1. Nhắc đến Nguyễn Cảnh Bình, lại nhớ chuyện cách đây 2 năm. Khi đó, đang kinh doanh, anh Bình tự ứng cử đại biểu Quốc hội với tuyên ngôn: “Đã tự ứng cử, thì không sợ thất bại!”. Lý do anh tự ứng cử là vì muốn cổ vũ cho những trí thức, doanh nhân trẻ tự tin vào bản thân hơn, có trách nhiệm với cộng đồng hơn. Bên cạnh đó, cá nhân anh muốn áp dụng các lý thuyết về quản trị, tổ chức doanh nghiệp vào hoạt động Quốc hội để hướng tới việc xây dựng một quốc hội chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn…
| ||
Ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần sách Alpha (AlphaBook) |
Hành động tự ứng cử của anh Bình thuộc hàng hiếm trong giới doanh nhân và đánh dấu một mốc son trong những ước mơ của cuộc đời mình.
Gặp anh sau những chuyến đi tỉnh để nói chuyện với các bạn sinh viên về kinh nghiệm khởi nghiệp tại căn phòng nhỏ nhắn. Bàn làm việc không máy tính, chỉ thấy ngồn ngộn các bản thảo dở dang chờ duyệt.
“Có một lượng lớn doanh nhân Việt Nam kinh doanh mà không cần đọc sách. Cũng phải thôi, kinh doanh theo mô hình kiểu cũ, thì đâu cần đọc sách cho mất thời gian”, anh mở đầu câu chuyện với tôi bằng nhận định khá bi quan như vậy.
Cái mô hình kinh doanh kiểu cũ mà anh nhắc đến trong nhận định trên chính là doanh nhân chỉ làm ăn với cách chạy sân sau, qua ăn nhậu, hoa hồng những dự án này nọ…
Đó là lý do vì sao, khi anh bắt tay chọn làm sách bán cho doanh nhân, thì mọi người tin chắc sẽ thất bại. Đúng là xã hội lúc nào cũng tồn tại những người không cần đọc sách tử tế. Nhưng Nguyễn Cảnh Bình tin rằng, tỷ lệ đó sẽ ngày càng giảm và số lượng người có nhu cầu đọc sách thực sự ngày càng nhiều lên.
Theo anh Bình, sẽ có một thế hệ cạnh tranh mới khốc liệt hơn cho cả người lao động, cũng như doanh nghiệp, doanh nhân.
Thứ nhất, người lao động khi xin việc phải dựa vào kiến thức, năng lực, chứ không thể dựa vào người quen. Đặc biệt, lao động vào các cơ quan nhà nước sẽ giảm, để ra cạnh tranh bên ngoài nhiều hơn bằng chính năng lực của họ. Muốn cạnh tranh được, thì phải học, phải suy nghĩ, sáng tạo sản phẩm. Mà muốn làm được, thì phải đọc sách.
Thứ hai, thị phần của doanh nghiệp nhà nước sẽ giảm. Nếu muốn thắng trong một cuộc chơi cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp tư nhân, buộc họ phải kinh doanh theo kiểu mới, đòi hỏi kiến thức, năng lực quản trị khác xa so với lối kinh doanh cũ.
2. 9 năm gia nhập thị trường, dòng sách về kinh doanh như marketing, bán hàng, thương hiệu, nhân sự… luôn đem lại mức sinh lời nhiều nhất cho AlphaBooks.
Theo thống kê của Nhà sách Fahasa, năm nay, AlphaBooks trở thành nhà cung cấp sách số 1 tại thị trường Hà Nội và duy trì được tốc độ ổn định tại TP.HCM, với tốc độ tăng trưởng 30-50% so với năm ngoái.
Thế nhưng, vị giám đốc 41 tuổi này tiết lộ, anh đã thất bại cay đắng với bộ sách Harvard (bản quyền thuộc Trường Đại học Havard - Mỹ). Bộ sách mà anh từng rất kỳ vọng sẽ tạo nên làn sóng tư duy kinh doanh kiểu mới tại Việt Nam, vì độ kiến thức cao siêu của nó.
“Khi mua được bản quyền bộ sách này, tôi đã sung sướng và kỳ vọng bao nhiêu, thì sau đó tôi thất vọng bấy nhiêu. Tên tuổi họ rất oách, nhưng khi về Việt Nam lại thất bại, vì trình độ của họ quá cao, họ nói vấn đề quá sâu. Trong khi người Việt Nam chỉ thích những gì đơn giản, nhẹ nhàng”, anh chia sẻ.
