Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 0,78% trong ngày giao dịch 16/3. Ảnh: AFP |
Sau khi đóng cửa đi ngang trong ngày giao dịch trước, chỉ số ASX 200 của Australia chiều 16/3 tăng 0,8% lên 6.827,10 điểm khi hầu hết các nhóm cổ phiếu đều đi lên, ngoại trừ hai nhóm cổ phiếu năng lượng và vật liệu lần lượt giảm 0,17% và 0,65%.
Cổ phiếu của các công ty dầu mỏ và khai khoáng đóng cửa trái chiều, trong khi cổ phiếu của "bộ tứ" ngân hàng lớn nhất Australia đều tăng điểm. Trong đó, cổ phiếu của Ngân hàng ANZ và Ngân hàng Commonwealth lần lượt tăng 0,56% và 0,9%, còn cổ phiếu Westpac đóng cửa tăng 0,61% và cổ phiếu Ngân hàng Quốc gia Australia nhích 0,42%.
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 kết thúc ngày giao dịch tăng 0,52% lên 29.921,09 điểm còn chỉ số Topix tăng 0,65% lên 1.981,50 điểm. Tại Hàn Quốc, Kospi đóng cửa ở mức 3.067,17 điểm,tăng 0,7%, trong chỉ số Hang Seng của Hong Kong ghi nhận mức tăng 0,6% trong giao dịch cuối ngày.
Chứng khoán Trung Quốc đại lục hôm 16/3 cắt lỗ và đóng cửa tăng điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 0,78% lên 3.446,73 điểm trong khi chỉ số Shenzhen Component tăng mạnh hơn với 0,91% lên 13.642,95 điểm.
Các thị trường chứng khoán lớn của châu Á diễn biến "xanh sàn" sau khi Phố Wall đêm qua chứng kiến chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones và chỉ số S&P 500 tăng điểm và đóng cửa ở mức kỷ lục nhờ triển vọng lạc quan về sự mở cửa trở lại của nền kinh tế Mỹ.
Thêm nhân tố khiến chứng khoán Mỹ khởi sắc là việc Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) thuộc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến họp hàng quý trong 2 ngày 16-17/3. Đây "chắc chắn là một yếu tố khác khiến các nhà đầu tư thận trọng một chút vào đầu tuần mới", ông Rodrigo Catril, chuyên gia ngoại hối cao cấp tại Ngân hàng Quốc gia Australia bình luận.
"Có rất nhiều sự tập trung vào việc liệu các dự báo và dấu chấm mới (trên biểu đồ chấm - BTV) có thể hé lộ tín hiệu tăng lãi suất của Fed hay không", ông Rodrigo Catril nói.
Hàng quý, các thành viên của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) sẽ họp để đưa ra dự báo lãi suất trong ngắn, trung và dài hạn. Các dự báo này được thể hiện trực quan trên biểu đồ chấm.
Lãi suất tăng và nền kinh tế Mỹ phục hồi đã khiến các chính sách nới lỏng của Fed trở thành tâm điểm chú ý. Giới quan sát thị trường đang đặt câu hỏi khi nào Fed sẽ xem xét hủy bỏ các chính sách nới lỏng đó.
Ngân hàng Trung ương Anh dự kiến sẽ họp bàn chính sách vào hôm 18/3. Cùng ngày này, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng sẽ khởi động cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Australia mới đây đã công bố biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 3. Theo đó, các thành viên Ngân hàng Trung ương Australia chung nhận định rằng vẫn cần đến chính sách hỗ trợ tiền tệ mạnh tay trong một thời gian, vì sẽ phải mất vài năm trước khi nền kinh tế Australia chạm đích mục tiêu lạm phát và thất nghiệp của ngân hàng này.
Trên thị trường tiền tệ, đồng bạc xanh tăng giá 0,12% khi chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác đạt 91,941, từ mức 91,780 thiết lập trước đó. Đồng yên Nhật vững giá 109,2 JPY đổi 1 USD, còn đô la Australia trượt giá 0,36% xuống còn 1 AUD đổi 0,7726 USD.
Giá dầu giao dịch theo giờ châu Á hôm nay sụt giảm. Cụ thể, giá dầu thô giao sau của Mỹ rớt 0,84% xuống 64,84 USD/thùng, còn giá dầu Brent giao kỳ hạn trượt 0,78% xuống 68,34 USD/thùng.