Một bệnh nhân ở Thanh Hóa được chỉ định thay thủy tinh thể nhưng do Bệnh viện hiện tại hết hoá chất nên không thể mổ. Sau đó, bà được giới thiệu ra một bệnh viện mắt tư nhân để mổ với chi phí đắt gấp 5 lần so với ở bệnh viện công.
Nhiều ý kiến vẫn lo ngại rằng, năm 2023 cơn bão thiếu thuốc, vật tư y tế dự báo vẫn tiếp tục khiến người bệnh bất an. |
Do không có điều kiện kinh tế nên bệnh nhân này đành về quê… chờ và đối diện với nguy cơ mù lòa nếu không được thay thủ tinh thể kịp thời.
Một nam bệnh nhân ở Nghệ An bị bong võng mạc cũng không thể phẫu thuật được Bệnh viện này do… hết hóa chất. Nếu chấp nhận phẫu thuật ở cơ sở tư nhân thì ông phải trả 40 triệu đồng, thay vì 10 triệu đồng như tại bệnh viện công.
Hay trường hợp khác là cháu bé ở Nam Định chuyển cấp cứu trong đêm lên Bệnh viện Mắt Trung ương, nhưng do không có vật tư, hoá chất, bệnh viện liên hệ chuyển cháu đến một bệnh viện công khác nhưng không gây mê được nên từ chối, cuối cùng có một bệnh viện tư nhận tiếp nhận. Ca phẫu thuật hết 50 triệu đồng. Nếu thực hiện ở bệnh viện công thì chi phí chỉ bằng ¼.
Tình trạng thiếu hoá chất, vật tư y tế tại Bệnh viện Mắt Trung ương đã diễn ra trong thời gian dài, khiến nhiều người bệnh có nguy cơ phải mù loà vì không được phẫu thuật kịp thời.
Mỗi ngày Bệnh viện Mắt Trung ương có khoảng 1.000 người đến khám, trong đó 10% có chỉ định nhập viện, nhiều nhất là đục thuỷ tinh thể - căn bệnh hàng đầu gây mù loà. Thời kỳ đỉnh cao, một năm cả viện mổ 30.000 ca, có ngày cao điểm mổ gần 200 ca.
Nhưng thời gian qua, nhiều bàn mổ đắp chiếu trong khi đó người bệnh mắc các bệnh về võng mạc, chấn thương, đục thuỷ tinh thể… đến viện phải về hoặc chuyển đi nơi khác.
Theo một số nguồn tin, nguyên nhân vì một số gói thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị, thuốc bị dừng. Một số bác sĩ chuyên khoa mắt cho biết, những ca phẫu thuật võng mạc, chấn thương ở bệnh viện tư, rẻ nhất cũng là 50-60 triệu đồng - số tiền không nhỏ với nhiều người bệnh.
Nói về tình trạng này theo ông Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương chỉ nói rằng Bệnh viện đã có rất nhiều công văn báo cáo Bộ Y tế về vấn đề này, đến nay cơ bản đã có hướng giải quyết. Phóng viên muốn biết thêm chi tiết thì… liên hệ Bộ Y tế.
Về phía Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế nhận được báo cáo của Bệnh viện Mắt Trung ương và đã nắm bắt được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở bệnh viện.
Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình mua sắm thuốc, vật tư y tế và Bệnh viện Mắt Trung ương đã triển khai theo chỉ đạo này.
"Trong thời gian tới, chắc chắn với chỉ đạo quyết liệt của Bộ Y tế và việc tổ chức triển khai thực hiện của Bệnh viện Mắt Trung ương, bệnh viện sẽ khắc phục được tình trạng thiếu thuốc, vật tư, hoá chất trong thời gian ngắn", Thứ trưởng Tuyên cho biết.
Thiếu thuốc, vật tư, hoá chất trong thời gian qua đã tác động trực tiếp tới người dân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Nhiều người bệnh khốn khổ khi phải bỏ khoản tiền không nhỏ vì bệnh viện hết thuốc nằm trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả.
Và câu chuyện hàng loạt người bệnh phải ra mổ ngoài với chi phí đắt đỏ như ở Bệnh viện Mắt Trung ương vừa qua cần nhanh chóng giải quyết, để đem lại quyền lợi khám, chữa bệnh bảo hiểm y té cho người dân, cũng như việc họ được thụ hưởng điều trị ở một cơ sở y tế hàng đầu về nhãn khoa của cả nước.
Câu chuyện thiếu vật tư, thiết bị y tế và thuốc chữa bệnh không mới, diễn ra gần 2 năm nay và hiện tại vẫn chưa có biện pháp khắc phục triệt để.
PGS.TS. Nguyễn Khoa Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Huế cho hay, tình trạng thiếu một số loại thuốc biệt dược, thuốc đặc trị, vật tư y tế đã ảnh hưởng đến chất lượng điều trị cũng như sự hài lòng của người bệnh.
Theo PGS.TS. Nguyễn Khoa Hùng, ngay từ năm 2021, Bệnh viện đã lập kế hoạch, dự toán cho công tác đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế năm 2022.
