Y tế - Sức khỏe
Người bệnh mòn mỏi vì thiếu thuốc, vật tư y tế
Dương Ngân - 15/06/2022 09:40
Thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế khiến nhiều người bệnh mòn mỏi chờ đợi. Các cơ sở y tế cũng bất lực bởi không thể đấu thầu do vướng nhiều quy định.
Thiếu thuốc và vật tư y tế khiến việc điều trị cho bệnh nhân gặp nhiều khó khăn

Điệp khúc thiếu

Một bệnh nhân ở Hải Dương bị đục thủy tinh thể, khi đến khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương, được yêu cầu chỉ định mổ, nhưng phải đợi khoảng 2 tháng bởi thiếu thủy tinh thể phù hợp. Một bệnh nhân khác ở Nghĩa Tân (Hà Nội), khi đến khám tại Bệnh viện E cũng được yêu cầu chỉ định mổ, nhưng không thể tiến hành do vật tư y tế mà bệnh nhân cần không có.

“Tôi đi khám từ tháng 4, nhưng bác sỹ bảo khoảng tháng 9 mới mổ được, vì lúc đó mới có dụng cụ để phẫu thuật”, bệnh nhân này than thở.

Theo lời người nhà một bệnh nhân phải phẫu thuật xương đùi tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thì họ đã phải đợi 2 tháng mới được mổ bởi thiếu một dụng cụ khớp nối để ghép xương.

Lãnh đạo các bệnh viện kiến nghị Bộ Y tế và UBND các tỉnh cần sớm công bố kết quả đấu thầu thuốc hàng năm để các bệnh viện ký hợp đồng cung ứng thuốc với đơn vị trúng thầu, chủ động nguồn thuốc, tránh tình trạng chậm như vừa qua, dẫn đến thiếu thuốc, ảnh hưởng chất lượng điều trị và quyền lợi của người bệnh.

Giám đốc một bệnh viện tại Hà Nội cho biết, có tình trạng bệnh nhân bảo hiểm y tế phải tự đi mua từ những sợi chỉ, băng gạc, dụng cụ… mang vào bệnh viện để bác sỹ thực hiện ca mổ, nếu không ca mổ phải hoãn hoặc chuyển tuyến điều trị.

Thực tế thiếu thuốc cũng đang diễn ra ở nhiều bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh công lập ở tỉnh Thái Nguyên. Bệnh viện Phổi Thái Nguyên đang có hàng ngàn bệnh nhân điều trị ngoại trú. Thời gian tới, một số loại thuốc điều trị bệnh phổi mãn tính phát cho bệnh nhân sẽ hết, nhưng kết quả đấu thầu thuốc tập trung cấp bộ chưa được công bố thì khi hết thuốc chưa biết sẽ giải quyết thế nào.

Còn tại TP.HCM, cuối tháng 4/2022, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, nhiều bệnh nhân ghép thận đã không được cấp phát thuốc chống thải ghép (đây là loại thuốc được bảo hiểm y tế chi trả), vì bệnh viện không còn thuốc. Để bảo đảm sức khỏe cho mình, bệnh nhân đã phải tự tìm mua thuốc ngoài thị trường với chi phí không nhỏ.

Thậm chí, nhiều bệnh viện còn thiếu cả thuốc gây mê. Điều này rất nguy hiểm cho bệnh nhân vì thuốc này vô cùng khó mua bởi là thuốc thuộc diện phải kiểm soát.

Một số tỉnh, thành phố khác như Hậu Giang, Cần Thơ, Khánh Hòa, Phú Thọ, Thái Bình… vài tháng qua thiếu một số thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc an thần, thuốc chống đông, thuốc điều trị các bệnh tiểu đường, huyết áp, viêm gan, ung thư, dạ dày và vật tư y tế do chậm đấu thầu mua sắm, ảnh hưởng đến quyền lợi bệnh nhân.

Vì đâu nên nỗi

Theo chia sẻ của một lãnh đạo bệnh viện tuyến Trung ương, nhiều loại thuốc hiện nay rất khó để tiến hành đấu thầu. Việc yêu cầu đấu thầu thuốc năm sau phải rẻ hơn năm trước cũng rất bất cập.

Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ông Trần Bình Giang cho hay, để theo dõi và điều trị cho hàng ngàn người bệnh sau ghép tạng, việc duy trì thuốc chống thải ghép thường xuyên rất quan trọng, nhưng không dễ mua. “Thuốc chống thải ghép phải dùng hết sức thận trọng và phải dùng thuốc chuẩn. Chúng tôi phải làm đấu thầu mua thuốc Generic vì theo quy định không thể mua được nhiều thuốc biệt dược”, ông Giang nói. 

Về tình trạng khan hiếm thuốc hiện nay, theo GS-TS. Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, thực tế một số bệnh viện công trên toàn quốc xảy ra tình trạng thiếu vật tư y tế, thuốc men, sinh phẩm, thậm chí thiếu cả thiết bị y tế không phải là câu chuyện mới. 

Có nhiều ý kiến cho rằng, do nhiều cán bộ y tế gặp sai phạm, dẫn đến tình trạng sợ không dám làm, không dám mua sắm thuốc, vật tư, song nguyên nhân sâu xa là do hệ thống pháp luật vẫn còn thiếu, bất cập, không cập nhật kịp với tình hình. 

“Khi hoàn thành việc đấu thầu mua sắm thuốc men, trang thiết bị y tế, còn một quy trình nữa là thẩm định. Việc thẩm định trong thời gian qua cũng còn bất cập, nhiều cán bộ thẩm định đã vướng vào vòng lao lý, nên hiện nay có tình trạng cán bộ thẩm định không dám làm. Trường hợp thẩm định xong, gửi lên Bộ Y tế để phê duyệt lần cuối cũng bị ngâm ở đó, gần như không ai dám xét duyệt”, ông Trí nói.

Phân tích thêm nguyên nhân, PGS-TS. Nguyễn Lân Hiếu, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, hiện Luật Đấu thầu đã có, nhưng thông tư, nghị định hướng dẫn đặc thù riêng cho ngành y tế chậm ban hành, hoặc văn bản hướng dẫn còn bất cập, khó hiểu và khó áp dụng. Điều này đã gây tâm lý e dè cho các bệnh viện trong việc mua sắm vật tư tiêu hao.

Xảy ra tình trạng thiếu thuốc như hiện tại, phần lớn do quy trình đấu thầu thuốc chữa bệnh tập trung hiện nay rất phức tạp, phải tuân thủ gần 20 bước, liên quan nhiều cơ quan chức năng khác nhau, mỗi cơ quan chậm vài ba ngày, thậm chí một, hai tuần là dẫn đến kết quả đấu thầu chậm.

Theo quy định tại Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC, các đơn vị xây dựng giá kế hoạch phải tham khảo giá trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các đơn vị do Bộ Y tế cập nhật. Để an toàn, các bệnh viện sẽ chọn giá thấp nhất. Nhưng có thể giá nguyên liệu đã tăng, xăng dầu tăng nên cước phí vận chuyển cũng tăng, do lạm phát nên chi phí bảo quản và phân phối cũng tăng theo, vậy nên cơ sở y tế không thể mua được thuốc hay thiết bị máy móc với giá kế hoạch.

Để khắc phục vấn đề này, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, giảm thủ tục hành chính trong quy trình đấu thầu thuốc tập trung. Đồng thời phải quy định rõ thời gian giải quyết cho từng khâu, từ khi lập kế hoạch, nhu cầu sử dụng thuốc của các đơn vị, tổng hợp nhu cầu và trình các cơ quan chức năng xem xét, thẩm tra, thẩm định, ban hành kế hoạch đấu thầu, mời thầu, đến công bố kết quả đấu thầu.

Tin liên quan
Tin khác