Doanh nhân
Người đàn bà thép của ngành kiểm toán
Khánh An - 05/10/2013 07:40
“Không bao giờ quên mình là phụ nữ và luôn nhớ sức mạnh của phụ nữ là gì!”, bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV, kiêm Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán và Tư vấn Deloitte Việt Nam thẳng thắn chia sẻ khi được hỏi về sự nghiệp kinh doanh.

Thép đã tôi…

Trong giới doanh nhân Việt, đặc biệt trong ngành kiểm toán và tư vấn, bà Thanh được biết đến với danh hiệu “người đàn bà thép”. Chưa có dịp hỏi xem bà có thích thú hay không với danh gọi này, nhưng khi nghe bà chia sẻ những trăn trở về kinh doanh, về sự nghiệp và câu chuyện chuyển giao thế hệ lãnh đạo đang nóng lên trong từng doanh nghiệp Việt Nam, mới thấy “chất thép” ấy thấm đượm “chất tình”…

Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV, kiêm Tổng giám đốc Công ty
Kiểm toán và Tư vấn Deloitte Việt Nam

Cho tới thời điểm này, bà Thanh vẫn là phụ nữ duy nhất trong số 152 lãnh đạo quốc gia của Tập đoàn Deloitte trên khắp thế giới. “Hồi đầu, mỗi lần tham dự các cuộc họp của Deloitte toàn cầu, khi tôi tới bàn đăng ký, câu hỏi đầu tiên từ phía thư ký là bà đăng ký cho tổng giám đốc nào?”, bà Thanh vui vẻ kể lại.

Nói vậy để hiểu, không chỉ ở Việt Nam, sự có mặt của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo cao cấp của ngành kiểm toán không phải nhiều.

Nhưng theo bà Thanh, sự có mặt của bà trong cộng đồng doanh nhân Việt Nam chủ yếu là “duyên trời cho”.

Bà kể, công việc đầu tiên của bà là cán bộ chuyên ngành kế toán và kiểm toán tại Bộ Tài chính. “Năm 1991, tôi cùng một vài cán bộ của Vụ Chế độ kế toán được điều chuyển sang Công ty Kiểm toán Việt Nam (tiền thân của Deloitte Việt Nam) như những cán bộ nòng cốt ban đầu. Khi đó, tôi không nhận thức và chuẩn bị cho sự nghiệp kinh doanh kéo dài tới tận bây giờ. Việc trở thành Phó tổng giám đốc của Công ty vào năm 32 tuổi, rồi Tổng giám đốc sau đó 4 năm thực sự là xuất phát từ yêu cầu công việc, trách nhiệm và cả năng lực cá nhân”, bà Thanh nói về bước khởi đầu của duyên nghiệp kinh doanh.

Nhưng, lần trở lại các dấu mốc trong sự nghiệp của bà Thanh gần 20 năm trước, có thể thấy, cơ duyên, theo cách gọi của bà, có nền móng vững chắc từ tố chất và tư duy của người phụ nữ có “chất thép”.

Sau gần 2 năm học tập và làm việc tại Mỹ, trở về Việt Nam vào cuối năm 1996, với lợi thế là người Việt Nam đầu tiên được đi du học ở Mỹ về kiểm toán, bà “dám” từ chối các cơ hội làm việc ở các tập đoàn lớn của nước ngoài, với mức lương cao ngất ngưởng, để trở về tiếp tục sự nghiệp với Công ty Kiểm toán Việt Nam của mình. Sau đó hơn 10 năm, vào năm 2007, bà lại quyết định từ bỏ 24 năm công tác dưới tư cách cán bộ của Bộ Tài chính để chính thức gia nhập đội ngũ doanh nhân với chức danh Tổng giám đốc của Deloitte Việt Nam…

Các quyết định này của bà có thể là dễ hiểu trong thời điểm này, khi nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế bén rễ trong tư duy của doanh nhân Việt Nam trẻ tuổi, song ở thời điểm mười mấy năm trước, mọi việc không dễ dàng, thậm chí là có sự hiểu nhầm...

