Doanh nghiệp
Ngôi vị số 1 PCI: Hành trình không có điểm kết thúc
Khánh An - 04/05/2022 20:17
Khi ngôi vị số 1 của Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) không còn là bất ngờ, thì cuộc đua của người đứng đầu sẽ không còn vì thứ hạng.
Nhiều năm liền, Quảng Ninh giữ vững ngôi vị số 1 trong Bảng xếp hạng PCI

Khi ngôi vị số 1 không còn là một bất ngờ

“Trước thời điểm công bố PCI 2021, nhiều người hỏi tôi, Quảng Ninh chắc vẫn là số 1. Sau lần đầu Quảng Ninh đoạt ngôi vị số 1 PCI 2017, đến giờ chưa có thêm bất ngờ nào nữa ở vị trí này”.

Ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc Dự án PCI, Trưởng ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) bắt đầu câu chuyện về ngôi vị số 1 Quảng Ninh như vậy.

Không phải ngẫu nhiên, ông Tuấn nhắc đến yếu tố không còn bất ngờ này, vì thông lệ của 17 năm thực hiện PCI, thứ hạng của các địa phương được bảo mật đến giờ phút công bố. Cách làm này khiến Bảng xếp hạng PCI luôn là từ khóa được tìm kiếm mỗi khi đến dịp công bố PCI, thường vào tháng 4 hàng năm và cũng là lý do để cảm xúc vui mừng hay thất vọng của các địa phương được đẩy lên rất cao. Đã từng có những cuộc họp được lãnh đạo địa phương triệu tập ngay khi buổi công bố PCI kết thúc vì nhận được thông tin giảm điểm…

Nhưng điều này không có nghĩa, câu chuyện Quảng Ninh không còn hấp dẫn, mà thậm chí là ngược lại. Khi phân tích Top 10 địa phương dẫn đầu PCI 2021, Nhóm nghiên cứu PCI đã dành phần lớn thời gian để bóc tách trường hợp Quảng Ninh ở nhiều góc độ.

Năm nay, bài học kinh nghiệm được chọn để phân tích là phương châm “5 thật” của lãnh đạo tỉnh và mô hình Tổ công tác hỗ trợ dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh - Investor Care của Quảng Ninh.

“Không phải dễ để doanh nghiệp cảm nhận được “5 thật” nếu các đơn vị, các sở, ngành không thực hiện thật. Làm thật cũng là câu trả lời của tôi với các địa phương khi được hỏi làm thế nào để cải thiện thứ hạng PCI”, ông Tuấn chia sẻ.

Theo Nhóm nghiên cứu PCI 2021, phương châm “5 thật” được lãnh đạo Quảng Ninh đề ra để các cơ quan nhà nước và cán bộ trong tỉnh thực hiện, đó là phải ứng xử chân thành để doanh nghiệp suy nghĩ thật - doanh nghiệp nói thật - chính quyền hành động thật - các nỗ lực của tỉnh có kết quả thật - và người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật.

Tổ công tác Hỗ trợ dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (gọi tắt là Tổ Investor Care) cũng được thành lập để phục vụ phương châm trên.

Hệ thống Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện đều thống nhất cơ chế làm việc theo nguyên tắc 5 tại chỗ (tiếp nhận - thẩm định - phê duyệt - đóng dấu - trả kết quả).

Những nỗ lực thực chất của Quảng Ninh đã giúp tỉnh này vững vàng vị trí số 1 PCI 2021, đứng đầu ở hai chỉ số thành phần là Chi phí gia nhập thị trường (7,98 điểm) và Chi phí thời gian trong giải quyết thủ tục hành chính (8,52 điểm).

Hơn thế, Quảng Ninh đang giữ kỷ lục tỉnh duy nhất có mức điểm rất tốt, với 73,02 điểm, cách biệt với 9 địa phương còn lại trong Top 10.

Hành trình của thương hiệu PCI Quảng Ninh

Thực ra, khi Quảng Ninh vượt qua Đà Nẵng để lần đầu giành ngôi vương PCI 2017 cũng không quá bất ngờ. Ở Bảng xếp hạng năm 2016, Quảng Ninh đứng thứ hai với 65,60 điểm, ở trong nhóm điều hành rất tốt.

Ngay thời điểm đó, ông Đậu Anh Tuấn và nhóm chuyên gia PCI đã rất hào hứng chia sẻ về những sáng tạo và quyết tâm rất lớn của Quảng Ninh trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.

Năm 2017, Quảng Ninh đã ghi điểm với quyết định lập trang fanpage DDCI Quảng Ninh trên mạng xã hội Facebook. Không phải lãnh đạo địa phương nào cũng dám chọn cách tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để chia sẻ, tìm hiểu thông tin từ doanh nghiệp do những lo ngại khả năng không kiểm soát hết thông tin gây nhiễu. Nhưng, chính sáng kiến này khiến các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính ngay từ cấp cơ sở của doanh nghiệp được giải quyết kịp thời, tránh việc dồn tụ thành bức xúc và lan rộng.

Cùng việc mô hình Trung tâm Hành chính công và thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư được vận hành hiệu quả, thời gian, chi phí của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính tại Quảng Ninh giảm mạnh.