Sau vụ Harvard, vị giám đốc của AlphaBooks mới nhận ra, ở Việt Nam, chưa thể làm những dòng sách đó. Theo anh, giới doanh nhân không thể tiếp cận những phương pháp quản trị hiện đại nhất trên thế giới, mà chỉ nên làm những thứ vừa phải, bắt kịp trình độ của Mỹ cách đây 10 năm, thậm chí 20 năm.
Và anh quyết định chỉ làm những sách mang tính đại chúng, dễ đọc. Chẳng hạn, cuốn “Bản đồ tư duy”, giá bán 50.000 - 70.000 đồng/cuốn và AlphaBooks bán tới 50.000 - 70.000 bản. Hay như cuốn Steve Job, trong khi Hàn Quốc bán cả triệu bản, thì tại Việt Nam, AlphaBooks chỉ bán được 25.000 bản. Nhưng với AlphaBooks, thì đây là con số đáng tự hào.
Hiện tại, anh Bình chuyển hướng sang làm sách Trung Quốc và Hàn Quốc, vì nó năng động và hợp với gu doanh nhân Việt hơn. Tuy nhiên, anh không muốn thiên về sách của Trung Quốc, vì họ cũng sao chép phần nào từ sách Mỹ.
Giới phân tích cho rằng, trong một thị trường sách ngồn ngộn như vậy, điều khiến độc giả tìm đến AlphaBooks là do anh Bình biết làm ra thứ họ cần. Điều này không mới đối với bất cứ nhà xuất bản nào nếu muốn bán được sách. Song ở AlphaBooks, anh Bình luôn duy trì tư tưởng ấy với tần xuất đều đặn và mật độ nhiều hơn so với các đối thủ.
Đặc biệt hơn, với anh, việc quyết định xuất bản một cuốn sách không thuần túy chỉ ở góc độ kinh doanh. “Khi làm sách là phải nghĩ đến lợi nhuận, nhưng tôi nghĩ, nếu cuốn sách đó thực sự có ích cho xã hội, cho phân khúc người đọc, thì chắc chắn sẽ hút tiền. Tôi chắc rằng, không phải ông chủ nhà xuất bản nào cũng dám làm như tôi. Rất nhiều cuốn sách tôi làm mà các nhà xuất bản khác không tin có thể bán được tại Việt Nam, nhưng rốt cuộc, lại bán rất tốt”, anh Bình hồ hởi và cho biết, anh bảo vệ thương hiệu AlphaBooks bằng cách liên tục tung ra thị trường nhiều tác phẩm hay và có ý nghĩa. Trung bình mỗi năm, AlphaBooks mua bản quyền và xuất bản 100 - 200 đầu sách.
Theo anh Bình, trong thời gian tới, cuộc đua bản quyền những cuốn “Best Seller” giữa các nhà xuất bản sẽ bùng nổ. Song anh Bình thừa nhận, nếu như trong giới kinh doanh ô tô và bất động sản mà anh đã từng kinh qua, người ta có những chiêu trò sát phạt nhau rất quyết liệt, thì ngành sách lại rất hiền lành. Điều đó khiến tốc độ tăng trưởng, quy mô của ngành không có tính bất ổn, đột phá để kích thích các nhà xuất bản. Nhưng ngược lại, trong giới doanh nhân với nhau, có sự thân thiết, hòa thuận. Vậy nên, cuộc chiến bản quyền có bùng nổ căng thẳng đến đâu, thì vẫn có một sự thỏa thuận ngầm, bất thành văn giữa các giám đốc với nhau.
“Không nên trả phí bản quyền cho người nước ngoài quá cao. Nếu chạy đua quá căng thẳng, thì các nhà xuất bản tự đẩy giá lên, không có lợi”, anh khẳng định điều đó nhưng cũng phải chuẩn bị cho mình một đường sống khác. “Biết đâu, trong tương lai, thời thế thay đổi, sẽ có một ông giám đốc nhà xuất bản nào đó mới gia nhập thị trường sẽ chấp nhận lỗ, trả giá bản quyền rất cao để đánh sập nhà xuất bản khác”, anh nói.