Sau 30 năm gắn bó với nghề nghiệp, 15 năm ở cương vị lãnh đạo của một trong những công ty kiểm toán và tư vấn hàng đầu Việt Nam, đại diện tại Việt Nam cho Tập đoàn Deloitte - một trong nhóm “big four” của ngành kiểm toán thế giới, dấu ấn của Tổng giám đốc Hà Thị Thu Thanh trong Deloitte Việt Nam là rất lớn. Rất dễ hiểu, dấu ấn này đang trở thành áp lực cho bất cứ ai tiếp nhận “ghế nóng” trong thời gian tới.

“Tôi hiểu người kế nhiệm mình phải có bản lĩnh và sự sắc sảo đủ để vừa lãnh đạo Công ty đi theo thời cuộc, vừa đảm bảo duy trì truyền thống và nét văn hóa của Công ty vốn ghi dấu ấn rõ nét của người tiền nhiệm. Thời gian lãnh đạo của người tiền nhiệm càng lâu, các dấu ấn càng rõ. Chính vì vậy, trong kế hoạch chuyển giao thế hệ lãnh đạo mà tôi đã và đang thực hiện, ngoài việc rút dần ảnh hưởng, điều tôi đang tập trung làm là tạo dấu ấn mới cho người kế nhiệm”, bà Thanh nói, nhưng cũng thành thực chia sẻ, không dễ dàng xoá bỏ dấu ấn, khi nơi đây là “mối tình đầu” và là “mối tình duy nhất” trong sự nghiệp của bà.

… và thế mạnh là nữ

“Người đàn bà thép”, nữ lãnh đạo duy nhất trong số 152 lãnh đạo quốc gia mà Deloitte có mặt toàn cầu không hề có ý định né tránh khi nói về thiên chức của phụ nữ, thậm chí, bà coi đó là sức mạnh riêng có của người phụ nữ. “Tôi quan điểm rõ ràng, đàn ông là phái mạnh, phụ nữ là phái đẹp. Đàn ông có sức bật, thì phụ nữ có sức bền. Đàn ông có phong độ thì phụ nữ có phong cách. Nếu thiếu đi sức bền của người phụ nữ, sức mạnh của người đàn ông có thể thăng hoa mãi được không?”, bà đặt câu hỏi, nhưng cũng là để trả lời.

Trong nhận định của người đàn bà thép, có thể doanh nhân nam đi nhanh hơn, nhưng khi gặp khó, họ cũng vất vả hơn các đồng nghiệp nữ, những người có thiên tính về sự chỉn chu, lo toan trước sau. “Rõ ràng, phái đẹp có những tiềm ẩn mạnh mẽ mà phái mạnh không có được”, bà Thanh phân tích và bày tỏ quan điểm khi cho rằng, bản thân bà và các nữ doanh nhân phải luôn tâm niệm rằng, đừng quên sức mạnh tiềm ẩn của mình, luôn tự đánh giá và phát huy sức mạnh tiềm ẩn ấy và chính điều này sẽ tạo nên phong cách và giá trị riêng của nữ doanh nhân.

“Khi chúng ta không tự tôn vinh giá trị của mình, thì đừng trông chờ có sự thay đổi về giá trị người phụ nữ”, bà Thanh nói và lý giải cho sự xuất hiện của cây, của hoa, của thơ và những bức hình cá nhân trong phòng làm việc, ngay trong tầm mắt của bà. Đây là bức chụp ở Hawai, trẻ trung và đầy màu sắc. Đây là cảnh chụp lúc hoàng hôn, nắng chiều thắm đượm trên tóc, trên môi…

“Khi thấy mình đẹp, tôi tự tin và yêu bản thân mình, tôi sẽ làm được những công việc mà mình muốn. Chính vì vậy, sau lưng tôi là bức tranh mùa bội thu, đó là mục tiêu, nhưng trước mặt tôi là chính tôi. Đây là điều tôi muốn chia sẻ với những đồng nghiệp nữ của mình, những người tôi thực sự tôn trọng khi họ lựa chọn con đường kinh doanh nhiều khó khăn và chông gai”, bà Thanh nói.