Tuy nhiên, quy trình mua sắm mất rất nhiều thời gian, sau gần 1 năm mới chỉ mua được 60% khối lượng các gói thầu, phần chưa mua được, bệnh viện đã gửi cấp trên phê duyệt tiếp để mua bổ sung.
Chia sẻ với báo chí bên lề Hội thảo Hướng dẫn triển khai đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, cho hay Bộ Y tế vừa có báo cáo tổng hợp gửi Chính phủ về kết quả kiểm tra, đánh giá thực trạng và tác động của vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư và chuyển dịch nhân lực ảnh hưởng tới chất lượng khám, chữa bệnh.
Theo ông Khuê, báo cáo tổng hợp của 4 đoàn kiểm tra từ tháng 8 đến nay cho thấy nhiều thách thức lớn trong hệ thống khám chữa bệnh.
PGS. Khuê nhìn nhận có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, cả khách quan lẫn chủ quan. Trong các nguyên nhân chủ quan, ngoài tâm lý e ngại của lãnh đạo một số đơn vị, còn có vấn đề về năng lực, kinh nghiệm của hội đồng đấu thầu một số nơi; bộ phận lập dự trù kế hoạch chưa sát thực tế, nhu cầu, chưa tiên lượng hết được mô hình bệnh tật…
Trên bình diện chung, Trung tâm Đấu thầu mua sắm tập trung quốc gia vừa có báo cáo cho biết trong số 67 mặt hàng trúng thầu, mới có 43 mặt hàng (64%) có thuốc để cung ứng theo dự trù của bệnh viện.
Có 15/67 mặt hàng (22%) có số lượng tồn kho thấp không đủ cung ứng và 9/67 mặt hàng (13%) chưa có thuốc để cung ứng cho cơ sở y tế.
Lý giải về thực tế này, ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, Bộ Y tế cho biết, hầu hết các mặt hàng thuốc trúng thầu tập trung cấp quốc gia hiện nay đã đảm bảo khả năng cung ứng cho nhu cầu điều trị của các cơ sở y tế.
Hiện có một số mặt hàng thuốc trúng thầu có số lượng tồn kho thấp không đủ cung ứng theo dự trù của các cơ sở y tế hoặc chưa có thuốc để cung ứng cho các cơ sở y tế, Trung tâm đã tổ chức các đoàn giám sát đối với các nhà thầu cung ứng các mặt hàng này và đề nghị nhà thầu có biện pháp khắc phục và khẩn trương làm việc với nhà sản xuất để sớm có thuốc cung ứng cho các cơ sở y tế.
"Trong trường hợp nhà thầu không đảm bảo cung ứng thuốc gây ảnh hưởng đến điều trị, Trung tâm sẽ có văn bản đề nghị các cơ sở y tế xử lý theo hợp đồng đã ký kết giữa hai bên", ông Dũng nói.
Lãnh đạo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia cũng cho biết về phía các nhà thầu, ngay sau khi có quyết định trúng thầu, các nhà thầu đã khẩn trương phối hợp với nhà nhập khẩu đã ký hợp đồng đặt hàng với nhà sản xuất và có kế hoạch nhập hàng.
Ông Dũng cũng đưa ra nguyên nhân khách quan nguyên nhân của tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu nên thời gian sản xuất, kiểm nghiệm chất lượng, vận chuyển và thông quan kéo dài từ 3 đến 5 tháng. Tuy nhiên Giám đốc Trung tâm Đấu thầu thuốc quốc gia dự kiến tất cả các mặt hàng này về trước 31/12/2022.
Mặt khác, sau dịch Covid-19, nhiều cơ sở y tế có nhu cầu sử dụng thuốc tăng cao so với dự trù tiến độ ban đầu nên nằm ngoài dự kiến của nhà thầu.
“Nhà thầu cũng cam kết không để các cơ sở y tế thiếu những mặt hàng trúng thầu và sẽ làm việc với các cơ sở y tế đề xuất giải pháp, hỗ trợ bằng các sản phẩm tương tự để đáp ứng nhu cầu điều trị trong trường hợp cần thiết", ông Dũng thông tin.
Lãnh đạo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia cũng cho biết hiện chỉ có 32 hoạt chất được tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia trên tổng số 1.226 hoạt chất thuộc Danh mục thuốc đấu thầu.
Về giá trị, đấu thầu tập trung cấp quốc gia chỉ chiếm 6,7% trên tổng số giá trị sử dụng thuốc hàng năm tại các cơ sở y tế trên toàn quốc. Số lượng hoạt chất và tỉ lệ giá trị còn lại do các đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương hoặc các cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu.
Dù lãnh đạo Trung tâm Đấu thầu thuốc quốc gia có trấn an nhưng nhiều ý kiến vẫn lo ngại rằng, năm 2023 cơn bão thiếu thuốc, vật tư y tế dự báo vẫn tiếp tục khiến người bệnh bất an.