Còn hiện giờ, khi đứng trước đối thủ, anh luôn có tâm trạng bình thản và luôn luôn đặt ra câu hỏi họ có khía cạnh nào hay, nào tốt mà mình nên học. Nguyễn Cảnh Bình không đặt mục tiêu phải đối đầu sống chết với Nhà xuất bản Trẻ, Thai Ha Books, mặc dù anh luôn có tiêu chí mình phải là số 1 trong lĩnh vực này. Anh đã, đang và sẽ không ngừng việc săn người có độ chín về kiến thức, vốn sống, kỹ năng nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dịch sách của AlphaBooks.
3. Đam mê đọc sách từ nhỏ, ước mơ nhiều vô kể, nhưng từng suýt bị đuổi học vì lơ là việc học, nên nhìn lại con đường đã đi, anh Bình thấy trên đời này chẳng có gì chắc chắn cả. Nguyễn Cảnh Bình nghĩ, nếu anh chỉ hành động khi mọi điều kiện, cơ hội đã chín muồi, thì có thể anh sẽ không làm được gì nhiều, bởi những thời khắc như thế rất hiếm và chắc còn xa lắm. Vậy nên, những tham vọng của anh Bình về xuất bản còn quá lớn, tưởng chừng 10 - 20 năm nữa cũng không thực hiện được hết.
Ít người biết rằng, tên tuổi của Nguyễn Cảnh Bình nổi như cồn trong giới làm sách không phải do AlphaBooks, mà chính là cuốn sách dịch giả để đời của anh: “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?”, xuất bản tại Việt Nam năm 2003 và đang chuẩn bị tái bản lần 6. Anh tự hào về điều đó, nhưng sẽ viên mãn hơn nếu tham vọng xuất bản bộ sách Hán Nôm, với số lượng khoảng 2.000 cuốn thành hiện thực trong tương lai.
Tham vọng xuất bản từng ấy sách về lịch sử nước Việt, nhưng anh không dám chắc có bán được nó hay không. Song điều làm nên sự khác biệt của anh trước hết là làm những cuốn sách có giá trị nhất ở Việt Nam. Sau đó mới tìm cách bán. Vì anh luôn tin những gì thật sự có giá trị, ắt hẳn người đọc sẽ tự tìm đến.
Vậy nên, cả cuộc đời say mê đọc sách, sống trong sách, ngủ trong sách và khi bắt tay vào kinh doanh sách có hai điều làm anh thích thú nhất.
Thứ nhất, anh được đọc tất cả tác phẩm gốc, trước khi nó xuất bản ở Việt Nam.
Thứ hai, khi bạn bè, bằng hữu, độc giả họ nói nhờ cuốn sách của anh, họ mới trưởng thành hơn. Và như thế, với anh, cuộc đời kinh doanh thú vị và ý nghĩa là vậy.
TRÒ CHUYỆN VỚI NGUYỄN CẢNH BÌNH: Thách thức lớn nhất đối với AlphaBooks? Là năng lực quản trị hệ thống của chính mình khi Công ty ngày càng lớn mạnh. Điều anh tự hào nhất về nhân viên của mình? Trong khi nhiều nhà sách khác giám đốc bán sách bằng mối quan hệ, thì ở AlphaBooks, việc này do toàn bộ nhân viên làm. Anh có muốn tên tuổi mình được sùng bái tại AlphaBooks? Muốn hay không thì thực tế nó vậy. Bởi tôi là người sáng lập, chi phối, hoạch định và làm mọi thứ, nhưng tôi luôn tìm cách giảm dần vai trò của mình. Phong cách lãnh đạo của anh? Tôi cứng rắn, quyết liệt, dự trù các bước đi cho mỗi kế hoạch. Trong việc quản trị chung, tôi là người hài hòa, linh động. Nghe nói anh thích làm nông dân. Vậy anh có đủ can đảm để vứt bỏ tất cả những gì đang có để đi làm điều mình thích? Không bao giờ tôi muốn vứt bỏ một cái gì. Tôi không đặt mình vào trường hợp phải chọn cái này, bỏ cái kia. Tôi muốn có một trang trại hoạt động theo kiểu đúng nghĩa kinh doanh. Mô hình đó làm theo cách có lợi cho nông dân kiểu mới và tôi phải sống được bằng cái đó. |
Anh Hoa