Đây cũng là thời điểm chính quyền Quảng Ninh ủng hộ mô hình "cà phê doanh nhân" do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì, tổ chức định kỳ hàng tháng. Nhiều vấn đề của doanh nghiệp đã được trao đổi, tìm kiếm giải pháp từ những buổi cà phê ngoài trụ sở cơ quan nhà nước.

Nhưng, có thể không nhiều doanh nghiệp biết về cuộc tọa đàm mổ xẻ những thế mạnh, tồn tại, những điểm số cao, thấp trong khảo sát PCI hàng năm được lãnh đạo Quảng Ninh tổ chức ngay sau khi nhận danh hiệu quán quân. Đối tượng tham dự bắt buộc là lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện.

Chủ trì cuộc tọa đàm đầu tiên vào năm 2018, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh năm đó là ông Nguyễn Văn Đọc đã nói một câu thực sự thấm thía: “Vị trí số 1 vừa là thương hiệu để Quảng Ninh khẳng định uy tín với các nhà đầu tư, là niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhưng chỉ cần một cán bộ, công chức không tốt sẽ ảnh hưởng đến cả nỗ lực của toàn tỉnh”.

Năm 2018 cũng là năm đầu tiên, Quảng Ninh đưa chỉ số SIPAS (kết quả điều tra đánh giá sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước) vào bộ chỉ số cải cách hành chính.

Trong PCI 2019, điểm sáng của số 1 Quảng Ninh là ứng dụng công nghệ thông tin. Quảng Ninh đã vận hành Trung tâm Điều hành thành phố thông minh, với việc đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu giữa các ngành, các cấp, áp dụng mô hình phòng họp không giấy tờ, số hóa dữ liệu điều hành, gửi và nhận văn bản liên thông giữa các ngành, các cấp.

Cùng với việc 19 sở, ngành sử dụng con dấu thứ 2 để thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo nguyên tắc “5 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu, trả kết quả ngay) tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Quảng Ninh đã triển khai con dấu thứ 2 đối với cơ quan tư pháp và văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tại Trung tâm Hành chính công các huyện, thành phố.

Đặt áp lực phải hành động liên tục tới từng vị trí công việc trong bộ máy chính quyền là cơ sở để Quảng Ninh liên tục tự phá kỷ lục của chính mình trong PCI. Năm 2020, lần đầu tiên, Quảng Ninh đạt được điểm số 75,09 và là địa phương duy nhất trong 63 tỉnh, thành phố vượt qua mốc 75 điểm trong kết quả PCI, mức điểm cao nhất của PCI kể từ năm 2010 đến nay.

Cải cách là hành trình có điểm đầu, nhưng không có điểm kết thúc

Trên thảm đỏ PCI 2021, ngay sau khi vừa cùng Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn nhận kỷ niệm chương PCI 2021, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chia sẻ rất thẳng thắn về hành trình 5 năm trên ngôi vị cao nhất PCI.

Đây là kết quả của quá trình kiên trì, nỗ lực, liên tục bền bỉ, có kế thừa, đổi mới và phát triển để xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, kiến tạo, phục vụ, định hình nền quản trị địa phương hiện đại, tự chủ, năng động, hiệu quả, quyết tâm đột phá vào các nút thắt, điểm nghẽn để mở ra các cơ hội mới cho phát triển; chú trọng đúng mức công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là các hành vi “tham nhũng vặt”.

Đó là kết quả của cả quá trình nhận thức đầy đủ vai trò của các khu vực kinh tế, trong đó kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng cho phát triển để xác định trách nhiệm của cả hệ thống chính trị địa phương, nhất là thực hiện các cam kết, giữ vững niềm tin, luôn đặt mình ở vị trí nhà đầu tư để thấu hiểu, thấu cảm, chia sẻ, đồng hành.

Đó là kết quả của việc mạnh dạn trao quyền cho cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp “đo lường”, đánh giá khách quan, độc lập thông qua phiếu điều tra, khảo sát mức độ tín nhiệm đối bộ máy chính quyền điều hành cấp cơ sở.

Đó là kết quả của nỗ lực không mệt mỏi trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, kỷ cương, dấn thân, sáng tạo, hiệu quả.

Đó còn là kết quả của sự hội tụ bản sắc văn hoá con người Quảng Ninh với ý chí tự lực, tự cường được chuyển hoá thành ý chí, quyết tâm, khát vọng mãnh liệt về phát triển, trước hết là ý chí của đội ngũ cán bộ lãnh đạo có vai trò dẫn dắt, định hướng và lan tỏa kiên trì qua thời gian; đã định hình rõ văn hóa đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp, làm cho tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp trở thành lẽ tự nhiên, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, tạo nên những không gian mở, thân thiện, tăng độ tương tác giữa chính quyền và người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Vì vậy, 9 năm liên tiếp (2013 - 2021) trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước và 5 năm liên tục (2017 - 2021) giữ vị trí đứng đầu Chỉ số PCI cũng là giai đoạn kinh tế tỉnh Quảng Ninh liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tốc độ bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt 10,7%, so với giai đoạn 2011 - 2015 là 9,2%, cao hơn mức bình quân cả nước.

Nhưng cũng chính vì những điều này, ông nói: “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc”.

Thông điệp của người đứng đầu Quảng Ninh gửi đi rất rõ ràng. Với Quảng Ninh, cuộc đua xếp hạng PCI không còn là thứ hạng.

Tin liên quan
Tin khác