Chuyện làng, chuyện phố
Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó…
Bùi Trang - 14/02/2016 09:12
Ở nhà mặt đất, ta có thể tùy tiện sống theo cách mình thích nhưng căn hộ chung cư thì khác, tầng trên trẻ con chạy rầm rập thì tầng dưới như gặp động đất, giữa trưa hè mà anh khoan nhà lắp điều hòa thì tầng dưới khỏi ngủ.

Thế nhưng, nhiều thói quen nhà mặt đất vẫn được cư dân mang lên không ít chung cư và thế là khẩu chiến tất yếu xảy ra…

1.

Ngày xưa, nhà tôi nằm trong một ngõ nhỏ. Con ngõ xộc xệch, nhà thì nhô ra cái cầu dắt xe, nhà lại cố lấn thêm hàng gạch, nhà xây sau chả lấn được hàng gạch thì… “cho em ké vài viên gạch kê cái bếp cạnh tường nhà bác”. Có nhà lấy xi măng gắn một hàng chậu cảnh, trồng lăng nhăng mấy cây bỏng gì đó đề phòng nhà bên lấn chiếm. Rồi thì làm cái tum, đua cái mái…

Mỗi lần có nhà nào xây sửa gì đó, y như rằng cả xóm lại lên cơn, ông ở bên, bà đối diện đi ra đi vào, ngắm nghía xem nhà “nó” làm gì, có ảnh hưởng tới nhà mình, tới ngõ đi chung không. Sau đó, thì ơi ới góp ý, nhà bác làm vậy là không được, tắc cống là bác phải đi thông nhá, chỗ kia chìa sang nhà em rồi, bác không cắt là em phi cái đơn ra phường đấy. Và thế nào cũng có màn bà H., người đanh đá nhất xóm chửi bới um sùm, sáng chửi, chiều chửi cho tới khi chủ nhà phải muối mặt sang “nhờ” bà một câu, bà mới chịu thôi.

Rồi thì chiều chiều, chỉ cần một bà mang chiếc rổ ra hè nhặt rau muống, tước ngọn bí, ấy thế là có vài bà xúm lại vừa nhặt rau vừa buôn chuyện. Muốn biết nhà ai có chuyện gì, cứ tham gia hội nhặt rau là biết cả. Lắm hôm, hội nhặt rau ấy sau khi nói xấu người vắng mặt chán chê, quay ra nói xấu lẫn nhau và chốt hạ bằng màn chửi bới nhau mà đầu ngõ cuối ngõ đều rõ ràng, rành mạch. 

Nhưng ngõ nhỏ cũng có ấm lòng riêng của ngõ nhỏ. Nhà ai nấu bát canh ngon, thế nào cũng múc một bát mang sang mời nhà bên cạnh. Hoặc hẹn nhau làm một bữa liên hoan nhân dịp lễ lạt nào đó. Nhà có đám thì ngõ nhỏ chật chội, vướng víu, mọi người đều vui lòng chịu đựng sự bất tiện ấy, “nhà người ta có việc mà”.

2.
Sau này, tôi ra riêng, không còn ở trong ngõ. Hàng xóm ai biết nhà nấy, sớm đi tối về, dắt xe vào nhà là cửa đóng then cài, cả năm chả thấy mặt chủ nhà bên. Kể ra cũng đỡ phải cãi nhau hoặc nghe cãi nhau. Nhưng chả mời ai cũng chả ai mời mình bát canh ngon. Bớt đi vài thứ và thêm vài thứ, trong đó có… bụi. Trời ơi, bụi cứ như loài xâm thực lan tràn khắp nhà, hôm nay lau dọn tinh tươm, hai ngày sau đã thấy một lớp bụi mới rồi. Nhìn mà ngao ngán.

Bởi vậy, tôi vẫn thường ước ao có ngày được chuyển đến một căn hộ chung cư, nhà một tầng, dọn dẹp cho tiện. Như chị đồng nghiệp của tôi, mới dọn về khu chung cư, căn hộ 3 phòng ngủ, phòng bếp, nhà kho, ban công phơi đồ… Sạch, đẹp và tiện. Nhìn phát thèm.

Nhưng ý tưởng lên chung cư vẫn còn dập dòm chưa thành hiện thực vì có chút e ngại. Sợ rằng ngày hôm nay ta chuyển vào một khu chung cư vừa bàn giao, mới mẻ, đẹp đẽ, nhưng ít lâu sau rất có thể ta sẽ phải hít thở bầu không khí than tổ ong như cái ngõ nhỏ năm nào.

