Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, tính đến ngày 28/5/2019, trên địa bàn TP. Hà Nội, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 15.528 hộ chăn nuôi (chiếm 19,2% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi)/1.820 thôn, tổ dân phố/425 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã, làm mắc bệnh và tiêu hủy 249.878 con (chiếm 13,3% tổng đàn lợn).
Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 24 quận, huyện, thị xã của Hà Nội |
Một số địa phương phải tiêu hủy số lượng lợn mắc bệnh lớn như: Sóc Sơn có 51.028 con (chiếm 41,7% tổng đàn lợn của huyện); Đông Anh có 27.806 con (chiếm 35% tổng đàn lợn của huyện); Quốc Oai có 20.183 con (chiếm 31,5% tổng đàn lợn của huyện)...
Hiện tại, có phường Ngọc Thụy, quận Long Biên dịch bệnh qua trên 30 ngày không phát sinh; số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy tại ổ dịch cũ này là 44 con. Một số địa phương (cấp xã) dịch qua 30 ngày nhưng đã phát sinh trở lại.
Tổng ước tính thiệt hại cho người chăn nuôi đến nay trên địa bàn thành phố là khoảng 470 tỷ đồng (ước theo giá thị trường 30.500 đồng/kg). Theo thống kê nhanh, hiện số hộ được chi trả hỗ trợ thiệt hại đạt khoảng 32,5%. Tổng kinh phí ước tính đã chi hỗ trợ và chi các hoạt động phòng, chống dịch là khoảng 200 tỷ đồng (trong đó hỗ trợ cho người chăn nuôi chiếm 70%). Việc chi trả hỗ trợ cho người chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn do giá cả biến động, số lượng hộ nhiều…
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn Hà Nội sẽ phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các lò giết mổ, buôn bán, kinh doanh, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trên địa bàn; duy trì hoạt động các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn Hà Nội sẽ phối hợp với Sở Công thương làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và bàn các giải pháp cụ thể về tiêu thụ lợn, sản phẩm từ lợn; phối hợp các cơ quan thông tin truyền thông hướng dẫn cụ thể về chuyên môn, kỹ thuật phòng chống dịch bệnh; tuyên truyền để người tiêu dùng không “quay lưng” lại với thịt lợn...