Sau phiên cuối tuần rơi sâu nhờ nhịp điều chỉnh của vàng thế giới, thị trường vàng trong nước trở lại “sốt xình xịch” ngay sáng đầu tuần bất chấp vàng thế giới đi ngang quanh mốc 2.350 USD/ounce.
Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng SJC có thời điểm giao dịch ở mức 83,3 triệu đồng/lượng (mua vào ) và 85,5 triệu đồng/lượng (bán ra), lần lượt tăng 2,7 triệu đồng/lượng và 2,4 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước.
Đà tăng không ngừng nghỉ buổi sáng khiến giá vàng miếng xác lập đỉnh giá mới. Đến đầu giờ chiều, dù điều chỉnh nhẹ, giá vàng bán ra vẫn vững trên mốc 85 triệu đồng/lượng. Các hãng trang sức khác cũng đồng loạt bán ra trên mốc 85 triệu đồng/lượng.
Vàng Mi Hồng tại TP.HCM là nơi yết giá bán ra thấp nhất, cũng ở mức 85 triệu đồng/lượng. Ở chiều mua vào, Mi Hồng cũng là cơ sở thu mua cao nhất (83,5 triệu đồng/lượng). Tại Hà Nội, SJC là đơn vị yết giá thu mua cao nhất (83,3 triệu đồng/lượng).
So với giá thế giới quy đổi, vàng miếng SJC nới rộng khoảng cách lên 13,5 triệu đồng mỗi lượng.
Trái với biến động lên xuống rất mạnh của vàng miếng, vàng nhẫn vẫn đang bám theo khá sát diễn biến giá thế giới. Dù không tăng nóng như vàng miếng, chênh lệch giá vàng nhẫn với vàng thế giới quy đổi cũng đang neo khá cao, trên 4 triệu đồng mỗi lượng.
Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng nhẫn yết ở mức 74,65 triệu đồng/lượng (mua vào) và 76,55 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 350.000 đồng/lượng ở cả hai chiều. Chênh lệch giá mua – bán duy trì ở mức 1,9 triệu đồng mỗi lượng. Tại Bảo tín Minh Châu, hãng vàng này đang yết giá mua ở mức 75,48 triệu đồng/lượng, trong khi giá bán là 77,18 triệu đồng/lượng. Trước đó, có thời điểm giá vàng nhẫn bán ra tại đây có giá lên tới 78 triệu đồng/lượng.
Vàng miếng SJC tăng mạnh trong bối cảnh thị trường sắp tới sẽ có các biện pháp quản lý thị trường vàng. Trong Thông báo số 160/TB-VPCP ngày 11/4/2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới do Văn phòng Chính phủ vừa ban hành, Thủ tướng đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP trong đó theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới, trong nước và theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp, công cụ theo quy định pháp luật, nhất là Nghị định 24 để quản lý, điều hành chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời nguồn cung cho sản xuất vàng miếng, vàng trang sức mỹ nghệ, phù hợp với diễn biến thị trường, bảo đảm hoạt động, giao dịch trên thị trường được quản lý, kiểm soát chặt chẽ bằng các công cụ đã có, không ảnh hưởng đến tỷ giá, dự trữ ngoại hối nhà nước, không để xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá…
Để chuẩn bị tăng nguồn cung cho thị trường, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang hoàn tất công tác chuẩn bị đấu thầu vàng miếng trở lại. Đây là lần đầu tiên sau 11 năm, NHNN tổ chức đấu thầu vàng trở lại.
Theo đó, thông báo đấu thầu sẽ được gửi trước một ngày đấu thầu, bao gồm thông tin về giá sàn. Loại vàng mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC. Các doanh nghiệp sẽ phải đặt cọc để tham gia đấu thầu, muộn nhất vào 17h ngày nhận thông báo thầu.
Tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng điền vào đơn thầu và có 30 phút để quyết định về khối lượng và giá mua. NHNN sẽ công bố kết quả sau khi đóng thầu một tiếng đồng hồ. Hiện có 26 đơn vị bao gồm cả NHTM và doanh nghiệp kinh doanh vàng thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với NHNN. Trong đó, đến thời điểm này có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu.