Du lịch
Ngôi sao Michelin nâng tầm vị thế ẩm thực, du lịch Việt
Hồ Hạ - 10/06/2023 12:16
Với 4 nhà hàng 1 sao Michelin công bố hôm 6/6, Việt Nam đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong việc nâng tầm nền ẩm thực cũng như vị thế ngành kinh tế xanh trên trường quốc tế.
Các cơ sở ăn uống nhận giải thưởng Bib Gourmand của Michelin

Ngôi sao chờ đợi

Năm 2016, Michelin Guide lần đầu xuất hiện ở Đông Nam Á. Năm 2017, họ tạo một cú sốc nho nhỏ với nền ẩm thực thế giới khi công bố một nhà hàng đường phố Singapore đạt 1 sao Michelin. Năm 2018, Thái Lan có tên trong bản đồ sao Michelin. Năm 2022 là Malaysia và năm nay là Việt Nam, dưới sự nỗ lực của đối tác Sun Group.

Trang exoticvoyages đánh giá, việc Việt Nam ra mắt Michelin Guide là một sự thay đổi lớn trong đánh giá ẩm thực Đông Nam Á. Đất nước nổi tiếng với những món ăn bánh mì, phở, bún chả, có cơ hội để chứng tỏ mình ở lĩnh vực ẩm thực mang tính đẳng cấp hơn.

Chủ nhân nhà hàng 1 sao Michelin đầu tiên được công bố là Anăn Saigon. Ông Peter Cường Franklin, bếp trưởng của nhà hàng này chia sẻ, để đạt được ngôi sao này không hề dễ dàng: “Trong 6 tháng đầu khi mới mở nhà hàng, chúng tôi vô cùng khó khăn khi không thể tìm được khách hàng, bởi đây là một trải nghiệm ẩm thực khá mới mẻ và cần nhiều thời gian để khách hàng cảm nhận và yêu thích. Chúng tôi đã làm việc rất nỗ lực để đạt được thành quả như ngày hôm nay. Hành trình 6 năm đã mang lại kết quả ngọt ngào”.

Tương tự, cô gái nhỏ nhắn Sam Trần của nhà hàng Gia đã gần như phát khóc khi thấy tên mình được công bố. Sam Trần nhận 2 danh hiệu Michelin, ngoài 1 sao cho nhà hàng, cô còn nhận giải Đầu bếp trẻ tài năng của Michelin Guide.

Nói về công việc sau khi gắn sao, Sam Trần thừa nhận, đó là một áp lực: “Tôi có đọc một câu: Khi bạn đang đứng trên đỉnh một ngọn núi tức là bạn đang đứng ở chân ngọn núi khác. Nghĩa là, chúng tôi sẽ còn phải cố gắng nhiều nữa để đạt được thành công hơn trong tương lai”.

Bản thân món ăn Việt Nam đã được ghi nhận, nhưng mới chỉ là nhỏ lẻ mà chưa có sự đầu tư một cách bài bản từ trên xuống dưới. Chính phủ đầu tư vào du lịch thì phải xác định đâu là điểm mạnh, đồng thời cần có những sự đồng hành của các đơn vị như Sun Group để giúp du lịch nước nhà.

- Ông Nguyễn Xuân Quỳnh,  Tổng thư ký Hội Đầu bếp Việt Nam

Là Tổng thư ký Hội Đầu bếp Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Quỳnh nhận định, sự kiện này là “một điều cực kỳ vui mừng với nền ẩm thực Việt Nam. Đầu tiên là sự háo hức chờ đợi sự kiện này đã lâu lắm rồi. Là người làm trong nghề kinh doanh và ẩm thực, tôi đã từng có bài phát biểu về sự khát khao ngôi sao Michelin xuất hiện tại Việt Nam cách đây 2 năm và điều này đến nay đã trở thành hiện thực”.

Đồng quan điểm, nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Ánh Tuyết nói rằng, lẽ ra, Việt Nam phải có sao Michelin từ lâu rồi, chỉ là chúng ta thiếu cơ hội và giờ cơ hội ấy mới tới. Thực tế đã chứng minh, có 4 ngôi sao được công bố trong danh sách đầu tiên, cho thấy nền ẩm thực của Việt Nam đã được công nhận ở tầm quốc tế.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch phấn khởi phát biểu: “Việc những nhà hàng Việt Nam được công bố sao Michelin sẽ là bước tiến lớn, quan trọng trong việc tiếp cận đến chất lượng phục vụ thế giới”.

Cũng theo ông Khánh, định hướng phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, thì du lịch văn hóa là một trong 4 dòng sản phẩm chính. Trong thời gian qua, Việt Nam đã được sự công nhận của nhiều tổ chức uy tín thế giới vinh danh và 3 năm liên tiếp là điểm đến văn hóa ẩm thực hàng đầu châu Á. Chúng ta đang hướng đến danh hiệu cao hơn nữa để khẳng định giá trị thương hiệu ẩm thực Việt Nam. Sự kiện Michelin đến Việt Nam thẩm định những nhà hàng là “chất liệu” tuyệt vời để xúc tiến, quảng bá du lịch thời gian tới.

Ngôi sao đổi đời

Sao Michelin đã nâng tầm nhiều nền ẩm thực trên thế giới, góp phần không nhỏ vào việc thu hút du khách trong nước và quốc tế đến những địa phương có các nhà hàng đạt chuẩn, được gắn sao Michelin. Việt Nam cũng vậy. Minh chứng là ngay sau đêm công bố, 4 nhà hàng đạt 1 sao Michelin gồm Anăn Saigon, Gia, Hibana by Koki (khách sạn Capella Hanoi) và Tầm Vị đã lập tức đón lượng khách bùng nổ. Những ngày sau, lượng khách đặt chỗ, dùng bữa tại 4 nhà hàng này tiếp tục tăng lên nhanh chóng.

Thực tế, trước khi được gắn sao Michelin, cả 4 nhà hàng này đều là những điểm đến ăn uống nổi tiếng, được nhiều thực khách yêu thích. Với các nhà hàng Gia hay Hibana by Koki, thực khách phải đặt bàn từ sớm nếu muốn dùng bữa tại đây. Sau lễ công bố sao Michelin, lượng khách đặt bàn trước tại nhà hàng Tầm Vị đã rất đông. “Chúng tôi rất tiếc khi phải từ chối nhiều khách hàng vì không thể phục vụ đủ nhu cầu trong một vài ngày đầu”, chị Mai Anh, đại diện Tầm Vị cho hay.

Đầu bếp Sam Trần, đại diện nhà hàng Gia chia sẻ, từ đêm công bố, điện thoại của cô reo lên không ngừng bởi những lời chúc mừng và yêu cầu đặt bàn. “Mỗi khung giờ ở Gia chỉ phục vụ khoảng 20 - 24 khách để giữ được chất lượng đồ ăn, dịch vụ, đảm bảo trải nghiệm cho khách hàng. Do đó, chúng tôi rất tiếc khi không thể đáp ứng được đủ nhu cầu của thực khách. Chúng tôi gửi lời xin lỗi, mong khách hàng có thể chờ đợi để chúng tôi có thể mang đến trải nghiệm hoàn hảo và tốt đẹp nhất”, đầu bếp Sam Trần bộc bạch.

Bếp trưởng Yamaguchi Hiroshi của Hibana by Koki cũng cho hay, lượng khách đặt bàn tại nhà hàng trưa ngày mùng 7 và mùng 8/6 đã kín chỗ. Nhà hàng có số lượng chỗ ngồi không nhiều nên lượng khách phục vụ có giới hạn.

Có kinh nghiệm khi Anăn Saigon lọt vào danh sách Asia’s 50 Best Restaurants trước đây đã giúp nhà hàng này có thêm nhiều thực khách, bếp trưởng gốc Việt Peter Cường Franklin cho biết: “Từ tối 6/6, chúng tôi đã nhận được khoảng 40 - 50 tin nhắn đặt chỗ tại nhà hàng. Do nhà hàng nằm trong một khu chợ truyền thống, nên Anăn chỉ có khoảng 40 chỗ ngồi và quầy bar nhỏ để phục vụ thực khách. Do đó, nhà hàng đã phải từ chối nhiều thực khách vì không đủ chỗ”.

Bên cạnh khách Việt, nhà hàng cũng nhận được nhiều cuộc gọi đặt chỗ từ khách nước ngoài như Singapore, Malaysia... Sắp tới, nhà hàng có kế hoạch tuyển thêm nhân viên phục vụ, nhân viên bếp để đáp ứng nhu cầu của khách.

Được biết, trong hơn 40 quốc gia có sự hiện diện của Michelin, đa phần là cơ quan nhà nước đứng ra lo việc kết nối và hợp tác. Điều này cũng không ngoại lệ ở 3 quốc gia Đông Nam Á trước đó. Nhưng tại Việt Nam, công việc này lại do một tập đoàn tư nhân thực hiện.

Bà Nguyễn Vũ Quỳnh Anh, Tổng giám đốc Sun Hospitality Group (thương hiệu du lịch nghỉ dưỡng của Tập đoàn Sun Group) cho biết, Sun Group đã phải thuyết phục rất lâu để có được cái gật đầu của Michelin Guide: “Đối với họ, ẩm thực Việt Nam tuy nổi tiếng trên truyền thông quốc tế về các món ăn đường phố, nhưng chưa đáp ứng những tiêu chuẩn để đạt được yêu cầu mà Michelin Guide mong muốn”.

Do đó, khi mang được Michelin về, việc chính thức công bố những ngôi sao Michelin mang lại sự “phấn khích, tự hào và không khỏi xúc động” của Sun Group cũng như các nhà hàng.

Thực tế, thời điểm năm 2022, sau sự ra mắt của Michelin Guide ở Malaysia, giới ẩm thực Đông Nam Á đã xôn xao bàn tán về việc Michelin sẽ dừng chân ở quốc gia nào tiếp theo và cái tên Philippines được nhắc tới nhiều hơn. Nhưng cuối cùng, Việt Nam mới là nước có cơ hội ghi tên.

Nói về khát khao đưa Michelin tới Việt Nam của Sun Group, ông Nguyễn Xuân Quỳnh chia sẻ: “Cũng nhiều bên có ý định mời Michelin, nhưng rõ ràng tốn rất nhiều thời gian mà chưa làm được. Sun Group là đơn vị tiên phong làm điều đó. Tôi rất mong Sun Group sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình để cùng nhau đưa nền ẩm thực Việt lên tầm cao mới. Điều này rất tốt cho quảng bá hình ảnh đất nước”.

Ngôi sao Michelin là ước mơ của nhiều đầu bếp, nhà hàng và được xem là “ngôi sao đổi đời”, giúp họ đạt đến đỉnh cao sự nghiệp. Michelin Guide là một sự khởi đầu, không chỉ với ẩm thực, mà còn là vị thế ngành du lịch. Việc có sự đồng hành của những đơn vị như Sun Group có thể khiến quá trình thúc đẩy ẩm thực nói riêng và ngành văn hóa, du lịch nói chung có những bước tiến mạnh mẽ hơn.

Tin liên quan
Tin khác