Cũng không thể phủ nhận, Việt Nam với thế mạnh của một nền kinh tế đang phát triển, với những thay đổi lớn về tư duy, nhưng đâu đó, cách nhìn về quyền và năng lực của người phụ nữ nói chung và nữ doanh nhân nói riêng vẫn cần nhiều thay đổi. Ngay cả những chính sách liên quan đến việc tôn vinh cũng vẫn dựa trên yếu tố cơ cấu hay ưu tiên phụ nữ theo quan điểm cũ.

Trong môi trường văn hoá châu Á, rồi trong văn hoá cụ thể của người Việt Nam, thì bổn phận thực hiện thiên chức của người phụ nữ quan trọng hơn rất nhiều. Và đây chính là thách thức vô cùng lớn với những nữ doanh nhân trước tuổi 40.

“Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, nghị lực, ý chí và trên hết là chiến lược và sự kiên định trong con đường kinh doanh, những chìa khoá đã giúp nhiều nữ doanh nhân thế hệ chúng tôi đi chọn duyên với kinh doanh của mình”, “người đàn bà thép” cởi lòng.

Vào ngày 5/10 tới, 15 nữ doanh nhân tài năng và phong cách của Hiệp hội Nữ Doanh nhân Hà Nội (HNEW) sẽ được vinh danh trong Chương trình “Nữ doanh nhân tài năng và phong cách HNEW 2013”. Đây là một trong những điều mà bà Thanh muốn thực hiện khi nhận trọng trách là Chủ tịch HNEW nhiệm kỳ II (2013 - 2018). Bởi, theo quan điểm của bà, để tạo được sự thay đổi về quan niệm, tư duy của xã hội, của thế hệ về nữ doanh nhân, cần phải có những tấm gương để nhân rộng, mà trước hết, đó là các nữ doanh nhân tiêu biểu.


Trò chuyện với Chủ tịch Hiệp hội Nữ Doanh nhân Hà Nội Hà Thị Thu Thanh

Thưa bà, nữ doanh nhân vất vả hơn do quan niệm?

Xã hội đã thay đổi, buộc người phụ nữ cũng phải lăn xả với cuộc sống, với sự nghiệp, nhưng vẫn không thay đổi quan niệm người phụ nữ phải có nghĩa vụ vun vén và vẹn toàn với gia đình.

Nghĩa là nữ doanh nhân bị đòi hỏi quá nhiều?

Tôi biết không ít nữ doanh nhân sau những khởi nghiệp khá ấn tượng, phải đi chậm lại, thậm chí phải xoay chuyển theo chồng, khi bước chân vào cuộc sống gia đình. Điều này ngược hoàn toàn với doanh nhân nam, khi lập gia đình cũng là lúc họ toàn tâm dành cho sự nghiệp cá nhân.

Vấn đề là khi nói về sự thành công của nữ doanh nhân, vẫn có thói quen soi cả vào gia đình của họ?

Thiên chức buộc các nữ doanh nhân phải nỗ lực hết mình, nhưng không nên duy trì quan niệm “đảm việc nhà, giỏi việc nước” theo nghĩa chu toàn tất cả. Tôi không đồng tình với lối nghĩ “đằng sau một người đàn ông thành đạt là bóng dáng một người phụ nữ”, mà phải là “bên cạnh một người đàn ông thành đạt là một người phụ nữ”.

Đó là lý do HNEW tổ chức Giải thưởng “Nữ doanh nhân tài năng và phong cách”?

Với nam doanh nhân chỉ cần tài năng. Nhưng với nữ doanh nhân, chúng tôi quan tâm đến cả phong cách. Dù có khó khăn và vất vả đến mấy trong điều hành doanh nghiệp, thì hình ảnh nữ doanh nhân trong đó vẫn đẹp về hình thức, đẹp cả trí tuệ, bền bỉ, khéo léo chèo chống doanh nghiệp là đặc điểm quan trọng thể hiện sự khác biệt. Đây là những điều rất đáng để tôn vinh.

Tin liên quan
Tin khác