, cá, hải sản, sữa.

Ngộ độc cũng thường xảy ra khi ăn thực phẩm chưa được nấu chín hoặc còn tái như rau quả sống, sushi, nem chua. Bác sĩ cũng khuyên mọi người lưu ý khi dùng thực phẩm bảo quản trong hộp, chai, lọ đóng kín như dưa cải muối chua; thịt, cá đóng hộp vì có nguy cơ xảy ra ngộ độc do vi khuẩn kỵ khí Clostridium botulinum.

Để giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi hè tới, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai lưu ý, người dân cần ăn chín (thức ăn không ôi, thiu, không để quá 2 giờ sau chế biến) và uống nước đã được đun sôi.

Tuyệt đối không ăn thức ăn chưa nấu chín như tiết canh, nem chua, gỏi, thực phẩm đóng hộp quá hạn hoặc có hiện tượng phồng (có vi khuẩn sinh hơi, có thể là Clostridium botulinum). Các loại quả tươi phải được ngâm vào nước sạch và rửa thật sạch trước khi ăn.

Người dân không nên ăn rau sống, kể cả các loại rau ăn kèm trong nhân bánh mì, phở, bún chả, thịt nướng. Không nên ăn hoặc uống các loại thực phẩm nghi ngờ không đảm bảo vệ sinh như nước đá cây, nước mía bán vỉa hè, kem bán dạo.

Các loại thực phẩm cần phải nấu chín. Thực phẩm chưa dùng đến hoặc thực phẩm thừa trong các bữa ăn nếu muốn giữ lại, thì chỉ để ở nhiệt độ phòng không quá 2 giờ, sau đó cần bảo quản trong tủ lạnh. Những loại thực phẩm hoặc thức ăn chín khi nghi ngờ không đảm bảo chất lượng và vệ sinh thì tuyệt đối không mua.

Cục An toàn thực phẩm cảnh báo, trong mùa hè nắng nóng, việc gia tăng sử dụng nước đá, nguyên liệu tươi sống, nấu thức ăn không chín kỹ, nấu xong không ăn ngay, hoặc không đun lại sau khi bảo quản thức ăn quá 2 giờ... dễ dẫn tới nguy cơ ngộ độc thực phẩm hay mắc bệnh truyền qua thực phẩm do phát sinh vi khuẩn gây hại.

Cơ quan này khuyến cáo người dân không nên ăn tiết canh lợn, gà, vịt... vì chứa rất nhiều vi khuẩn, ký sinh trùng như liên cầu lợn, giun sán. Những món ăn này không có tác dụng bổ máu, giải nhiệt trong mùa nóng như nhiều người lầm tưởng.

Tin liên quan
Tin khác