Ngân hàng - Bảo hiểm
Ngỡ ngàng vì mất sạch tiền khi thẻ ATM vẫn nằm trong ví
Vân Linh - 11/12/2015 09:13
Không chỉ phải gánh nhiều loại phí, sử dụng dịch vụ thẻ ATM, khách hàng còn đối mặt với rủi ro cao khi thanh toán.

Hiện các ngân hàng đều có biện pháp nghiệp vụ để giám sát và phát hiện kịp thời các giao dịch gian lận, hỗ trợ chủ thẻ hạn chế rủi ro trong quá trình sử dụng thẻ, nhưng điều đó không có nghĩa là thông tin được  bảo mật.

Thực tế, không ít trường hợp thẻ được cất giữ trong người hoặc trong nhà mà vẫn bị kẻ gian rút sạch tiền. Vụ việc xảy ra mới nhất được báo chí phản ánh là ngày 2/12, anh Nguyễn Tấn Thạnh, chủ thẻ ATM của Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) khiếu nại việc bị rút trộm 20 triệu đồng vào ngày 29/10, trong khi anh vẫn giữ thẻ trong ví. Tương tự, ông Cù Đình Thắng (quận 4, TP.HCM), chủ thẻ Vietcombank cũng bị rút mất 14 triệu đồng tối 26/11 khi thẻ vẫn giữ trong người…

Không chỉ phải gánh nhiều loại phí, sử dụng dịch vụ thẻ ATM, khách hàng còn đối mặt với rủi ro cao khi thanh to

Đáng lưu ý hơn, khách hàng thanh toán trực tuyến bằng thẻ tín dụng đang đối mặt với rủi ro rất lớn. Nhiều trường hợp khách hàng bị mất tiền trong thẻ tín dụng do bị kẻ gian đánh cắp thông tin trên thẻ, bởi việc thanh toán bằng thẻ trả trước và thẻ tín dụng hiện nay tại các điểm mua hàng, trung tâm thương mại đều không cần có mật khẩu.

Khuyến cáo trước thực trạng trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, có tình trạng trên chủ yếu là do các tội phạm thẻ lắp thiết bị lấy cắp thông tin thẻ tại trụ ATM.  Tuy nhiên, TS Hiếu cũng không thể loại trừ việc ngân hàng quản lý công nghệ thông tin kém, bảo mật của ngân hàng có lỗ hổng, tạo điều kiện cho kẻ gian có thể thâm nhập và lấy trộm thông tin, lấy tiền của khách hàng.

Theo các chuyên gia tài chính - tiền tệ, mặc dù đã có đầu tư về công nghệ, nhưng không có hệ thống bảo mật nào đảm bảo an toàn 100%. Vì thế, để hạn chế rủi ro và tránh mất tiền oan khi rút tiền mặt tại các buồng ATM, khách hàng nên quan sát kỹ có vật lạ hoặc camera đang quay lén hay không. Còn trong quá trình giao dịch bằng thẻ, chủ thẻ nên chú ý khi đưa thẻ cho nhân viên thu ngân xem liệu thẻ có được quẹt qua một thiết bị điện tử nào khác bất thường không, hoặc tại máy chấp nhận thẻ có gắn thêm một loại thiết bị lạ nào không.

Một điểm đáng chú ý nữa là, khách hàng không nên tiết lộ mã số xác thực (CVV – 3 số cuối của thẻ) cho bất kỳ ai để tránh rủi ro thông tin thẻ bị lợi dụng để thực hiện giao dịch qua mạng. Mặt khác, để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng thẻ, chủ thẻ nên đăng ký sử dụng dịch vụ biến động số dư qua SMS để thuận tiện theo dõi các giao dịch thực hiện từ số thẻ của mình.

Trong khi đó, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết, thời gian gần đây, một số công ty tiếp thị, quảng cáo sản phẩm dịch vụ không đúng sự thật, gây nhầm lẫn cho khách hàng, đồng thời yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin thẻ tín dụng để thực hiện các giao dịch thanh toán mà chưa có sự đồng ý của khách hàng.

Vì vậy, Eximbank khuyến nghị khách hàng cảnh giác và tuyệt đối không cung cấp các thông tin thẻ cho người khác (kể cả nhân viên ngân hàng) bao gồm: số thẻ, hiệu lực thẻ, mã số bảo vệ in trên mặt sau thẻ, mật khẩu giao dịch ngân hàng trực tuyến, mã PIN. Đồng thời, khách hàng nên tìm hiểu kỹ các điều khoản sử dụng, điều kiện tham gia dịch vụ trước khi đồng ý thanh toán thẻ.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), giải pháp bảo mật trong giao dịch của ngành ngân hàng là một nhóm giải pháp tích hợp: ngoài việc sử dụng giao thức mã hóa SSL, ngân hàng còn sử dụng hạ tầng khóa công khai (PKI), thiết bị khóa theo từng lần giao dịch (OTP)… Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho các giao dịch trên Internet, NHNN đề nghị khách hàng thực hiện giao dịch đúng quy định của ngân hàng về việc quản lý, thay đổi mã khóa giao dịch khi có nghi ngờ về việc bị đánh cắp thông tin và sử dụng các dịch vụ kiểm soát giao dịch, số dư tài khoản để giám sát tài khoản của mình, phản hồi ngay cho ngân hàng đối với các thông báo về các giao dịch không phải do mình thực hiện.

Tin liên quan
Tin khác