Có không ít phóng sự ảnh đã để lại bằng chứng về cuộc sống nhếch nhác ở khu chung cư - nơi cứ tưởng như là điển hình thu nhỏ của đô thị văn minh. Đó là những hành lang đá hoa xám xịt, keo bẩn, nứt vỡ, đây đó là những bếp than tổ ong đỏ lửa, thi thoảng lại có đống đồ “đồng nát” quạt hỏng, thùng xốp, móc áo và hàng chục thứ đồ cũ nhà nào đó để tạm. Thang bộ trở thành nơi treo túi rác lủng lẳng và khối anh lãnh đủ thứ nước “lạ” rỉ ra, rơi vào người. Có nhà còn thoải mái chuyến bếp ra hành lang để tiết kiệm diện tích.

3. Tôi tin là không phải chung cư nào cũng có chuyện như vậy. Và không phải nhà nào ở chung cư cũng đun bếp than tổ ong, cũng có đồ đồng nát gửi ngoài hành lang hay vứt rác bừa bãi. Khu chung cư vài trăm hộ, hàng nghìn người, chắc chỉ độ chục nhà bày ra bếp tổ ong. Nhưng mỗi tầng chỉ cần một hộ hoan hoan hỉ hỉ ngày ngày đốt bếp than tổ ong là đủ khiến nhà kế bên điên đầu.

Vấn đề là chả có cách nào để loại bỏ cái bếp than tổ ong hay đống đồ đồng nát nếu chủ nhà không tự nguyện. Luật không có điều nào quy định nhà chung cư thì không được đun bếp than tổ ong. Ban quản trị nhà chung cư không quyền cấm hay xử phạt. Tòa nhà có nội quy và nội quy được Ban quản trị đưa ra Hội nghị nhà chung cư để thông qua với hàng loạt các hành vi nghiêm cấm.

Thậm chí, có nhà chung cư còn đưa vào quy định nếu gây hư hại thì phải đền. Nhưng nhà nào cố tình vi phạm thì cũng chẳng làm gì được, chỉ có thể nhắc nhở, vận động. Nhà bên điên quá sang gõ cửa làm ầm lên rồi cũng thôi. Thiên hạ đành tặc lưỡi “kệ đứa hủi”.

4. Vì sao người ta có tiền tỷ rời ngõ nhỏ, lên chung cư lại vẫn phải mang theo bếp than tổ ong hay nói khác đi, vẫn mang theo thói quen đặc trưng làng xã, ngõ xóm? Có người suy đoán rằng, chuyện thiếu văn minh như thế chỉ tồn tại ở những khu chung cư giá rẻ, những khu tái định cư, nơi mà cư dân có mức sống vừa phải nên họ mới phải tính chuyện “cơi nới” như vậy. Ai chả biết bếp than tổ ong độc hại, nếu có điều kiện người ta đun bếp gas chứ đun than tổ ong làm chi cho tổn thọ.

Nhưng một đồng nghiệp theo dõi thị trường bất động sản chia sẻ với tôi rằng nguyên nhân chả phải thiếu tiền. Tính ra chi phí đun than tổ ong chưa hẳn đã rẻ hơn đun gas. Thứ đồ đồng nát để ngoài hành lang không hẳn đã là đồ dùng quan trọng mà chẳng qua là thói quen tích đồ cũ. Lắm nhà ở khu chung cư đắt tiền, vào nhà toàn được giới thiệu gỗ này gỗ nọ cả trăm triệu, nhưng căn hộ thì lộn xộn, bừa bãi. Thế nên cảnh nhếch nhác ấy chẳng phải vì nghèo.

Như chuyện nhà chị bạn tôi. Căn hộ của chị nằm trong khu chung cư cấp cao, nói chung là chả có gì phải phàn nàn, bếp than tổ ong không, đồ đồng nát không, túi rác ở lan can không. Chỉ mỗi một thứ, ấy là túi rác ở… cửa khu vực đổ rác. Tóm lại là người ta mang túi rác ra, mở cửa vào khu vực đổ rác sau đó đặt ở đó mà không vứt vào trong ống rác. Túi rác chặn ở cửa khiến cánh cửa không đóng kín được và mùi rác hôi thối bốc lên nồng nặc.

Vì sao người ta đã mất công xách túi rác ra đó mà không làm rốn cái việc vứt vào ống rác? Hóa ra là vì sợ… bẩn tay. Cửa ống rác qua thời gian đầy vết bẩn lưu cữu không được vệ sinh sạch sẽ. Để khỏi bẩn tay, khối nhà thản nhiên để túi rác ở cửa. Chỉ khổ nhà nào nào ở gần khu vực ống rác lãnh đủ.

Chung quy là vấn đề ý thức của chủ hộ chứ chả phải chuyện giàu nghèo, có tiền hay không có tiền. Dù sống trong ngõ nhỏ, chung cư rẻ tiền hay chung cư cao cấp, căn hộ có ngăn nắp, gọn gàng hay không, không gian chung cư có văn minh sạch sẽ hay không phụ thuộc rất nhiều vào ý thức cư dân.

Tin liên quan
Tin khác