Thời sự
Người dân sợ thông tư hơn luật!
Phạm Thịnh - 27/11/2014 14:42
Đại biểu Quốc hội cho rằng người dân sợ thông tư hơn sợ luật vì thông tư hạn chế quyền nhưng mở rộng nghĩa vụ của họ.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Thuế rượu, bia, thuốc lá: Tăng hay không tăng
A Lăng Toàn Hão Huyền, Y Mong Mất Hút... lên bàn quốc hội

Sáng 27/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật ban hành văn bản pháp luật.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, luật ban hành văn bản pháp luật có nhiệm vụ tạo khung khổ, thiết lập cơ chế vận hành cho toàn bộ hoạt động lập pháp và lập quy.

   
  Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, ĐBQH tỉnh Thái Bình  

Ông Lộc cho rằng, vẫn chưa có những biện pháp xử lý thỏa đáng bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành.

Ông Lộc nêu quan điểm: “Việc thiếu định hướng của các các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản ngay từ khi xem xét đề xuất ý tưởng khiến cho người soạn thảo giống như anh “đẽo cày giữa đường”, không biết kiên định đường hướng nào”.

Thực tế, một số văn bản được ban hành mà không rõ mục tiêu, phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh và nguyên tắc xây dựng chính sách, dẫn đến những hiểu lầm và tranh luận không cần thiết hoặc nội dung dự thảo không đúng với chủ trương, định hướng của người có thẩm quyền ban hành văn bản. “Ví dụ như một số đề xuất trước đây về quản lý xe ôm, về sức khỏe của người lái xe…”, ông Lộc dẫn chứng.

Hiện nay, các Bộ ngành vẫn là những cơ quan soạn thảo pháp luật chủ yếu. Tuy nhiên, quy trình soạn thảo văn bản hiện hành cho thấy rõ những bất cập về chất lượng văn bản pháp luật khi bộ, ngành vừa là cơ quan đề xuất, soạn thảo, vừa là cơ quan ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện quản lý nhà nước.

“Có một xu hướng tự nhiên nhiều chính sách vẫn dành thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, đẩy khó khăn cho các đối tượng chịu sự điều chỉnh của văn bản”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI cũng đề nghị dự thảo Luật cần có quy định giới hạn thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật của Bộ ngành, địa phương để bảo đảm tập trung thực thi đầy đủ quyền lập pháp của Quốc hội và quyền ban hành văn bản hướng dẫn Luật của Chính phủ.

Thực tế 8 năm thực thi Luật hiện hành cho thấy rất rõ bất cập về các văn bản hướng dẫn Luật. Nhiều Luật được ban hành nhưng không có văn bản hướng dẫn kịp thời với hiệu lực của Luật. Tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn kéo dài nhiều năm chưa chấm dứt.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu ra thực tế: “Người dân, doanh nghiệp chờ thông tư hơn chờ luật, nghị định bởi khá nhiều trường hợp công chức ở cơ sở từ chối thực hiện thủ tục vì lý do chưa có thông tư hướng dẫn”.

“Họ cũng sợ thông tư hơn sợ luật, nghị định vì trong không ít trường hợp, thông tư hạn chế quyền, mở rộng nghĩa vụ của họ nhiều hơn so với luật, nghị định. Luật thì ở trên trời, thông tư thì dưới đất”, ông Lộc nói thêm.

Vì vậy, vị đại biểu tỉnh Thái Bình đề nghị bổ sung ba nguyên tắc vào dự thảo luật.

Ông Lộc cho rằng các loại văn bản cấp Bộ ngành trở xuống không được quy định hạn chế các quyền hoặc tăng thêm các nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân so với quy định của văn bản cấp trên.

Hai là, văn bản từ cấp quyết định của Thủ tướng trở lên mới có thể có văn bản hướng dẫn. Ba là, có cơ chế để kiểm soát và xử lý trách nhiệm trong việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn.

Bên cạnh đó, quyền tham gia của người dân, doanh nghiệp vào quá trình ban hành văn bản pháp luật cần được thể chế hóa đầy đủ trong luật này.

“Trong khi không thể thay đổi trong ngày một ngày hai năng lực của đội ngũ cán bộ xây dựng pháp luật, thì việc huy động trí tuệ của người dân, doanh nghiệp để cùng Nhà nước xây dựng pháp luật, tận dụng tai mắt của nhân dân, của doanh nghiệp kiểm soát quá trình xây dựng pháp luật rõ ràng là cách làm vô cùng hiệu quả và hợp lẽ”, đại biểu Lộc nêu quan điểm.

Vị Chủ tịch VCCI cho rằng, hầu như không có cơ quan soạn thảo nào công khai dự thảo cuối cùng, mà chỉ lấy ý kiến công chúng cho các dự thảo ban đầu. Thậm chí, có không ít văn bản mà quá trình soạn thảo chỉ khép kín giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan ban hành. 

“Hệ quả là người dân, doanh nghiệp nhiều trường hợp hoàn toàn bất ngờ khi văn bản được ban hành liên quan đến quyền và nghĩa vụ của họ có chứa những quy định bất lợi mà họ không hề được biết trước đó. Dự thảo luật phải có quy định bảo đảm khắc phục được tình trạng này, đặc biệt là việc bảo đảm công khai bản dự thảo cuối cùng”, ông Lộc kiến nghị.

Tin liên quan
Tin khác